Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên Huế: Khó khăn trong nghiên cứu và phát triển thuốc từ nguồn dược liệu tự nhiên
15:00 | 10/07/2014

Dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Theo thống kê của WHO, những năm gần đây, nhiều công ty, nhà sản xuất đã có hướng đi mới là sản xuất các thuốc bổ trợ, các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương liệu… từ dược liệu.

Thừa Thiên Huế: Khó khăn trong nghiên cứu và phát triển thuốc từ nguồn dược liệu tự nhiên

Thừa Thiên Huế là tỉnh có vị trí, đặc điểm địa lý, tự nhiên đa dạng với nguồn dược liệu phong phú về chủng loại lẫn công dụng làm thuốc. Với đặc trưng chế độ khí hậu nhiệt đới chuyển tiếp Bắc-Nam đã ảnh hưởng đến sự giao thoa, hội tụ của nhiều hệ động thực vật. Thêm vào đó, điều kiện địa hình đa dạng gồm núi rừnggò đồiđồng bằng duyên hảiđụn cát, đầm phá, biển ven bờ đã làm tăng đáng kể mức độ đa dạng sinh học. Thừa Thiên Huế hiện có 43 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới, con số này chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Các dân tộc thiểu số Cơ tuTà Ôi,Vân Kiều, Pa Ko định cư tập trung chủ yếu ở phía Tây của tỉnh. Trải qua quá trình sinh sống lâu dài, các dân tộc này có nhiều kinh nghiệm làm thuốc quý giá để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng và đã tạo ra nét đặc trưng đa dạng làm nên một tiểu vùng văn hoá ở phía tây Thừa Thiên Huế.

Tuy vậy, nguồn dược liệu tự nhiên của tỉnh đang có xu hướng cạn kiệt dần do dân khai thác bừa bãi để bán, do nạn chặt phá rừng, nên số lượng cũng như chất lượng cây thuốc ngày càng giảm. Đặc biệt những cây thuốc vừa quí về giá trị sử dụng, vừa quí về giá trị nguồn gen do hiếm gặp hoặc là loài đặc hữu đang bị khai thác tận diệt. Một số loài khác hiện chưa bị sức ép bởi khai thác sử dụng, nhưng môi trường sống đang bị de dọa nên nguy cơ rủi ro cũng rất cao. Một số loại cây thuốc chỉ được sử dụng dưới tên gọi địa phương mà chưa được xác định tên phổ thông hoặc tên khoa học nên khó khăn trong việc ghi chép, kế thừa. Mặt khác các kinh nghiệm này đôi khi bị coi thường và gán ghép cho là hành nghề mê tín dị đoan… Với thực tế như vậy nên kinh nghiệm làm thuốc của các dân tộc trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang ngày bị mai một và thất truyền. Hiện nay chưa có tài liệu, số liệu, nghiên cứu tổng thể nào về nguồn tài nguyên cây thuốc, kinh nghiệm sử dụng cây thuốc trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Hiện tại trồng và khai thác dược liệu ở Thừa Thiên Huế còn tự phát, qui mô nhỏ, chưa có định hướng nên dẫn đến sản lượng và giá cả không ổn định. Dược liệu được trồng lẫn với lúa và hoa màu, chưa được cung cấp giống có chất lượng tốt, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới… còn tùy tiện.

 

Vì vậy nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh cần có 1 dự án điều tra tổng thể về nguồn tài nguyên dược liệu, kinh nghiệm sử dụng cây thuốc trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng như có biện pháp bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ dược liệu quý, nguồn gen cây thuốc quý hiếm ở địa phương (hạn chế phá rừng và khai thác dược liệu bừa bãi) và tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế vườn rừng (lâm nghiệp, dược liệu) để góp phần đưa dược liệu vào phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp các cơ sở nghiên cứu hiện có trên địa bàn tỉnh như các trường đại học, bệnh viện để nghiên cứu đánh giá tác dụng dược lý, tác dụng lâm sàng của một số cây thuốc, bài thuốc. Nghiên cứu sâu hơn về thành phần hóa học, quy trình chiết xuất hoạt chất làm thuốc.

PV

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng