Kinh tế và phát triển
Tăng tốc hơn, hiệu quả hơn trong đánh bắt xa bờ
14:16 | 09/01/2015

Là một tỉnh có bờ biển dài, diện tích đầm phá rộng lớn, hội tụ nhiều tiềm năng phát triển thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, yêu cầu đặt ra cho Thừa Thiên Huế là tập trung huy động tối đa nguồn lực, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của nhà nước, động viên tinh thần bám biển vươn khơi của ngư dân để phát triển ngành thủy sản tỉnh nhà với mục tiêu đặt ra là tăng tốc hơn nữa và hiệu quả bền vững hơn nữa.

Tăng tốc hơn, hiệu quả hơn trong đánh bắt xa bờ

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính khi đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

3 nhất trong thực hiện Nghị định 67

Nghị định 67 được coi là nghị định có tính đột phá nhất trong các chính sách phát triển ngành thủy sản Việt Nam từ trước đến nay. Ngay sau khi nghị định này có hiệu lực, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và giao Sở NN&PTNT làm cơ quan thường trực, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho ngư dân các xã trọng điểm có tàu cá xa bờ về chính sách hỗ trợ tín dụng để đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ khai thác hải sản có công suất từ 400cv trở lên.

Đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số 103 cá nhân có đơn đăng ký tham gia đóng mới, nâng cấp tàu cá. Trong đó, đóng mới 48 chiếc (3 cá nhân xin đóng tàu vỏ thép) và 55 cá nhân xin nâng cấp cải hoán tàu cá.

Quá trình thực hiện Nghị định 67, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 3 cái nhất so với toàn quốc: là tỉnh đầu tiên trong cả nước phê duyệt danh sách 24 tàu dịch vụ khai thác hải sản thường xuyên hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy từ 400 CV trở lên; là tỉnh có tàu cá vỏ gỗ đầu tiên trong cả nước được giải ngân theo Nghị định 67 (1 tại tại thị trấn Thuận An vay tín dụng 4,8 tỷ đồng và 1 tại thị trấn Phú Lộc vay tín dụng 2,0 tỷ đồng, đang được khẩn trương đóng mới, dự kiến 2 tàu này được đưa vào đăng ký, hoạt động vào quý 1 năm 2015) và 2 tàu vừa mới phê duyệt; là tỉnh đầu tiên công nhận cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong lúc các tỉnh bạn chạy theo số lượng bằng cách tổ chức cho dân nộp đơn đăng ký, thì chúng ta nhanh chóng giúp đỡ cơ sở đóng tàu đạt chuẩn, nhanh chóng ra quyết định công nhận cơ sở đóng tàu, tạo điều kiện cho các chủ tàu và cơ sở đóng tàu có ngay đơn hàng đóng mới, kịp thời nộp Phương án sản xuất cho Hội đồng cấp huyện và các Ngân hàng thương mại thẩm định sớm. Phương án Ngân hàng thương mại song song thẩm định hồ sơ cho vay vốn, cùng thời điểm cấp huyện thẩm định phương án sản xuất là phù hợp. Kết quả rõ ràng, việc giải ngân cho vay nhanh chóng. Thậm chí, trước khi UBND tỉnh phê duyệt, chủ tàu đã triển khai dự án đóng tàu của mình bằng nguồn vốn tự có trước, chứng tỏ ngư dân rất tin tưởng vào quy trình minh bạch của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2014, khai thác thủy sản trên biển đạt gần 32 ngàn tấn, đạt tỷ lệ 105% so với năm 2013; giá trị sản xuất khai thác thủy sản thực tế toàn tỉnh ước đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 102% so với năm 2013. Đến cuối năm 2014, cơ cấu phát triển đội tàu xa bờ của tỉnh từ 245 chiếc năm 2013 lên 275 chiếc, tăng 12,3% so với cuối năm 2013. Trong đó cơ cấu tàu cá cỡ lớn từ 400CV trở lên là 46 chiếc, so với 10 chiếc thời điểm cuối năm 2013. Đây là năm nổi trội trong đầu tư phát triển đóng mới, cải hoán tàu cá xa bờ của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Việc triển khai Nghị định 67 được các cấp ngành và địa phương liên quan trong tỉnh tích cực vào cuộc nhằm nâng công suất máy, hiện đại hóa, vỏ thép hóa những con tàu của ngư dân, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu đó vẫn đang gặp trở lực do nhiều hạn chế, khó khăn từ nội tại, nhất là tâm lý sợ rủi ro, cộng thêm tiềm lực tài chính có hạn nên ngư dân còn ngại đầu tư nâng cấp tàu công suất lớn. Cơ sở đóng sửa tàu cá đang còn hạn chế, trong 5 cơ sở hiện có, mới chỉ 1 cơ sở đạt chuẩn đóng sửa tàu cá theo Nghị định 67, do đó sắp đến các tàu được phê duyệt có thể sẽ đóng ở tỉnh khác, khó khăn trong quản lý. Một số Ngân hàng Thương mại còn cứng nhắc trong vốn đối ứng của chủ tàu phải bằng tiền trong tài khoản, trong lúc đó, ngư dân trong kế hoạch phát triển tàu cá của mình thường mua sắm từng bước, như đã mua năm bảy chục khối gỗ kiền cho phần vỏ chính, vàng lưới, bộ máy chính ...

Ông Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, khó khăn lớn trong phát triển mạnh ngành thủy sản của Thừa Thiên Huế là cơ sở hạ tầng nghề cá thuộc vào loại yếu kém nhất trong các tỉnh thành ven biển trong cả nước. Hầu hết các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đều xuống cấp, bị bồi lắng, tàu không vào được khi hạ triều… Ngoài ra, các yếu tố khác như thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, chế biến hải sản còn manh mụn… do đó, để phát triển nghề biển bền vững thủy sản, hậu cần nghề cá cũng cần được đầu tư phát triển tương xứng mới phát huy được hiệu quả việc khai thác, đánh bắt trên biển của những đội tàu xa bờ trong tương lai.

Phấn đấu có 20 chiếc tàu cá xa bờ đóng mới trong năm 2015

Theo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67, năm 2015, ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư, tháo gỡ từng bước những khó khăn nội tại. Trong đó sẽ triển khai đầu tư một số công trình hạ tầng mới và nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An, khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải, cảng cá Thuận An và Tư Hiền. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp phát triển tàu cá; tiếp tục giúp đỡ, hình thành thêm 1 cơ sở đạt chuẩn đóng sửa tàu cá theo Nghị định 67; hỗ trợ cho chủ tàu và các Ngân hàng thương mại gặp gỡ, trao đổi, hợp tác cùng triển khai Nghị định. Phấn đấu trong năm 2015 sẽ đạt 20 chiếc tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên được đóng mới, sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi khoảng 100 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính khẳng định phát triển thủy sản không chỉ khai thác tốt tài nguyên, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, do đó yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan cần tập trung thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, nhất là hỗ trợ tín dụng để đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu có công suất từ 400 CV trở lên để tăng tốc hơn nữa nghề cá; đặc biệt trong đầu tư phát triển hậu cần nghề cá, cần nghiên cứu phát triển chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm thủy sản từ đánh bắt cho đến sơ chế biến và cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng