Khôi phục, phát triển làng nghề phục vụ du lịch là một trong những hướng đi ưu tiên của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế nhằm thu hút nhiều du khách đến với mảnh đất cố đô.
Du lịch làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết du khách khi đến Huế thường có nhu cầu đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề truyền thống.
Thú vị nhất là du khách được tận tay tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống. Điều này đòi hỏi các làng nghề truyền thống ngoài việc có phân xưởng để chuyên sản xuất còn cần thiết kế riêng một khu vực trình diễn, trải nghiệm để du khách có điều kiện tham gia sản xuất. Đây cũng là xu hướng tất yếu hiện nay của các làng nghề ở Thừa Thiên-Huế.
Thừa Thiên-Huế hiện có 88 làng nghề; trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập với trên 2.600 cơ sở sản xuất.
Tiêu biểu là các làng nghề: Đúc đồng Phường Đúc, thêu Phú Hòa (thành phố Huế), đệm bàng Phò Trạch, mộc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, kim hoàn Kế Môn, rèn Hiền Lương, mây tre Trạch Phổ (huyện Phong Điền), đan lát Bao La, bún Ô Sa (huyện Quảng Điền), bún Vân Cù, bánh tráng Lựu Bảo (thị xã Hương Trà), rượu An Truyền, nón Mỹ Lam, tranh Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang), dệt zèng (huyện A Lưới), dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc).
Mỗi làng nghề đều có những nét đặc trưng với những giá trị văn hóa, lịch sử được kết tinh trong từng sản phẩm tinh xảo... Những nghệ nhân giỏi và lâu năm ở các làng nghề là những "bảo tàng sống" của làng nghề, là người giữ và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ sau.
Đến làng nghề, du khách sẽ được xem các nghệ nhân trình diễn nghề điêu luyện, nhuần nhuyễn. Họ là những "hướng dẫn viên" tận tâm nhất, đưa du khách vào không gian văn hóa làng nghề đặc sắc.
Trước đây người dân làng nghề làm hương tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế sống bằng nghề làm hương bán cho các đại lý quanh thành phố Huế. Khoảng 7-8 năm trở lại đây, du lịch phát triển, du khách đi thăm lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh ngày một nhiều. Làng hương Thủy Xuân lại nằm ngay cửa ngõ của những điểm du lịch này nên mỗi lần ngang qua du khách đều dừng chân ghé xem người dân làm hương và tỏ ra rất thích thú. Dần dần, làng nghề đã trở thành điểm du lịch của nhiều du khách khi đến cố đô Huế.
Hiện, mỗi ngày có khoảng 10-15 đoàn khách du lịch ghé thăm làng làm hương này. Nắm bắt cơ hội đó, người dân Thủy Xuân phát triển sản phẩm của làng nghề thành sản phẩm du lịch. Nếu trước đây, hương chỉ có hai màu nâu và đỏ thì hiện nay, để bắt mắt du khách, những người thợ ở đây đã tìm cách phối thành nhiều màu để nhuộm hương thành nhiều màu. Từng bó hương với đủ loại màu sắc đã "níu chân" nhiều đoàn du khách.
Ở làng nón Phủ Cam, phường Phước Vĩnh (thành phố Huế) có người phụ nữ khuyết tật đã xây dựng thành công thương hiệu "Nón Thúy". Tay phải bị cụt vào đến khuỷu, chỉ còn tay trái, nhưng năm 2004, cô gái tật nguyền Trần Thị Thúy đã đại diện cho nghề nón Việt Nam mang 500 chiếc nón sang Yokohama (Nhật Bản) dự Lễ hội Văn hóa Du lịch Việt Nam và trình diễn nghề làm nón.
Đến nay, đã 36 năm chị Thúy gắn với nghề chằm nón, chủ yếu chị chằm nón bài thơ lồng hình ảnh sông Hương, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ … tạo nên nét riêng cho nón Huế.
Gần đây, các làng nghề ở Thừa Thiên-Huế huy động nguồn kinh phí bằng nhiều phương thức để đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật vừa đảm bảo yêu cầu sản xuất, trưng bày sản phẩm, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch.
Các hình thức thông tin, quảng bá sản phẩm, giá trị văn hóa, lịch sử của làng nghề cũng được chú trọng hơn. Tỉnh duy trì liên kết, phối hợp với các công ty lữ hành để xây dựng đưa vào các tour tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề, tham gia trình diễn các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, kéo dài thời gian lưu trú, tạo thêm niềm hứng thú cho du khách.
Tại Phường Đúc, để khai thác tốt các lợi thế của một làng nghề nổi tiếng, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã hỗ trợ đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng và phát triển làng nghề đúc tại Phường Đúc, bao gồm việc hỗ trợ phát triển hạ tầng, xử lý môi trường, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về khuôn đúc và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Phường Đúc đang tổ chức lại làng nghề, kết hợp việc đầu tư phát triển nghề đúc đồng truyền thống với xây dựng các điểm tham quan làng nghề theo định hướng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.
Hiện, Trung tâm giới thiệu làng nghề Phường Đúc tổ chức được 12 quầy hàng chuyên bán các sản phẩm đồ đồng. Đặc biệt, có 18 hộ làm nghề đúc đồng trong phường được chọn làm khu vực vừa sản xuất, vừa tổ chức cho khách tham quan trong một tour du lịch gồm giới thiệu và mua bán sản phẩm, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ bằng đồng, đồ nghi lễ thờ cúng, chuông đồng, lư đồng...
Việc hình thành các tour du lịch tham quan làng nghề ở đây chỉ mới bắt đầu, nhưng là hướng đi đúng cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề đúc đồng, vốn nổi tiếng của Cố đô Huế...
Đến với làng hoa giấy Thanh Tiên, khách du lịch lại "mê mẩn" với thú chơi hoa giấy của người dân xứ Huế. Bên cạnh làm hoa phục vụ cho việc thờ cúng, nghề làm hoa sen giấy Thanh Tiên hiện nay cũng được phát huy, nhất là khi hoa sen được chọn làm "Quốc hoa"
Sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên được làm quanh năm, nhu cầu tiêu thụ của thị trường cũng ngày càng mở rộng. Hoa sen giấy Thanh Tiên "lên ngôi," đã góp mặt ở các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, tham gia lễ hội áo dài Minh Hạnh, lễ hội "sóng nước Tam Giang", lễ hội Đền Huyền Trân công chúa, triển lãm ở "Thuận An biển gọi"...
Hoa sen giấy Thanh Tiên còn theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và ra cả nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan. Hoa sen cũng gắn liền với văn hóa nhà Phật được biểu hiện trong giáo thuyết "Bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh". Ở thành phố Huế, các nhà chùa, nhà sư đều rất thích cắm trang trí, trưng bày hoa sen ở chùa, chánh điện. Sức lan tỏa của hoa sen giấy Thanh Tiên vì thế ngày càng xa.
Hiện, làng Thanh Tiên còn có khoảng 20 hộ làm làm hoa giấy. Nhu cầu càng lớn, người làm hoa sen giấy càng tìm cách cải tiến mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của người chơi. Các sản phẩm hoa sen ngày càng trang nhã về màu sắc, uyển chuyển về hình dáng. Nếu như cọng sen trước đây làm bằng thân cây hóp nên rất cứng, khó cắm vào lọ, thì nay cọng sen được làm bằng thân cây mây con lấy ở rừng nên giống hệt sen thật.
Với xu hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch bền vững, các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên-Huế không còn chỉ là nơi sản xuất của người dân vì mục đích kinh tế mà đang trở thành nét văn hóa của vùng đất sản sinh ra nó. Vì thế, văn hóa làng nghề được ghi nhận là một bộ phận không thể tách rời khỏi giá trị văn hóa truyền thống của văn hóa Huế.
Việc khôi phục, phát triển làng nghề phục vụ du lịch, không chỉ phụ thuộc vào chính quyền địa phương và các ngành hữu quan mà còn là trách nhiệm rất lớn của cộng đồng, của chính những người thợ làng nghề đang trực tiếp gìn giữ, phát huy nghề truyền thống. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Tiến Dũng đã khẳng định như vậy./.
Nguồn TTXVN