Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện, đánh giá: Đối với huyện miền núi Nam Đông, nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới là các xã đã chuyển đổi và xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp như: Kinh tế vườn, trồng rừng kinh tế, cao su tiểu điền kết hợp... Toàn huyện Nam Đông hiện có 560 ha vườn nhà, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng/ha; hơn 4.300 ha vườn đồi, vườn rừng; trồng, chăm sóc và khai thác hơn 3.548 ha cây cao su. Riêng doanh thu từ cây cao su đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ trồng cao su cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm... Đồng thời, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh; nuôi ong lấy mật có 1.300 thùng, sản lượng mật ong đạt 52 tấn/năm... Huyện cũng thành lập được các tổ, nhóm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm giúp người dân tích cực đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng.
Chính thu nhập từ kinh tế vườn, rừng là "bệ phóng" thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Nam Đông sớm về đích. Tại xã Hương Hòa, một trong những địa phương đầu tiên của huyện Nam Đông vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,5% nhờ phát triển kinh tế vườn, rừng là chủ yếu. Hiện 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, nhà ở khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, các công trình trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang… Kinh tế của xã có bước tăng trưởng ổn định, xuất hiện nhiều mô hình mới, cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa. Nếu tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là hơn 20 tỷ đồng, thì người dân trên địa bàn xã đóng góp gần 8,5 tỷ đồng.
Đường liên xã ở huyện Nam Đông đã được nhựa hóa. |
Tương tự, tại xã Hương Giang, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,1 triệu đồng, chủ yếu từ kinh tế vườn, rừng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,79%, nhiều năm không có trường hợp tái nghèo; nhà ở đạt chuẩn 92,73%. Đặc biệt, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao… Nhờ vậy, đến nay xã Hương Giang đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Đa số các xã ở Nam Đông huy động được sức dân tham gia xây dựng hạ tầng bằng ngày công, hoặc hiến đất, giải phóng mặt bằng. Theo ông Ngô Văn Chiến, huyện có 211 hộ hiến hơn 25.130 m2 đất, hoa màu và 3.635 ngày công lao động để xây dựng công trình công cộng.
"Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 4 về xây dựng hạ tầng điện cho nông thôn miền núi cũng hết sức quan trọng, do phải đầu tư lớn, dân cư không tập trung, đặc biệt là các xã định canh định cư. Tuy vậy, đến nay Nam Đông cũng là địa phương đi đầu trong tỷ lệ hộ sử dụng điện, với 99,9%", Chủ tịch Ngô Văn Chiến cho biết.
Theo baotintuc.vn