Kinh tế và phát triển
Nghề dệt zèng, làm giàu cùng di sản
15:11 | 01/04/2015

Nếu người Tây Nguyên đo sự siêng năng của người phụ nữ bằng đống củi chất ở nhà sàn, người Mèo đo bằng việc dệt vải, thì người Tà Ôi đánh giá người phụ nữ thông qua việc dệt zèng.

Nghề dệt zèng, làm giàu cùng di sản
Phụ nữ là lực lượng sản xuất zèng từ A đến Z tại A Lưới.

Dệt zèng (dệt thổ cẩm) là công việc hằng ngày của người phụ nữ dân tộc Tà Ôi ở A Lưới vào thời gian rảnh rỗi. Nhưng, đây lại cũng là công việc được họ thực hiện trong suốt cuộc đời, chỉ đến khi nào không xỏ được mũi kim, không ngồi dệt được nữa mới thôi.

Nét đẹp truyền thống

Từ xưa đến nay, người thiếu nữ Tà Ôi đến tuổi 13-14 đã được mẹ, chị truyền dạy cho cách dệt zèng. Bởi lẽ ở đây, người phụ nữ phải đảm nhiệm tất cả mọi khâu trong quy trình dệt zèng, từ làm khung (đôi lúc khung dệt có thể được người đàn ông trong gia đình làm, tuy nhiên đây là trường hợp rất hiếm hoi), lấy sợi, đúc chì cho đến dệt các loại sản phẩm zèng như: tấm đắp, áo, khố, thắt lưng… nên các cô gái phải biết làm từ lúc còn ít tuổi để trước khi cưới phải thạo hết tất cả các việc và làm cho nhà chồng sau này. Cho nên, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng người dân tộc Tà Ôi rất được coi trọng.
 


Thông thường khi về nhà chồng, cô dâu phải mang theo zèng như của hồi môn, tùy theo hoàn cảnh của gia đình mà quy định số zèng mang theo, nhà nghèo thì tầm 30 - 40 sản phẩm zèng, nhà giàu có thể lên đến 90 - 100 tấm. Zèng được nhà gái đưa đến cho nhà trai trong ngày cưới. Đổi lại nhà trai sẽ mang trâu, bò đến cho nhà gái, số lượng trâu bò cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình của nhà trai. Nếu quá nghèo, người phụ nữ khi đi lấy chồng vẫn có thể chỉ mang về một vài tấm zèng nhưng vẫn không bị gia đình chồng coi khinh mặc dù đó là thước đo vẻ đẹp, sự đảm đang của những cô gái người Tà Ôi.


Thường thì sản phẩm zèng được đem đi trao đổi, tùy vào tấm zèng đẹp hay xấu, nhỏ hay lớn, nhiều hay ít hoa văn, số lượng cườm… mà đổi với vật ngang giá như trâu bò, chiêng ché, muối,… Ví dụ như tấm đắp chừng 8 sải tay (nhiều hoa văn) thì đổi được 1 con trâu; tấm đắp thường, ít hoa văn thì 3 - 4 tấm đổi 1 con bò hay một tấm đắp đẹp đổi được 1 chiêng, tấm đắp thường thì 3 tấm đổi được 1 chiêng… Từ tấm đắp, tấm choàng (krnuôn), áo (pahôl), khố (cuhôl), váy (nai) cho đến thắt lưng (arteng) túi xách…đều được người phụ nữ đem đi bao tiêu cho những người Cơtu, Vân Kiều, Pa Coh ở khu vực Nam Đông, A Lưới và Quảng Nam. Trong đó, tấm đắp là sản phẩm chủ yếu: 2 tấm đắp có thể tạo thành chăn, tấm đắp có thể cắt may thành áo…

Đối với người Tà Ôi, những sản phẩm từ zèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày, được đồng bào nơi đây coi trọng, chính vì vậy đa phần những sản phẩm zèng của bất kỳ một cá nhân nào dùng khi còn sống đều được chôn theo khi mất đi, người thân chỉ giữ lại một số rất ít những vật mà người sống thường hay dùng để tưởng nhớ đến người đã khuất, thông thường là cái khố, tấm áo, thắt lưng..., những đồ vật này được người thân gìn giữ rất cẩn thận, thường được cất dưới tủ nơi đặt ban thờ, hoặc trong những nơi cất giữ đồ vật quan trọng của gia đình. Những sản phẩm zèng này chỉ được mang ra khi tổ chức cúng tế cho người đã khuất.

Chính sự gần gũi đó, các hoa văn trên sản phẩm zèng của người Tà Ôi hiếm khi gắn với thần linh, điều thiêng mà thường chỉ là những hình ảnh về cuộc sống con người. Phần lớn đó là những biểu tượng về thiên nhiên, con người, động vật, thực vật, trong đó, hệ hoa văn dạng động vật, thực vật chiếm tỉ lệ khá lớn. Tiếp đến là hệ hoa văn đồ vật, con người, cuối cùng mới đến hệ hoa văn phản ánh vũ trụ, trời đất như: aming cha chung (hình một ngôi sao), meenh cha chung (Ngôi sao Bắc Đẩu), papuốc (tượng trưng cho ngôi sao Rua, hoa văn này có hình dạng 2 hình vuông lồng vào nhau, có hai đường thẳng nối liền hai góc chéo nhau, trmoq pakoom (nói đến sự tương hợp giao hòa giữa con người với thiên nhiên)... Đó là nét đặc sắc của một dân tộc luôn sống hài hòa với thiên nhiên.

Giữ gìn và phát huy

Theo quan niệm của người Tà Ôi, những cô gái nào dệt càng được nhiều zèng, dệt đẹp, sẽ dễ dàng được các chàng trai, các gia đình chung quanh để ý, và ngược lại, những thiếu nữ không khéo tay, không dệt được nhiều zèng sẽ không được các chàng trai đánh giá cao… Vì vậy, dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi khác thì văn hóa dệt zèng của người Tà Ôi vẫn được tiếp nối một cách có ý thức và ngày càng phát triển. 

Ngày nay, không chỉ người dân tộc vùng lân cận biết tới và mua zèng của người Tà Ôi mà khách du lịch cũng đã biết đến và tìm mua thông qua Hợp tác xã dệt zèng. Vì vậy, các sản phẩm zèng trở thành hàng hóa với việc trao đổi bằng tiền mặt chứ không còn dùng các đồ vật ngang giá như trước nữa. Cho nên nhiều người phụ nữ ở đây đã bắt đầu coi dệt zèng là công việc chính của mình bởi nó đã tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Và để sản phẩm zèng gần hơn với thị hiếu của khách hàng, đã có thêm rất nhiều mẫu mã mới như túi xách, ví, thắt lưng, túi đựng điện thoại, mũ… và các hoa văn có sự biến đổi như thêm vào các dòng chữ “Chúc mừng năm mới”, “Làm ăn như ý”, hoặc hình các con chim, thú, các điệu múa của nam nữ,… Còn giá cả thì cũng không đắt so với công sức để tạo ra một sản phẩm đẹp. Đối với một tấm đắp đẹp, nhiều cườm, dài tầm 8 sải tay thì tầm 5 - 7 triệu đồng, tấm đắp thường có giá từ 600 - 700 ngàn đồng, váy áo phụ nữ thì 1,3 – 1,4 triệu đối với áo váy có nhiều hoa văn hạt cườm, lục lạc và 500 - 700 ngàn đồng đối với váy áo thường, túi xách có giá chỉ 100 ngàn/ túi lớn, 50 nghìn/ túi nhỏ, túi đựng điện thoại thì 50 nghìn/cái hay thắt lưng là 70 - 120 nghìn/ cái…

Hiện nay, văn hóa dệt zèng của người dân tộc Tà Ôi đã được nhà nước quan tâm và phát triển thông qua việc giới thiệu sản phẩm trong các dịp Festival hằng năm. Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa dệt zèng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điều này hứa hẹn sự phát triển bền vững đời sống của đồng bào Tà Ôi ở A Lưới trong lòng di sản.

 
Theo Ngọc Bích ( khamphahue.com.vn)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng