Trồng rau hữu cơ vẫn còn rất mới ở Huế. Tuy nhiên mô hình đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích.
Từ năm 2014, bác Trương Đình Tứ ở phường Kim Long, TP Huế (TT-Huế) và một số hộ được tham gia lớp tập huấn sản xuất rau hữu cơ do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCB) tại Huế tổ chức. Sau đó, ông được trung tâm hỗ trợ 7 triệu đồng làm mô hình trồng rau hữu cơ.
Bà Trịnh Thị Ý Nhi, đại diện Trung tâm ACCB tại Huế cho biết: “Canh tác hữu cơ là cả một quy trình, không phải ai cũng làm được. Số kinh phí mà trung tâm hỗ trợ cho mỗi hộ không thấm vào đâu, chỉ động viên tinh thần là chính; bởi khi bắt tay vào cải tạo vườn rau nhà, người trồng phải làm xét nghiệm mẫu đất và nước ngầm ở khu vực; rồi xây hầm để ủ phân; khoan giếng lấy nước...”.
Lợi thế nhất của bác Tứ để có được vườn rau thành công như bây giờ chính là hầm phân bón hữu cơ do chính bác sản xuất. Nguyên liệu chính vẫn là chất thải của vật nuôi và các loại cỏ rác ngay trong vườn, vừa để giảm chi phí mà lại cung cấp dinh dưỡng cho đất, cải tạo đất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không nắm vững quy trình thì sẽ không có nguồn phân hữu cơ có chất lượng.
Nhóm cộng tác viên của Trung tâm ACCB Huế cũng đã giúp bác có những giải pháp diệt sâu bọ hữu hiệu. Đó là dùng nước từ gừng và tỏi giã nhuyễn. Cạnh các luống rau là những vồn hoa thơm lừng, đủ màu sắc để dẫn dụ sâu bọ. Dân gian còn gọi là dùng thiên địch. Tuy thủ công nhưng lại rất có hiệu quả, tiêu diệt được phần lớn sâu bọ mà không cần đến phân thuốc độc hại.
Trung tâm ACCB phối hợp với Hội Nông dân phường Kim Long tập huấn sản xuất rau hữu cơ cho bà con.
Ông Phan Công Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết, hiện tại trên địa bàn có hai hộ tham gia mô hình sản xuất rau hữu cơ và xây dựng thành công hầm phân hữu cơ tại nhà. Vừa qua, địa phương cũng đã phối hợp với Trung tâm ACCB tiếp tục tập huấn cho bà con và tiến hành nhân rộng mô hình.
Trồng rau hữu cơ vẫn còn rất mới ở Huế. Tuy nhiên mô hình đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích.
Vì không dùng phân bón hóa học và thuốc tăng trưởng nên so với rau thường, rau hữu cơ có thời gian thu hoạch lâu hơn.
“Ví như luống mồng tơi này, thường thì chưa đến 1 tháng tui đã có thể cho thu bán, nhưng với phương pháp này thì phải sau gần 2 tháng rưỡi mới thu hoạch được.
Mấy loại rau màu khác như xà lách, rau thơm, cải cúc, rau lang… cũng có thời gian sinh trưởng gần gấp đôi như vậy”, bác Tứ cho biết.
Tuy nhiên, vì bán được giá, lại không phải đầu tư chi phí cho phân thuốc nên thu nhập của gia đình bác vẫn không bị ảnh hưởng.
Thậm chí kinh tế gia đình còn khá lên. Trước đây, với 2 sào đất, bác Tứ trồng chủ yếu các loại rau ngắn ngày, cho thu nhập trung bình mỗi ngày trên dưới 150 nghìn đồng.
UBND phường Kim Long tiếp tục nhân rộng mô hình với 6 hộ dân tham gia
Bây giờ, mặc dù rau cho thời gian thu hoạch lâu hơn nhưng được giá. Đầu ra cho sản phẩm cũng đã được nhóm cộng tác viên thuộc Trung tâm ACCB Huế giúp bác thu mua và chào bán. Theo như chia sẻ của bác Tứ thì nguồn lợi nhất vẫn là có được những luống rau an toàn, còn đất đai thì ngày càng màu mỡ, tơi xốp.
Thế mạnh của mô hình trồng rau hữu cơ là trong quy trình phải tuân thủ nguyên tắc vàng “5 không”, không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ nên thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Khi kinh tế xã hội phát triển, người tiêu dùng ý thức rõ rệt về sức khỏe của mình, họ chắc chắn sẽ tìm đến những sản phẩm có chất lượng và an toàn, như các loại rau hữu cơ.
Thay vì dùng thuốc hóa học, những chế phẩm sinh học giúp bà con diệt trừ sâu bọ cho hoa màu..