Huế là thành phố du lịch nổi tiếng với hai di sản văn hóa nhân loại là quần thể Di tích Cố Đô và nhã nhạc Cung đình. Nhiều di tích có giá trị lịch sử văn hóa như Đại Nội, Lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, Gia Long; Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, Trường Quốc Học...
Ngoài các di tích trên, đến Huế du khách còn được chiêm ngưỡng các thắng cảnh tuyệt đẹp như sông Hương, núi Ngự, bãi biển Thuận An, Lăng Cô, phá Tam Giang, Chùa Huế, nhà vườn Huế… Chẳng thế mà cứ 2 năm một lần, Huế lại diễn ra một kỳ Festival thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tham gia.
Có thể thấy tiềm năng du lịch Huế được xếp vào “tốp” của Đông Nam Á chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhiều chuyên gia quy hoạch du lịch và phát triển thương hiệu khi đến Huế đều “lặng người” trước vẻ đẹp và những ưu đãi mà thiên nhiên dành cho Huế.
Năm 2013, Huế đã đón gần 2,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 930.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt gần 2.500 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nhìn vào những con số đó chúng ta không nên vội mừng bởi Huế sẽ khó có thể phát triển hơn được nữa nếu những bất cập không được khắc phục. Đó là, Huế vẫn đang thiếu chỗ chơi, chỗ mua sắm. Khu mua sắm hiện chỉ có chợ Đông Ba, đi một vòng khoảng vài chục phút là hết. Ở đây cũng không có nhiều thứ hứng thú với du khách, giá cả khá cao so với bên ngoài. Một trở ngại với khách du lịch đi bằng máy bay là không thể mang những đặc sản như tôm chua, ruốc, nước mắm… lên máy bay. Vì thế, ngành du lịch Huế có lẽ cần có giải pháp để nâng cao chất lượng từ dịch vụ lưu trú đến ăn uống.
Một điểm mạnh khác của Huế du lịch văn hóa tâm linh nhưng vẫn chưa phát triển mạnh. Khi mà việc thăm thú các di tích gần như bão hòa nhu cầu, người làm du lịch cần tìm những sản phẩm mới. Chẳng hạn những lăng nhỏ nhưng rất giá trị như lăng vua Duy Tân, Thiệu Trị, điện Voi Ré, Hổ Quyền… nếu khai thác sẽ rất thu hút khách.
Du lịch cộng đồng, một nội dung được du khách nước ngoài rất ưa thích. Trong ảnh: Du khách Nhật Bản vui mừng giao lưu với bà con dân tộc Vân Kiều tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế. |
Du lịch Huế ban đêm cũng luôn bị “phàn nàn” là thiếu sản phẩm. Ngoài ca Huế trên sông Hương, ít có những chương trình vui chơi, thưởng thức văn hóa đêm. Du khách đến Huế cũng rất ngạc nhiên vì sao một thành phố du lịch mà người dân thường đi ngủ quá sớm. Nhiều du khách lần đầu đến Cố đô muốn du ngoạn khắp kinh thành và thưởng thức các món ẩm thực Huế về đêm nhưng đều thất vọng. Các khu phố ẩm thực chỉ nhộn nhịp vào các dịp Festival còn các ngày bình thường trở nên vắng vẻ. Chợ quê ngày hội diễn ra tại Cầu ngói Thanh Toàn chỉ tấp nập, phong phú trong các ngày lễ, các ngày còn lại vắng vẻ, thưa thớt, một số các loại đặc sản địa phương chế biến không bảo đảm vệ sinh.
Không còn sớm nhưng có lẽ cũng chưa quá muộn để các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch Huế tìm ra những giải pháp đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ, loại hình du lịch để "đánh thức" tiềm năng mà Huế thực sự đang có.
Theo QĐND