Kinh tế và phát triển
Đạt nhiều kết quả trong việc trùng tu di tích Cố đô Huế
14:47 | 12/12/2014

Đến giữa tháng 11/2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã thực hiện được 85,25 tỷ đồng giá trị trùng tu di tích này, đạt 94% kế hoạch cả năm; trong đó đã giải ngân được 69,25 tỷ đồng, đất 77% kế hoạch năm.

Đạt nhiều kết quả trong việc trùng tu di tích Cố đô Huế
Phối cảnh góc công trình bảo tồn tu bổ tổng thể Ngọ Mô

Di tích Cố đô Huế có 19 công trình và hạng mục công trình được trùng tu trong năm nay. Trong đó, có 12 công trình chuyển tiếp, bao gồm: Thái Bình Lâu, lăng Thiên Thọ Hữu, Tả - Hữu Tùng tự, lăng Thiệu Trị, Ngọ Môn, điện Chiêu Kính, Tả Trà, Quan Tượng Đài, Dực lang 2b, miếu Long Thuyền, Đông Khuyết đài và tổng thể lăng Đồng Khánh, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn của lăng Tự Đức; 7 công trình khởi công mới trong năm 2014 gồm: Dực lang 3b, Tả Tùng tự thuộc Thế Miếu, vườn sưu tập nhân giống phục vụ các khu vực di tích, vườn Thiệu Phương, lầu Tàng Thơ, Triệu Miếu, Hệ thống chống sét giai đoạn 2.

Tiêu biểu là công trình Ngọ Môn, cổng lớn nhất (nằm ở phía Nam) trong bốn cổng chính của Hoàng thành Huế đang được khẩn trương trùng tu toàn diện trong thời gian từ 2012-2015, với kinh phí trên 43 tỷ đồng. Công trình Ngọ Môn được xây dựng năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 1992, với kinh phí 100.000 USD từ nguồn tài trợ của Nhật Bản. Tuy nhiên, lần trung tu đó chưa đạt do số vốn hạn chế và hiện nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là Lầu Ngũ Phụng.

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc trùng tu, đưa công trình trùng tu bảo tồn và phục hồi di tích Tả Trà, Cung Diên Thọ - Đại Nội Huế vào hoạt động. Công trình có tổng mức đầu tư 11,1 tỷ đồng, bao gồm việc phục hồi toàn bộ hệ khung gỗ 5 gian 2 chái với tiết diện cấu kiện lớn; phục hồi hệ đỡ mái; hệ cửa với tổng khối lượng 76,5m3 gỗ kiền; phục hồi hệ thống nền móng, bó vỉa bằng đá thanh; tường bao, bờ nóc, cổ diềm bằng gạch vồ; mái lợp ngói liệt đất, ngói chiếu men vàng cùng hệ thống các con giống trang trí trên mái.

Di tích Tả Trà, Cung Diên Thọ - Đại Nội Huế thuộc vào hàng những công trình kiến trúc quan trọng và được xây dựng từ 1804, sớm nhất trong Đại Nội Huế. Đây là nơi nghỉ ngơi, tiếp khách của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Cùng với Tả Trà, Cung Diên Thọ là một hệ thống kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Huế gồm hơn 10 tòa nhà được bố trí trong khuôn tường thành hình chữ nhật với chiều rộng khoảng 100m, dài gần 150m. Cùng với Tả Trà, hiện, trong khuôn viên di tích cung Diên Thọ còn có các công trình Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, tạ Trường Du, am Phước Thọ, lầu Tịnh Minh, các Khương Ninh và một số di tích khác. Việc tu bổ, phục hồi di tích Tả Trà có ý nghĩa to lớn, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã phối hợp với các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lập dự án cho các công trình chuẩn bị đầu tư trong năm 2015 và những năm tiếp theo, bao gồm: Dự án trùng tu Ngọ Môn giai đoạn 2, trùng tu phục hồi điện Kiến Trung, khu vực tẩm điện Lăng Minh Mạng, nhà Tả Hữu tòng tự lăng Thiệu Trị, tổng thể lăng Tự Đức, vườn Thiệu Phương (giai đoạn 2), Phu văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Khâm Thiên Giám, Quốc Tử Giám, Nhật Thành Lâu, mặt Nam thượng thành, hệ thống nhà vệ sinh di tích (giai đoạn 3), hệ thống chống sét (giai đoạn 3), bãi xe lăng Khải Định, hệ thống tường Hoàng Thành…


Theo: Quốc Việt - TTXVN

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng