Nhìn lại một năm nỗ lực phấn đấu, ngành Du lịch các tỉnh ven biển miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã có bước phát triển khá mạnh mẽ sau những động thái hợp tác-liên kết từ năm 2013.
Ấn tượng nổi bật của du lịch ven biển miền Trung trong năm 2014 là các địa phương đã tạo được sự liên kết chặt chẽ để phát huy lợi thế các sản phẩm du lịch, nhất là khai thác có hiệu quả các di sản, di tích.
Ngoài động Phong Nha, Quảng Bình đã nhanh chóng đưa vào khai thác các tuyến, điểm du lịch mới như: Tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới, khám phá hang động Tú Làn... Những nỗ lực đó đã góp phần nâng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình năm 2014 đạt 2,716 triệu, tăng 97,5% so cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2013.
Trong khi đó, Thừa Thiên-Huế, với di tích Cố đô Huế, tiếp tục có nhiều hoạt động du lịch khá sôi nổi. Đặc biệt, Thừa Thiên-Huế đã tổ chức thành công Festival Huế 2014 với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, hội thi, các chương trình lễ hội, nghệ thuật đặc sắc. Các địa phương trong tỉnh đã duy trì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng tạo chuỗi sự kiện hấp dẫn như: Lễ hội Sóng nước Tam Giang tại huyện Quảng Điền, Festival Thuận An Biển gọi, Lễ hội Lăng Cô-Vịnh đẹp thế giới...
Thừa Thiên-Huế thúc đẩy thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển đa dạng tour tuyến, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng; nhờ đó, đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến Huế. Tổng lượt khách lưu trú đến Huế năm 2014 đạt 1,840 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt 780.300 lượt, tăng 4%. Doanh thu các cơ sở lưu trú đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 14,9%.
Còn Quảng Nam với lợi thế hai Di sản thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, đã thật sự trở thành tâm điểm của du khách quốc tế.
Ở Hội An, du khách nước ngoài không chỉ tham quan mà còn tham gia các tour du lịch đồng quê bằng xe đạp rất thú vị, hay họ có thể cày ruộng, trồng rau… Trong năm nay, khách tham quan lưu trú ở Quảng Nam đạt hơn 4,3 triệu lượt, trong đó khách lưu trú gần 2 triệu lượt, tăng hơn 5%. Doanh thu du lịch hơn 3.400 tỷ đồng, tăng hơn 12%.
Trong khi đó, TP. Đà Nẵng lựa chọn thúc đẩy các loại hình du lịch, dịch vụ phong phú và đa dạng với nhiều sản phẩm mới được đưa vào phục vụ du khách ở khu du lịch Bà Nà, bãi biển Mỹ Khê.
Hạ tầng du lịch được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, trong năm 2014 có 44 khách sạn (1.991 phòng) mới được đưa vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn trên địa bàn Thành phố lên 435 khách sạn (15.625 phòng); khởi công dự án Bến du thuyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ thể thao dưới nước.
Đặc biệt, Thành phố tăng cường kiểm tra xử lý, ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo khách; thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ và môi trường du lịch tại các khu, điểm tham quan, các bãi biển, đảm bảo công tác cứu hộ, an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn đối với Khánh Hòa, tiềm năng vốn có đã đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, đạt doanh thu 4.280 tỷ đồng tăng 28,1% so với năm 2013; lượt khách tham quan ước đạt 3,6 triệu, tăng 18,7%, trong đó khách quốc tế ước đạt 840.000 lượt, tăng 32,6%.
Cho dù còn những khó khăn, nhưng ngành du lịch các địa phương ven biển miền Trung đã bắt đầu tạo dựng sự liên kết, hình thành chuổi các giá trị để khai thác một cách tốt nhất "ngành công nghiệp không khói". Đó là kết quả từ bước đi đúng đắn mà lãnh đạo các địa phương cùng hành động sau các hội nghị liên kết-phát triển diễn ra trong năm 2013 và 2014.
Theo Tuyết Minh (Chinhphu.vn)