Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khốn khó vì luồng cảng bị bồi lấp
13:41 | 09/01/2015

Do không được tổ chức nạo vét thường xuyên nên luồng ra vào cảng Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền có tải trọng lớn không thể ra vào cập cảng.

Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khốn khó vì luồng cảng bị bồi lấp

Đặc biệt, vì luồng cảng quá cạn đã khiến nhiều tàu thuyền của ngư dân thường xuyên mắc cạn hoặc bị sóng biển đánh chìm dẫn đến những cái chết thương tâm.

Mới đây, vào 12 giờ 40 ngày 2/1, một chiếc tàu đánh cá của có số hiệu TTH 95141, do ông Huỳnh Văn Hưng (trú ở xã Phú Hải) làm thuyền trưởng gặp nạn khi theo luồng lạch cửa biển Thuận An, nhưng rất may cả 9 thuyền viên trên tàu đều được cứu sống.

Tàu chìm, nguy hiểm tính mạng luôn rình rập

Nhiều năm trước, luồng chạy tàu vào cảng Thuận An là nơi ra vào tấp nập của hơn 1.000 tàu, thuyền lớn nhỏ ở các xã Phú Hải; Phú Thuận; Phú Diên (huyện Phú Vang)... và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau những lần được Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nạo vét từ năm 2010 thì đến nay, luồng cảng này dần bị bồi lấp khiến khiến tàu cá ra vào cảng thường xuyên đối nặt với sự mất an toàn. Tàu cá TTH - 95141 chỉ là một trong nhiều tàu cá đã gặp nạn tại luồng cảng này.

Ông Ngô Đức Tâm - chủ tàu xa bờ ở xã Phú Thuận - cho biết: Luồng chạy tàu của cảng Thuận An theo thông báo rộng 60m nhưng thực tế chỉ rộng khoảng 20 - 30m do bị bồi lấp nặng, chiều sâu của luồng nhiều chỗ chỉ khoảng 1m. 

“Luồng chạy tàu này không khác nào một cái bẫy nên chỉ cần thiếu may mắn là tàu của chúng tôi bị mắc cạn và bị sóng đánh chìm, nhất là khi chạy vào ban đêm”- ông Tâm nói.  

Đã có rất nhiều trường hợp tàu cá vào đến cửa biển nhưng không thể cập cảng Thuận An nên phải quay ra để cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) hoặc cảng Đà Nẵng, chi phí đánh bắt vì thế bị đội lên rất cao.

Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tàu hàng cập cảng biển này giảm mạnh trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP Cảng Thuận An thì, cảng Thuận An được xây dựng với công suất xếp dỡ hàng hóa khoảng 400.000 tấn/năm nhưng vài năm trở lại đây chỉ đạt khoảng 60.000 tấn/năm. Nguyên nhân là do tàu có trọng tải từ 600 đến 1.000 tấn không thể cập cảng vì... luồng cảng quá cạn.

Bất cập trong nạo vét

Theo ý kiến của ngư dân Nguyễn Xuyến ở thị trấn Thuận An, nạo vét phải rộng, cát nạo vét từ luồng cảng không nên đổ ra cửa biển như thời gian qua mà phải đổ ở vị trí khác và xa hơn chứ đổ trước cửa biển như vậy cát sẽ bị sóng đánh lấp vào luồng chạy tàu như cũ... Mặt khác, hai bên bờ biển phía thị trấn Thuận An và xã Hải Dương phải được kè chống sạt lở.

Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cảng Thuận An - cho biết: Hiện luồng ra vào của cảng Thuận An không ổn định và có nhiều cồn cạn, rất nguy hiểm cho tàu cá ngư dân.

Sau vụ tàu cá TTH-26669 gặp nạn, có khi trên biển đã hết gió, ngư dân cho tàu ra khơi nhưng không thể đi qua được luồng cảng. “Hiện chỉ cần có gió cấp 5, cấp 6 là tàu của ngư dân không ra vào được, vì nếu ra vào sẽ gặp nguy hiểm. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân”- ông Tâm nhận định. 

Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm phân tích thêm: Thường sau mỗi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới thì luồng nước thay đổi ít nhất là hai lần. Trước bão, luồng đi thường theo hướng Bắc và sau đó chuyển hướng Đông - Bắc, chệch về cửa biển Thuận An. Nếu không đủ các thiết bị để dự báo thì sẽ rất khó khăn.

Trao đổi với ông Hoàng Phước - Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, chúng tôi được biết vấn đề luồng cảng Thuận An cạn và hẹp chính quyền thị trấn đã kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền nhiều rồi và tỉnh cũng đã biết. “Chúng tôi mong luồng cảng sớm được nạo vét để tạo điều kiện cho ngư dân sản xuất chứ để tình trạng như vậy thì bà con gặp nhiều khó khăn”- ông Phước cho hay.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, từ năm 2007 đến nay, luồng chạy tàu của cảng Thuận An đã rất nhiều lần được Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư nạo vét, kinh phí mỗi lần nạo vét lên đến hàng tỷ đồng. Và cứ sau mỗi lần nạo vét, luồng cảng lại cạn như cũ, nên lãng phí rất lớn.

Đơn cử như đợt nạo lớn vào cuối năm 2010 với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, sau khi nạo vét luồng cảng lại bị bồi lấp nặng.

Theo GD&TĐ

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng