Nghề làm ngói liệt là nghề truyền thống của làng Nam Thanh, xã Hương Toàn (Hương Trà, TT-Huế). Ngày nay với nhiều điều kiện khó khăn nghề làm ngói liệt đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian. Thế nhưng với tâm huyết của mình những người làm ngói nơi đây vẫn một lòng “son sắc” với nghề.
Nghề làm ngói liệt có từ thời nhà Nguyễn, những người thợ làm ngói liệt ban đầu là người từ Quảng Nam di cư ra Huế. Ông Trương Văn Vang, chủ lò làm ngói liệt làng Nam Thanh cho hay: “Sinh ra thì cha mẹ đều làm nghề ngói này, trải qua đến nay cũng đã 4 năm đời. Ngày xưa ở đây chỉ là một cồn đất hoang, ông Tổ của nghề nhận làm ngói cho các lăng tẩm thời nhà Nguyễn và chọn nơi đây làm nơi xây lò. Cũng từ đó làng ngói liệt Nam Thanh ra đời”. Nghề làm ngói liệt Nam thanh là làng nghề nổi tiếng ở Huế, truyền từ đời này sang đời khác, những người con trong làng đều theo nghề để kiếm sống.
Trước đây làng Nam Thanh có rất nhiều lò làm ngói liệt nhưng đến nay chỉ còn lại vỏn vẹn hai lò. “Khó lắm chú ơi, thời buổi này người ta cũng ít chuộng loại ngói liệt nên sản phẩm làm ra cũng ít bán được như trước. Với lại nguyên liệu để làm ra loại ngói này là đất sét nhưng giờ khó mua lắm. Nguyên liệu tại làng hết phải lặn lội ra đến tận Quảng Trị để mua mà không có”, ông Vang phân trần. Nhiều khó khăn nhưng những người làm nghề vẫn kiên trì bám trụ. Hai lò ngói còn lại ở Nam Thanh hiện với khoảng 30 nhân công, là nguồn thu nhập chính của người làm nghề nơi đây. Công đoạn làm ngói cũng hết sức phức tạp, để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh vô cùng công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công của người thợ. Đất sét sau khi mang về sẽ đem nhồi nhuyễn và cho vào khuôn đúc thành ngói, mang ra phơi nắng khô, sau đó đem vào lò nung 30 ngày với lửa đun liên tục. Trung bình mỗi lò chứa được khoảng 80 nghìn viên. Giá bán của mỗi viên ngói thành phẩm là 800 đồng.
Ngói liệt làm từ đất sét được nhồi rất nhuyễn.
Ngói liệt thường bán theo từng đơn đặt hàng trước, khách hàng là các nhà hàng, nhà cổ, nhà vườn, những khu du lịch... thế nhưng hiện nghề làm ngói liệt không đem lại thu nhập ổn định. “Cả gia đình tôi từ vợ chồng đến con cái đều làm ngói, trước đây cả làng làm với quy mô lớn nên thu nhập cũng cao. Bây giờ mỗi ngày làm chỉ được 70 đến 80 ngàn đồng nhưng còn bấp bênh lắm, thời tiết thì nắng mưa thất thường, có khi mưa cả tháng thì bó tay. Nhưng vì là nghề truyền thống nên phải duy trì, sống chết gì cũng theo” - bà Dung, thợ làm ngói liệt Nam Thanh bộc bạch. “Chú thấy đó là con gái nhưng tôi theo nghề từ năm 18 tuổi, năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn làm, và làm tốt thấy không? Đã ăn ở, chung sống với nghề 40 năm nay rồi nên không nghỉ được vì đó là nghề của cả làng mà”, bà Quyên, cũng là thợ làm ngói liệt lâu năm, tiếp lời.
Đứng trước những khó khăn nhưng ngói liệt không dễ gì bị “liệt”, đấy là tinh thần được nung nấu từ cái tình của những người làm nghề ngói liệt truyền thống Nam Thanh. Cốt cũng để duy trì được cái nghề vốn đã một thời “ăn nên làm ra” của làng, cũng như là giữ chút gì đó truyền thống còn lại cho con cháu đời sau. Tinh thần đó luôn vẹn nguyên như lời của ông Quân, Trưởng thôn và cũng là chủ lò ngói Nam Thanh: “Phải nghĩa tình với nghề thì mới sống được chú à”.
Theo Phi Nông (Cadn.com.vn)