Kinh tế và phát triển
Giải pháp khai thác thị trường khách du lịch
13:53 | 17/07/2014

Với những nỗ lực của tỉnh, ngành du lịch cùng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp tích cực nên trong những tháng đầu năm lượng khách đến TTHuế tiếp tục có sự tăng trưởng. Khách lưu trú tăng 13%; doanh thu từ du lịch tăng trên 20%. 

Giải pháp khai thác thị trường khách du lịch
Du khách dự dạ tiệc Đêm Hoàng Cung

Những tháng cuối năm, dự báo sẽ có những khó khăn trên lĩnh vực du lịch,, do vậy ngành du lịch tiếp tục có giải pháp về khai thác thị trường khách du lịch; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm nhằm duy trì ổn định tăng trưởng.

Trong 6 tháng, du lịch Thừa Thiên Huế đã đón 1,57 triệu lượt khách, trong đó có 575.000 lượt khách quốc tế. Khách lưu trú đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ du lịch đạt 1.525 tỷ đồng, tăng gần 22%. Doanh thu xã hội ước đạt trên 3.355 tỷ đồng. Mặc dù có sự tăng trưởng ổn định, tuy vậy một số thị trường khách đã có sự suy giảm, đó là thị trường khách Thái Lan, Trung Quốc. Đối với nguồn khách Trung Quốc, kể từ sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, do tác động từ phía Trung Quốc nên lượng khách từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đi du lịch Việt Nam giảm hẳn. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 6 lượng khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 44%.

Tại thị trường khách du lịch TT Huế, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TT Huế cho biết, thị phần khách du lịch từ Trung quốc đến Huế chỉ chiếm 1,2%, phần lớn lượng khách này thường tham quan du lịch tại một số tỉnh thành của Việt Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, T/P Hồ Chí Minh... Do vậy, mức ảnh hưởng đối với du lịch TT Huế không lớn. Một số khách sạn ở Huế có các tour khách từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông như Century, Mường Thanh, Hoàng Đế...đã hủy tour, hủy phòng và hụt mất một nguồn thu khá lớn cho doanh nghiệp. Còn đối với thị trường khách Thái Lan, do ảnh hưởng tình hình chính trị của đất nước này nên lượng du khách đi du lịch giảm đáng kể. Trong cơ cấu khách quốc tế đến Huế, trong nhiều năm qua lượng khách Thái Lan luôn đứng đầu bảng, năm 2013 chiếm trên 18%; thế nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, theo sở Văn hóa thể thao & Du lịch, lượng khách Thái Lan xuống vị trí thứ 2, chiếm khoảng 11,5%. 

Trước những biến động của thị trường khách du lịch, ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn có những giải pháp nhằm tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm. Đối với thị trường khách, khi hai thị trường khách Thái Lan, Trung Quốc giảm thì thị trường khách du lịch đến từ Australia trong những tháng đầu năm nay lại tăng đột biến, vươn lên vị trí dẫn đầu bảng khách quốc tế, chiếm trên 16%. Thị trường khách Hàn Quốc cũng tăng khá, do Hãng Hàng không Việt Nam mở tuyến bay Đà Nẵng - Seoul (Hàn Quốc) từ tháng 12/2013 nên lượng du khách du lịch miền Trung tăng lên; xếp vào bảy thị trường hàng đầu có khách du lịch đến Huế, chiếm trên 7%, tăng hơn 3% so cùng kỳ năm trước. Do vậy, ngoài khai thác thị trường truyền thống, các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng các thị trường tiềm năng mới này.

 Ông Đinh Mạnh Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TT Huế cho biết, trên cơ sở chương trình kích cầu của năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp du lịch trong Hiệp hội tiếp tục liên kết để đưa ra những gói kích cầu, đặc biệt là các dịp lễ. Đồng thời có giải pháp khai thác thị trường khách du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch qua hình thức hội chợ triển lãm, liên hoan ẩm thực, quảng bá trực quan, tờ rơi; nâng cao chất lượng các tour du lịch, sản phẩm du lịch hình ảnh du lịch Huế – Việt Nam sẽ được giới thiệu quảng bá rộng rãi hơn.


Giới thiệu quảng bá thông tin du lịch Huế tại cảng Chân Mây

Về giải pháp nhằm phát huy lợi thế ngành du lịch dịch vụ trong thời gian tới, ông Phan Tiến Dũng - GĐ Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch TT Huế cho biết ngành du lịch tiếp tục có những giải pháp tích cực, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch biển, đầm phá và triển khai đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”, khai  thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tỉnh cũng đã có những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch biển, đầm phá; có chính sách thu hút dự án đầu tư tại các khu du lịch biển Lăng Cô, Thuận An. Sở VH TT & DL liên kết với nhiều hãng lữ hành để xây dựng sản phẩm, kết nối tour tuyến; đồng thời làm việc với các địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch gắn với lễ hội vùng ven biển, đầm phá; phối hợp với các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương tham gia du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhàm góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân.

 

Cũng trong những tháng cuối năm, ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn có những giải pháp nhằm tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định. Trong đó sẽ triển khai hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của Tổng cục Du lịch. Đồng thời , một số chương trình kích cầu du lịch và những sản phẩm mới đã được các đơn vị, doanh nghiệp đưa ra nhằm thu hút, hấp dẫn du khách đến Huế. Trung tâm Bảo tồn Di tích sẽ có 2 đợt kích cầu du lịch vào tháng 9 và tháng 12; Trung tâm còn phối hợp với các đối tác đưa vào hoạt động một số dịch vụ mới nhằm gia tăng sự trải nghiệm các giá trị văn hóa Cố đô Huế đối với du khách và cộng đồng. Tỉnh, ngành du lịch tiếp tục triển khai chương trình phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch biển, đầm phá, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch kết hợp mua sắm và các dịch vụ giải trí chất lượng cao; khai thác và phát huy các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách; Tăng cường triển khai tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Phấn đấu đạt kế hoạch đón 2,8 – 3 triệu lượt khách trong năm nay.

Theo TRT

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng