Theo đánh giá của Mạng lưới đất rừng (FORLAND), sau 10 năm triển khai, những quy định trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã bộc lộ một số bất cập, cần sửa đổi bổ sung. Đó là tình trạng giao rừng không gắn với giao đất, chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người bảo vệ rừng… khiến người dân không còn “mặn mà” với công tác bảo vệ rừng.
Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Thực thi luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam: Một số phát hiện và khuyến nghị ở cộng đồng” được tổ chức hôm qua (25/11).
Giao rừng nhưng không… giao đất
Từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai Đề án 430 về việc giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình và nhóm hộ quản lý. Tuy nhiên, đến nay các chủ rừng mới chỉ nhận được một quyết định giao rừng chung của UBND huyện kèm theo bản đồ vị trí, diện tích các khu rừng được giao chứ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp. Điển hình, vào năm 2011, UBND huyện A Lưới đã bàn giao cho 11 nhóm hộ dân ở thôn Quảng Thọ, xã Sơn Thủy quản lý, bảo vệ 524 ha rừng tự nhiên, trong đó có 409 ha rừng phòng hộ và 115 ha rừng sản xuất. Thế nhưng, sau 3 năm nhận rừng, các hộ gia đình và nhóm hộ nhận rừng mới chỉ nhận được Quyết định số 2200/QĐ-UBND của UBND huyện A Lưới (cấp ngày 28/12/2011) về việc giao rừng kèm theo bản đồ khu vực còn GCNQSD đất lâm nghiệp vẫn chưa thấy đâu mặc dù mọi thủ tục theo yêu cầu đã được hoàn tất.
Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện A Lưới, hồ sơ cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho nhóm hộ chưa thể giải quyết được, vì theo quy định pháp lý hiện nay chỉ cho phép cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thôn mà thôi.
Ông Lê Văn Lân, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (Đại học Nông Lâm Huế) cho rằng, việc chậm cấp GCNQSD đất lâm nghiệp đã gây khó khăn cho quá trình tổ chức bảo vệ rừng của các nhóm hộ là các đối tượng chưa được pháp luật công nhận giao rừng. “Người dân chưa đủ cơ sở pháp lý để chứng minh mình là chủ rừng nên không thể ngăn chặn, xử lý vi phạm các trường hợp khai thác lâm sản trái phép trong rừng được giao, ngược lại họ còn bị các đối tượng vi phạm đe dọa hành hung. Một số hộ gia đình đã tỏ ra chán nản, không còn nhiệt tình với việc tuần tra bảo vệ rừng như trước đây”, ông Lân nhấn mạnh.
Đại diện hạt kiểm lâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bà con không còn gắn bó với rừng là do người dân bỏ công sức quá nhiều nhưng hưởng lợi thì... không được bao nhiêu. Bên cạnh đó, cơ chế để hỗ trợ người dân bảo vệ rừng còn thiếu. Theo đó, đang có khác biệt về chính sách hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng giữa “chủ rừng” là UBND xã và chủ rừng là người dân. Cụ thể, các diện tích rừng do UBND các xã đang tạm thời quản lý được Nhà nước hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ là 100.000 đồng/ha/năm, còn các diện tích rừng đã giao cho nhóm hộ thì chưa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.
Chia sẻ trách nhiệm với hộ gia đình và cộng đồng
Đồng tình với quan điểm mà đại diện hạt kiểm lâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra, ông Lê Văn Lân, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (Đại học Nông Lâm Huế) cho biết, kinh phí của Nhà nước hỗ trợ cho hộ gia đình và cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ gần như là không có. Vì thế, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam cần có thêm nội dung quy định về cơ chế hỗ trợ ban đầu, chia sẻ trách nhiệm với hộ gia đình và cộng đồng được giao rừng để họ có thể yên tâm quản lý bảo vệ các khu rừng được giao.
Ông Mai Văn Tân, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đề xuất, Luật cần minh bạch và thể chế hóa quyền hưởng lợi từ của cộng đồng, hộ gia đình trong nhận rừng tự nhiên. Theo ông Tân, hiện nay các chính sách về hưởng lợi trong giao rừng tự nhiên không có tính khả thi, không phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hộ gia đình và cộng đồng, không khuyến khích chủ rừng mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển rừng.
“Thực tế, các quy định về khai thác gỗ từ rừng tự nhiên để sử dụng hàng năm cho hộ gia đình rất khó áp dụng, cả về điều kiện khai thác, trình tự thủ tục, năng lực của chủ rừng và phát sinh chi phí. Trong khi đó, cách tiếp cận về khai thác hưởng dụng từ rừng tự nhiên vẫn còn cứng nhắc từ trên xuống bằng việc giao chỉ tiêu, kế hoạch. Đối với cộng đồng thì không công nhận là chủ rừng nên các văn bản pháp luật về khai thác hưởng dụng rừng không điều chỉnh nên không thể hưởng lợi từ rừng”, ông Tân cho biết.
Trước tình trạng này, ông Mai Văn Tân cho rằng, trước mắt cần có chính sách hỗ trợ sau giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình nhận rừng tự nhiên nghèo kiệt chưa được hưởng lợi từ rừng, chưa có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Giải pháp lâu dài để cộng đồng, hộ gia đình và nhóm hộ quản lý bền vững tài nguyên rừng được giao là cần ban hành chính sách để người dân được giao rừng sống được bằng chính rừng được giao.
Theo baotintuc.vn