(SHO). Càng đến gần tết thì nhu cầu mua thịt heo rừng của người dân càng tăng cao, nhiều người đã phải đặt trước gần một tháng trước tết mới có hàng. Một trong những địa chỉ uy tín và đáng tin cậy mà nhiều người tìm đến mua và đặt thịt heo là gia trại của ông Nguyễn Văn Đầu (xã Thủy Bằng, Hương Thủy).
Khi chỉ còn nửa tháng nữa là bước sang một năm mới, không khí chuẩn bị đón tết Nguyên Đán đang ngày càng tất bật ở mọi nơi, mọi nhà. Bên cạnh việc bận rộn trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ tết thì người ta cũng không quên chuẩn bị những món ăn, món nhậu để thưởng thức trong dịp này. Những năm gần đây khi nghề nuôi heo rừng ngày càng phát triển, người dân ở Huế thường chọn mua thịt heo rừng để chế biến ra những món ăn ngon đãi bạn đầu năm.
Càng đến gần tết thì nhu cầu mua thịt heo rừng của người dân càng tăng cao, nhiều người đã phải đặt trước gần một tháng trước tết mới có hàng. Một trong những địa chỉ uy tín và đáng tin cậy mà nhiều người tìm đến mua và đặt thịt heo là gia trại của ông Nguyễn Văn Đầu (xã Thủy Bằng, Hương Thủy). Ông là một người nuôi heo rừng có tiếng ở đây. Chỉ cần hỏi một người khách ven đường họ sẽ chỉ ngay đến nhà ông Đầu.
Đàn heo rừng gia trại
Bước vào nhà, đập ngay vào mắt chúng tôi là mảnh vườn xanh ngắt với những hàng rau thẳng tắp, những cây ăn quả, những lùm cỏ um tùm, những chú heo rừng chạy nhốn nháo không khác gì một khu rừng thu nhỏ. Khác với chuồng heo nhà vừa nhỏ vừa hẹp, ông Đầu làm một hàng rào xung quanh một khu đất rộng khoảng 500 – 600 mét vuông để đàn heo của ông tự do chạy nhảy trong đó. Bên cạnh cũng có một ngôi nhà nhỏ đơn giản để heo trú mưa cũng như ở vào kỳ đẻ con.
Chúng tôi đến ngay lúc ông Đầu đang cho heo ăn, vừa bận rộn chặt những lùm cỏ, bó rau ông vừa vui vẻ trò chuyện: “Ban đầu tôi cứ tưởng mấy o chú về dặn thịt heo tết. Thực ra mô hình nuôi heo rừng của tôi khá đơn giản, cũng không phải là một trang trại lớn như các nơi khác. Tôi khá may mắn vì là một cán bộ xã tham gia công tác xã hội nên tôi được giao lưu, đi lại nhiều nơi, nhờ vậy mà biết đến nghề nuôi heo rừng. Cách đây khoảng 6 năm, tôi đã mạnh dạn mua 3 con lợn rừng với giá 10 triệu đồng từ Lâm trường Tiền Phong về nuôi thử. Tận dụng mảnh đất ba mẹ tôi để lại nhờ khai hoang, một phần diện tích tôi xây chuồng, còn lại tôi trồng cây cối, rau, cỏ vì đó là những thức ăn chính của heo. Công việc khó khăn lúc bấy giờ đó chính là làm sao để thuần hóa 3 chú heo này để chúng quen với môi trường sống mới thuận lợi cho việc chăm sóc về sau. Khoảng thời gian đó đòi hỏi một sự kiên nhẫn, nỗ lực rất lớn. Đi qua những nơi có nuôi heo rừng hay thấy trên ti vi bày cách chăm sóc tôi đều ghi lại để nhớ và tùy điều kiện của gia đình mà áp dụng. Thường thì không sao chứ tới mùa lạnh thì tôi khá lo vì heo rất dễ mắc bệnh đau bụng mà chết, nhiều lần tôi cũng thối chí. Cũng đã có rất nhiều anh em do không đủ kiên nhẫn nên đã bỏ nghề nuôi heo rừng. Nhưng vì niềm đam mê, yêu thích nên tôi tiếp tục nuôi”.
Đến nay số lượng heo rừng của gai trại ông Đầu đã tăng lên 40 con. Trong đó có 5 con heo mẹ, mỗi năm hai lứa, mỗi con mẹ đẻ trung bình là 6 con. Điểm đặc biệt ở nuôi heo rừng đó chính là thời gian xuất chuồng dài hơn heo thường. Nếu nuôi heo giống to thì khoảng 1 năm sẽ bán được nhưng nếu heo giống nhỏ thì phải 2 năm mới có heo để bán. Điểm khác biệt của gia trại ông Đầu chính là ông có heo để bán quanh năm. Bởi lẽ nhà ông thường bán cho các mối quen thuộc như anh em trong làng và đặc biệt là các nhà hàng xung quanh: Biệt Phủ Thảo Nhi, nhà hàng Ngọc Linh, Chân Quê… Giá trung bình 1 cân từ 150 ngàn đến 180 ngàn. Anh Nguyễn Văn Mai (Thuận An, Phú Vang) một người khách lên đặt hàng tại nhà Ông Đầu cho hay: “Tôi đã gọi điện đặt thịt heo từ mấy tuần trước nhưng để cho chắc chắn tôi lên tận nhà anh Đầu, vừa chọn heo vừa học hỏi anh Đầu ít kinh nghiệm nấu thịt heo rừng cho ngon cho thơm. Còn gì vui hơn trong không khí vui vẻ của mùa xuân, ngồi nhâm nha đôi ly rượu đế nhắm ít thịt heo rừng vừa ngon mà lại ấm lòng anh em bạn hữu”.
Đàn lợn con cho mùa vụ sau
Ông Đầu cũng chia sẻ thêm:Thường thì gia trại nhỏ của tôi cũng được nhiều anh em ghé thăm học hỏi, chúng tôi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nhờ đó mà mô hình nuôi heo rừng ở thị xã Hương Thủy cũng khá phát triển. Heo rừng ở gia trại của tôi không ăn bột, chỉ ăn rau, cỏ là chủ yếu nên chất lượng thịt rất cao. Hơn nữa, để nuôi heo rừng phải có diện tích đất khá rộng, vì giống heo này rất thích thiên nhiên, môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của chúng. Khi đã quen thuộc thì đây lại là giống heo rất dễ nuôi, bởi khả năng chống chịu cao, ít dịch bệnh, ăn tạp...
Rất nhiều gia đình ở Huế lên đây đặt mua thịt heo rừng do ông nuôi. Họ truyền miệng nhau và dần dần món thịt heo rừng trở thành một đặc sản.
Tết Ất Mùi sắp đến, gia đình ông cũng đang tất bật chuẩn bị heo để cung ứng cho khách hàng ăn tất niên, thời điểm này thì heo đã được đặt hết và giá trung bình giao động từ 180 đến 200 ngàn một cân”. Ông chủ của nhà hàng Chân Quê, một trong những người khách đặt hàng quen thuộc cũng cho biết thêm: “Thịt heo rừng là một món nhậu ưa thích của người dân vùng này. Nó có thể chế biến thành những món ăn như: gỏi heo rừng, heo rừng kho ngũ vị hương, heo rừng xào lăn, giả cầy heo rừng,…có thể đi kèm thêm ít rau, nước mắm tùy cách chế biến. Món ăn này thuộc loại đặc sản nên có giá cũng khá đắt nhưng lại bán rất chạy. Dịp tết này, tôi đã đặt 100 cân thịt heo nhưng có lẽ cũng không bán quá 3 ngày”.
Thịt heo rừng đang dần trở thành một món ăn ngon hết sức thú vị trong những ngày lễ tết. Heo rừng thích sống và phát triển trong môi trường thiên nhiên nên thịt heo rất nhiều nạc, ít mỡ, da dày nhưng rất giòn và đặc biệt là mùi vị thơm ngon khác biệt với thịt heo thường.
Nuôi heo rừng gia trại như ông Đầu đăng là mô hình đem lại nguồn thu nhập đáng kể đổi với người dân Huế.
Ngọc Na – Thu Vân – Hồng Hải