Kinh tế và phát triển
Ổn định nghề khai thác lưới lừ dù khó vẫn quyết làm
09:10 | 06/09/2014

Cùng với việc duy trì các loại nghề khai thác truyền thống, những năm gần đây, ngư dân các địa phương đã phát triển nghề lưới lừ quá nhiều, mắt lưới quá nhỏ đã tác động rất xấu đến tài nguyên thủy sản trên phá Tam Giang.

Ổn định nghề khai thác lưới lừ dù khó vẫn quyết làm

Huyện Quảng Điền có tổng diện tích mặt nước phá Tam Giang trên 3.500 ha. Toàn huyện có 19 Chi hội nghề cá ở các xã: Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành và thị trấn Sịa.

Hiện nay, trên diện tích mặt nước phá Tam Giang của huyện có những loại nghề đang hoạt động đánh bắt nguồn lợi thủy sản như: nò, sáo, chuôm, lừ và lưới các loại. Trong các loại nghề trên, nghề lừ thu hút nhiều ngư dân tham gia nhất. Qua thống kê, hiện nay toàn huyện có 60.813 cheo lừ, tập trung nhiều nhất ở xã Quảng Lợi  20.283 cheo lừ, kế đó là xã Quảng Phước 13.000 cheo, các xã còn lại mỗi xã từ 2.000 đến 10.600 cheo.

 Lừ xếp là một loại bẩy cá ở tầng đáy có tính nạo vét cao. Ngư cụ này có nguồn gốc từ Trung Quốc và bắt đầu được ngư dân đưa vào sử dụng để khai thác thủy sản ở đầm phá từ năm 2005. Ban đầu chỉ phát triển ở quy mô nhỏ với 30 hộ, nhưng sau này được người dân phát triển rộng với quy mô lớn, với 1.575 hộ sử dụng. Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt do đánh bắt quá mức. Hiện nghề đánh bắt thủy sản bằng lừ xếp phát triển tràn lan trên vùng đầm phá đang là vấn đề nan giải của các ngành chức năng.

Tại xã Quảng Lợi có 420 hộ, với 20.283 cheo lừ, tập trung chủ yếu ở các thôn: Hà Công, Cư Lạc, Ngư Mỹ Thành. Phần lớn các hộ dân đang sử dụng loại mặt lưới nhỏ dưới 4mm, với loại mắt lưới này sẽ tận thu tất cả những loại tôm, cá dù nhỏ nhất, do vậy đã dẫn đến sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang. Theo ông Trần Dũng-một ngư dân chuyên đánh bắt bằng nghề lừ xếp ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cho hay:  “Việc đánh bắt lừ xếp trên phá thường diễn ra vào ban đêm, và có thể bắt được một lúc nhiều loài cá, tôm khác nhau, nên hiện có rất nhiều người chuyển sang nghề này. Vì hiệu quả kinh tế từ nghề lừ khá cao, hiện nay nhiều ngư dân ở Quảng Lợi đã cải tiến, thay đổi mắt lưới, nhỏ hơn 4mm. Do vậy đã tận thu tất cả các loại thủy sản làm cho nguồn lợi thủy sản trên đầm phá ngày càng cạn kiệt”.

Theo tính toán sơ bộ, với 20.283 cheo lừ hoạt động trên phá Tam Giang thuộc địa phận xã Quảng Lợi, mỗi ngày địa phương này tận thu trên 2 tấn cá, tôm các loại, chưa kể các loại nghề khác cũng đang hoạt đồng khá đều đặng ở khu vực này. Trong khi đó sự sinh đẻ của các loại thủy sản thì có hạn. Trao đổi với ông Phan Văn Ty – Chủ tịch Chi hội nghề cá Ngư Mỹ Thạnh cho biết: Chi hội đã khuyến khích, vận động hội viên giảm bớt số lượng cheo lừ trên một hộ gia đình, đồng thời cải tiến lại mắt lưới lừ lên 2a>=18mm theo quy định của UBND tỉnh, nhưng cũng chỉ là vận động thôi chứ chưa có chế tài xử phạt người vi phạm quy định nên rất khó thực hiện. Về vấn đề này, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành có biện pháp triệt để”.     

Tại xã Quảng Phước, hiện nay xã có 3 Chi hội nghề cá: Phước Lập, Hà Đồ và Mai Dương, với 29 trộ nò sáo, 13 trộ chuôm, 13.600 cheo lừ và 2.540 lưới các loại hoạt động trên diện tích 335 ha mặt nước phá Tam Giang. Trong số các loại nghề hoạt động trên, nghề lưới lừ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và cùng là nghề để lại hậu quả nặng nhất, bởi lẽ tất cả các loại tôm, cá đều bị tận thu, không để cho thủy sản sinh trưởng và phát triển. “ Chúng tôi đã nhiều lần họp các Chi hội nghề cá triển khai các biện pháp quản lý tình trạng hoạt động khai thác thủy sản bằng lưới lừ. Khuyến khích, vận động bà con ngư dân cải tiến mắt lưới lừ theo quy định, nhưng đến nay tiến độ vẫn chưa tiến triển”, ông Phan Hùng Sơn – PCT UBND xã Quảng Phước chia sẽ.      

Chính sự phát triển mạnh mẽ của nghề khai thác thủy sản bằng lưới lừ đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Khai thác thủy sản bằng lưới lừ không mang tính chất hủy diệt như giả cào, xung điện nhưng nó mang tính chất tận thu. Việc đánh bắt thủy sản bằng lưới lừ xếp một cách ồ ạt của người dân đã làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm một cách nghiêm trọng đã và đang trở thành mối lo ngại của chính quyền địa phương. 

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm phá, huyện Quảng Điền đã chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý đánh bắt, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm phá. Tiến hành thống kê số hộ sử dụng và số lượng lừ ở  từng địa phương để có biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ về quy cách, số lượng và phạm vi sử dụng. Trước mắt, vận động ngư dân cải tiến mắt lưới theo quy định, mỗi Chi hội nghề cá chỉ được sử dụng tối đa từ 1.000 đến 2.000 cheo lừ; khuyến khích các hộ ngư dân chuyển đổi các phương tiện khai thác, chuyển đổi nghề nghiệp. Về lâu dài, UBND huyện sẽ nghiên cứu để có giải pháp, phương án giải quyết hiệu quả nhằm đảm bảo việc khai thác thuỷ sản phải gắn với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, hướng đến khai thác bền vững trên phá Tam Giang.

Theo quangdien.thuathienhue.gov.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng