Hội Khoa học và Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Thừa Thiên Huế - Đất học và tài năng" với sự tham gia của hơn 40 nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Dưới triều Nguyễn, Huế là kinh đô, nơi đây có trường Quốc Tử Giám đào tạo nhân tài cho cả nước, cũng là nơi duy nhất của đất nước tổ chức thi cử để cấp bằng Tiến sĩ. Tài năng của Huế và ở Huế thời nào cũng có, nhưng nhiều nhất vẫn là thời Nguyễn. Lúc này xuất hiện nhiều dòng họ khoa bảng, nhiều thế gia vọng tộc kế thế làm quan.
Huế từ sau năm 1945 không còn là Kinh đô, nhưng những gia sản từ một nền tảng văn hoá, giáo dục còn được truyền lưu giá trị. Những cơ sơ giáo dục, y tế, văn hoá, sử học của các thế kỷ trước vẫn giữ được nguyên khí và tiếp tục phát huy. Nhiều tổ chức ra đời đã kế thừa được các giá trị của quá khứ góp phần nâng tầm tỉnh nhà lên vị thế quốc gia và quốc tế...
Tham luận của các nhà khoa học trình bày tại hội thảo tập trung vào những vấn đề chính: Phú Xuân - Huế - cái nôi của đất học và tài năng, những gương mặt kiệt xuất và nhân vật tiêu biểu của Phú Xuân - Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ, các chính sách đào tạo nhân tài và thu hút tài năng của Thừa Thiên Huế hiện nay... đã phần nào làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển vùng đất học ít nhất là đã trải qua 5 thế kỷ này.
PV