Hàng loạt dự án về du lịch, thể thao, khu phi thuế quan được chính quyền TT-Huế cấp phép đầu tư tại địa bàn xã Lộc Vĩnh (H. Phú Lộc) từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Hệ lụy từ các dự án “treo” này đã khiến hàng trăm hộ dân nơi đây không có đất sản xuất, không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa và có nguy cơ đối mặt với ô nhiễm...
NÔNG DÂN THIẾU ĐẤT
Tại thôn Phú Hải 2 (xã Lộc Vĩnh) có 3 dự án về du lịch với tổng diện tích hàng trăm héc-ta được tỉnh TT-Huế cấp phép, trong đó dự án du lịch Hòa Bình (7,8ha), Thiên Đường (7,6ha) và khu nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô (hơn 300ha). Tương tự, tại các thôn Bình An và Đông An (xã Lộc Vĩnh), 2 dự án khu phi thuế quan của Công ty Sài Gòn- Chân Mây được cấp phép từ lâu cũng đang “dậm chân tại chỗ”.
Ông Hồ Trọng Vinh (thôn Phú Hải 2) cho biết, gia đình ông bị thu hồi gần 1.500m2 đất ở và đất sản xuất bởi dự án Khu nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô. Đến nay, sau hơn 3 năm kể từ khi kiểm kê thiệt hại, dự án này không có bất cứ động tĩnh nào khiến gia đình ông tiến thoái lưỡng nan. “Nhà cửa của gia đình đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa. Đất sản xuất cũng không còn như trước, muốn nuôi trồng cũng không biết tìm đâu ra đất”- ông Vinh bức xúc.
Tương tự, hộ ông Hồ Văn H. cũng bị thu hồi hơn 1.000m2 đất sản xuất để giao cho Khu du lịch Thiên Đường nhưng đến nay dự án vẫn không triển khai. “Thà thu hồi đất để xây dựng công trình, đằng này thu hồi rồi cho nằm yên một chỗ. Nếu 3 năm qua, gia đình tui chưa bị thu hồi đất thì cũng thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ trồng hoa màu”.
Ngoài ra hơn 200 hộ dân ở các thôn khác của xã Lộc Vĩnh cũng điêu đứng bởi các dự án treo. Điều lo nhất hiện nay là nhà cửa của người dân tạm bợ vì không được xây dựng, sửa chữa nên hết sức nguy hiểm khi có mưa bão. Bà Nguyễn Thị Kiều (52 tuổi) cho biết, suốt hơn 3 năm qua, gia đình bà phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, vì dự án xây dựng sân golf của Công ty Phong Phú-Lăng Cô.
“Từ ngày chủ đầu tư sân golf về kiểm tra, đo đạc thì họ nói rằng, 1 tháng sau sẽ chuyển gia đình tui và các hộ dân trong thôn lên khu tái định cư mới. Gia đình tui đợi mãi vẫn không thấy chuyển, trong khi nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn không tu sửa được...”, bà Kiều bức xúc.
Điều đáng nói, tháng 6-2012, khi Công ty Phong Phú Lăng Cô phát thông báo di dời dân đến nơi ở mới để lấy đất thực hiện dự án thì nhiều hộ dân ở xã Lộc Vĩnh đã bán sạch trâu, bò với giá rẻ vì sợ lên khu tái định cư không có nơi chăn thả. Theo ông Hồ Hữu Hứa, Trưởng thôn Phú Hải 2, hiện, bà con trong thôn đi không được, ở cũng không xong.
DỰ ÁN DU LỊCH TÀN PHÁ MÔI TRƯỜNG
Không chỉ mất đất sản xuất, không được sửa chữa nhà cửa, người dân ở thôn Phú Hải 2 đang đối mặt với nguy cơ môi trường bị tàn phá. Theo lãnh đạo xã Lộc Vĩnh, từ năm 2001, UBND tỉnh TT-Huế đã giao 153ha rừng dẻ nguyên sinh cho thôn Phú Hải 2 quản lý theo hình thức cộng đồng.
Quá trình quản lý có quy ước, trường hợp nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, từ khi số diện tích này bàn giao cho dự án thì rừng dẻ nguyên sinh trong vùng dự án đã và đang bị người dân chặt phá để trồng rừng tràm chờ đền bù, thu lợi.... Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 5ha rừng này bị người dân chặt phá.
Tại dự án khu du lịch Thiên Đường, rừng dẻ nguyên sinh cũng đã bị chặt trụi từ lâu, chỉ còn lại bãi cát mênh mông. Tương tự, dự án khu du lịch Hòa Bình, mặc dù không hề triển khai xây dựng kể từ khi được cấp phép, nhưng nhiều đồi cát thuộc khu vực dự án này đã và đang bị tàn phá. Theo một số người dân sống gần khu vực này cho biết, nhiều tháng trở lại đây, vào ban đêm, liên tục có xe tải đến khu vực này xúc cát chở đi nơi khác. Nhiều cồn cát phòng hộ ven biển đã bị đào bới tan hoang.
Trước tình trạng khai thác cát trái phép này, ngày 9-9, UBND tỉnh TT-Huế đã có văn bản yêu cầu các Nhà đầu tư quản lý tốt khu đất được giao và sớm triển khai các dự án đã được cấp phép. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh nạn khai thác cát trái phép ở xã Lộc Vĩnh.
Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho rằng, việc rừng và các cồn cát phòng hộ ven biển ở thôn Phú Hải 2 bị tàn phá đã và đang gây ra nạn cát bay, cát nhảy và sạt lở bờ biển. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài thì hậu quả địa phương phải gánh chịu sẽ rất nặng nề. “Các dự án này là dự án du lịch sinh thái, nghĩa là phải coi trọng yếu tố môi trường tự nhiên, nhưng thực tế là nó khiến môi trường bị tàn phá”, ông Ga bức xúc.
Theo cadn.com