Gần đây, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh TT-Huế phát triển mạnh, theo đó nhu cầu tôm giống ngày càng cao. Tuy nhiên, do con giống không đảm bảo chất lượng, nên sau khi thả nuôi khoảng một thời gian thì tôm chết và lây lan trên diện rộng. Thực trạng đó lặp đi lặp lại khiến hàng trăm đồng tôm trên địa bàn tỉnh này đang bị bỏ hoang.
CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG: VÀNG-THAU LẪN LỘN
TT-Huế là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn với 4.300 ha nuôi chuyên tôm và tôm xen ghép. Mỗi năm, nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng 1,5 tỷ con và tôm sú là 200 triệu con giống. Nhu cầu giống cao nhưng nguồn giống cung ứng tại chỗ đối với tôm sú chỉ đáp ứng 20%, còn tôm thẻ chân trắng thì người dân mua qua các công ty và nguồn giống trôi nổi ở các tỉnh phía Nam. Qua tìm hiểu, phần lớn ở các trại sản xuất giống không có chứng nhận chuyên môn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không đăng ký đảm bảo vệ sinh môi trường, không công bố chất lượng hàng hóa nhưng vẫn vô tư tồn tại. Hiện nay, thị trường tôm giống chưa được bảo hộ nên có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, không ít cơ sở sản xuất tôm giống sạch nhưng vẫn “ì ạch” vì đầu ra không ổn định.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh TT-Huế cho biết: “Chất lượng tôm giống vàng thau lẫn lộn. Họ bán tôm ở bể có giấy kiểm dịch hẳn hoi nhưng khi bán cho người nuôi thì lại bắt ở bể tôm kém chất lượng, không có kiểm dịch. Biết vậy, nhưng khi người dân mua giống về thả nuôi không kiểm soát xuể, bởi lực lượng cán bộ chi cục quá mỏng”.
KIỂM TRA, GIÁM SÁT CHƯA CHẶT
Để nuôi trồng mang lại hiệu quả cao, ngoài việc vệ sinh ao hồ, nguồn giống đảm bảo chất lượng là yếu tố quyết định sự thành bại của nuôi tôm. Hiện, ở các vùng nuôi tôm ở TT-Huế, có khoảng gần 100 công ty chào bán tôm giống. Để nguồn giống trước khi thả nuôi phải qua kiểm dịch PCR, đầu vụ nuôi, Chi cục Thú y (CCTY) thành lập 2 chốt kiểm dịch trên QL1A qua địa bàn TT-Huế, chốt phía Bắc ở xã Phong Thu (H.Phong Điền) và phía Nam chốt Thừa Lưu (H.Phú Lộc).
Theo CCTY tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng đã kiểm tra 186 ô-tô vận chuyển tôm giống qua chốt kiểm dịch Thừa Lưu, hầu hết đều có giấy kiểm dịch. Tuy nhiên, hiện phần lớn người dân mua tôm giống từ ngoại tỉnh về chủ yếu vận chuyển bằng xe máy nên mỗi khi qua trạm kiểm dịch rất khó kiểm soát. Vì vậy, mỗi khi vào vụ nuôi, Chi cục tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương các xã, khi người dân đưa giống về thả nuôi phải kiểm tra, kiểm soát tại chỗ; trường hợp nếu giống không có nguồn gốc phải cách ly, theo dõi sau một thời gian mới kiểm dịch và thả nuôi.
Ông Nguyễn Viết Từ-hộ nuôi tôm ở xã Phong Hải cho biết: “Tôi nuôi tôm đến nay đã gần 5 năm, bao nhiều lần đến vụ nuôi tôm bà con chúng tôi thả giống nhưng đến nay tôi chưa một lần thấy một cán bộ nào của ngành thủy sản đến kiểm tra người nuôi thả giống có đầy đủ chứng từ hay không”. Lý giải về vấn đề này, một cán bộ Phòng NN &PTNT H. Phong Điền cho hay, do người dân mua giống về thả nuôi vào ban đêm nên cơ quan chức năng không thể kiểm tra được?! Còn người nuôi tôm cho rằng, nếu lực lượng chức năng siết chặt quản lý thì người nuôi thả giống xuống hồ vào ban đêm hay ban ngày đều có thể kiểm tra được tôm giống đã qua kiểm dịch hay chưa.
Ông Nguyễn Văn Hưng- Chi cục trưởng CCTY tỉnh cho rằng: “Tình hình chung hiện nay là các tỉnh cấp giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản đều không có phiếu xét nghiệm các bệnh thuộc danh mục các bệnh thủy sản phải kiểm dịch theo Thông tư 52 của Bộ NN&PTNT. Chủ yếu kiểm tra cảm quan rồi cấp giấy, không ghi số lô hay dấu hiệu phân biệt, không niêm phong phương tiện...; điều này gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý”. Theo CCTY tỉnh, đầu năm đến nay, người nuôi đưa đến Chi cục kiểm tra 300 mẫu tôm giống bằng PCR; trong đó, phát hiện 28 mẫu dương tính đốm trắng, 52 đầu vàng, gan tụy 2 mẫu dương tính... So với tổng diện tích nuôi trồng hiện có trên địa bàn tỉnh thì số mẫu tôm giống được bà con đưa đến kiểm dịch bằng máy PCR khoảng 50%.
NHIỀU ĐỒNG TÔM BỊ BỎ HOANG
Tình trạng tôm chết trắng đồng diễn ra qua nhiều vụ nuôi, trong đó nguyên nhân chính là do chất lượng giống kém khiến hàng trăm đồng tôm trên địa bàn TT-Huế đang bị bỏ hoang. Đi dọc vùng Ngũ Điền qua các xã: Điền Hương, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Hải thuộc H. Phong Điền- vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh, dù đã bước vào mùa vụ nuôi tôm nhưng trên đồng, dưới ao đều vắng bóng người. Tại xã Điền Hương, đi ra giữa vùng nuôi tôm trên cát ven biển, ngoài các công ty, khó khăn lắm mới tìm được một, hai nhóm hộ đang canh hồ, thả tôm nuôi. Còn lại đa số hồ đều bỏ hoang, bờ đê sạt lở, trại nuôi hoang tàn, xuống cấp.
Ông Nguyễn Tấn Thành (xã Điền Hương), một hộ nuôi tôm nói: “Toàn xã những năm trước nuôi tôm rầm rộ, xe chạy ra vùng cát ven biển nườm nượp. Chưa bao giờ thất bát to như mùa vụ vừa rồi, bình quân mỗi nhà thua lỗ từ 50 - 70 triệu đồng; cá biệt có nhà lỗ đến 200 triệu đồng”. Hộ ông Thành vụ này thả nuôi 2 hồ với diện tích 8.000m2. Theo tính toán của ông, với giá tôm chỉ 80 - 90 nghìn đồng/kg loại 100 con như hiện nay thì người nuôi “cầm” được vốn là may mắn lắm rồi. Gần 1 ha tôm của ông Thành, tính đầy đủ chi phí các khoản từ khi nuôi đến thu hoạch trong hơn 2 tháng “ngốn” mất gần tỷ bạc, giờ hòa vốn là mừng.
Ông Văn Đình Duệ, một người dân nói: “Thà tôm mới thả nuôi chết còn đỡ tốn kém chứ nuôi trên dưới 1 tháng, có nơi nuôi 2 tháng, nắng nóng hay mưa giông một ngày là tôm lăn ra chết đỏ hồ. Hai tháng nuôi ngốn cả gần chục tấn thức ăn chứ không phải ít, tôm chết trắng tay là cái chắc”. Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: “Qua tết đến nay, tôm nuôi dịch bệnh liên tục. Nguyên nhân tôm chết do các bệnh về gan, đường ruột và đốm trắng…”.
Theo cadn.com.vn