Kinh tế và phát triển
Đến năm 2020, nâng tỷ trọng kinh tế nghề truyền thống và làng nghề đạt 20 - 30% trong cơ cấu kinh tế nông thôn
08:10 | 21/01/2015

UBND tỉnh vừa ban hành Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Đến năm 2020, nâng tỷ trọng kinh tế nghề truyền thống và làng nghề đạt 20 - 30% trong cơ cấu kinh tế nông thôn

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ; tạo việc làm và tăng thu nhập bền vững cho lao động nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đặt ra là: Bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống; đồng thời du nhập phát triển làng nghề mới gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; nâng tỷ trọng kinh tế nghề truyền thống và làng nghề đến năm 2020 đạt 20 - 30%, đến năm 2025 đạt 30 - 35% trong cơ cấu kinh tế nông thôn; đóng góp cho xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 200 tỷ đồng. Đến năm 2020 tạo việc làm cho trên 15.000 lao động nông thôn (tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%); năm 2025 tạo việc làm khoảng 20.000 lao động (tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%).

Có 87 nghề và làng nghề ở các địa phương được đưa vào quy hoạch gồm: thành phố Huế (16); thị xã Hương Thủy (09), Hương Trà (10); các huyện Phú Lộc (09), Phú Vang (10), Quảng Điền (08), Phong Điền (12), A Lưới (05), Nam Đông (06).
Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 51 tỷ đồng (vốn ngân sách 40 tỷ đồng, vốn vay 6,5 tỷ đồng, vốn tự có  4,5 tỷ triệu đồng). Trong đó, giai đoạn 2015 - 2020, nguồn đầu tư khoảng 41 tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 10 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2015 - 2020 ưu tiên đầu tư thực hiện thí điểm mô hình làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch tập trung, bao gồm các làng nghề: Đúc đồng Huế, Gốm Phước Tích, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh làng Sình, Nón lá Thủy Thanh, Dệt Zèng A Lưới, Đan lát mây tre Bao La và Thủy Lập. Xây dựng chương trình bảo tồn, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống: Nghề làm Bún bánh, mây tre đan (đan thúng, đan giỏ, đồ mỹ nghệ), nấu rượu và nghề chế biến nước mắm, mắm.

Đồng thời, đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng và mở rộng quy mô cho các cụm công nghiệp - TTCN ở các địa phương, gồm: Cụm làng nghề Xước Dũ; Cụm làng nghề Mỹ Xuyên; Cụm TTCN Thủy Phương; Cụm công nghiệp - TTCN Hương Hòa; Cụm công nghiệp - TTCN Aco; Cụm công nghiệp - TTCN Bình Điền. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kết hợp hệ thống xử lý chất thải chung cho các làng nghề truyền thống chế biến thực phẩm: Bún Vân Cù; Bún Ô Sa; Chế biến thủy sản Tân Thành, Phú Thuận, Phụ An.

Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Giải pháp quản lý nhà nước đối với các nghề, làng nghề và về huy động, lồng ghép các nguồn vốn. Giải pháp về nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, phương án thực hiện, việc thành lập doanh nghiệp, các chính sách thuế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất. Giải pháp về nguồn nguyên liệu cho sản xuất; phát triển sản phẩm tiêu biểu và phát triển thị trường; tổ chức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. 


Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng