Giáo dục-Y tế
Làm thế nào để lồng ghép giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ có hiệu quả
08:21 | 09/06/2018

LÊ CHÍ QUỐC MINH

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một người cộng sản mẫu mực, kiên định trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân. Đó là đạo đức của người chiến sĩ suốt đời đấu tranh, dâng hiến cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho lý tưởng và mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Do đó, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, đạo đức hành động

Làm thế nào để lồng ghép giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ có hiệu quả
Bác Hồ với đại biểu thiếu nhi thủ đô trong dịp đón mừng năm mới 1959

Đạo đức cách mạng, đạo đức hành động Hồ Chí Minh là cả một hệ thống lý thuyết tư tưởng phong phú và tinh tế, nổi bật các đức tính, chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính” - bốn đức tính để làm người mà thiếu một đức thì không thành người. Đó là, yêu cầu ứng xử chí công vô tư, là bản lĩnh biết quên mình, biết vượt qua những vướng bận toan tính cá nhân để vì người chứ không vì mình, vị tha chứ không vị kỷ. Bản lĩnh này là sức mạnh bền bỉ để đánh bại chủ nghĩa cá nhân, chiến thắng giặc nội xâm, suốt đời tu dưỡng đạo đức cách mạng, coi phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý lớn nhất, là lẽ sống cao thượng nhất.

Không chỉ nhận rõ chân giá trị ấy mà Hồ Chí Minh còn tự mình thực hiện một cách triệt để, nhất quán trong cả cuộc đời. Người không chỉ thực hành và nêu gương mà còn làm hết sức mình, công phu rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho lớp lớp cán bộ, Đảng viên, cho quần chúng nhân dân ở mọi tầng lớp, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính. Làm cho cái hay, cái tốt ở mỗi con người “nảy nở như hoa mùa xuân”; còn cái dở, cái xấu sẽ mất dần đi.

Đạo đức Hồ Chí Minh và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thống nhất nhưng không đồng nhất. Tư tưởng đạo đức là phần lí luận, là triết lý của Người. Ngoài bộ phận cốt yếu ấy thuộc về nhận thức, đạo đức Hồ Chí Minh còn là đời sống đạo đức của bản thân Người với tư cách là một con người bình thường giữa muôn người khác. Dù hết sức vĩ đại nhưng lúc nào và ở đâu, Người cũng chỉ coi mình là một con người bình thường. Cùng với điều đó còn phải chú trọng tìm hiểu nghiên cứu hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng của Người, sự phong phú của các mối quan hệ giữa Người với Dân, với Đảng, với các địa phương, vùng, miền trong cả nước, với các bạn bè quốc tế, tình cảm yêu mến, sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của nhân dân ta và nhân dân các dân tộc trên thế giới dành cho Người. Bỏ qua phương diện này trong nghiên cứu sẽ là một thiếu hụt lớn, sẽ không thể hình dung được sự sâu sắc, phong phú, đa dạng trong tư tưởng và sự nghiệp của Người, trong thế giới tinh thần, lối sống và nhân cách của Người. Tổng hợp các phương diện ấy, nhìn nhận từ các khía cạnh ấy, trong sự thống nhất tư tưởng với hành động, lí luận với thực tiễn mới có thể nhận thức đầy đủ đạo đức Hồ Chí Minh.

Đạo đức của Bác là tấm gương sáng cho biết bao thế hệ noi theo. Tuổi trẻ cần học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Muốn như vậy thì các trường phổ thông phải đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong học sinh và đội ngũ giáo viên. Trường học cần tổ chức thực hiện lồng ghép như thế nào trong quá trình dạy học, trong công tác giáo dục học sinh? Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi trường với đội ngũ cốt cán. Chúng tôi xin đưa ra những định hướng cơ bản sau đây:

Mục đích của việc lồng ghép: trang bị cho học sinh những hiểu biết cần thiết, cơ bản về đạo đức Hồ Chí Minh, để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục ý thức quan tâm tới việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành thói quen và nếp sống của học sinh; góp phần giáo dục cho học sinh trở thành người công dân tốt, biết sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và có trách nhiệm đối với đất nước.

Nguyên tắc lồng ghép: Thứ nhất, nội dung giáo dục về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành bắt buộc trong chương trình học của một số môn và hoạt động, phải được thực hiện trong kế hoạch dạy học, giáo dục của nhà trường; thứ hai, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục phải phù hợp với mục tiêu giáo dục của các cấp, bậc học tương ứng, góp phần thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông nói chung; thứ ba, phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh, phù hợp với đặc trưng của môn học, nhẹ nhàng, tránh gây nặng nề, góp phần vào việc tạo nên sự gắn bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống.

Nội dung lồng ghép: Thể hiện qua tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cụ thể:

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh: một là, giáo dục phẩm chất trung với nước, hiếu với dân; hai là, giáo dục lòng yêu thương con người; ba là, giáo dục những phẩm chất cao quý: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; bốn là, giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh phải yêu cầu họ tự giáo dục, tự rèn luyện và chống lại chủ nghĩa cá nhân; năm là, giáo dục tinh thần quốc tế trong sáng.

Giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: trọn đời phấn đấu hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục đích cách mạng; tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; đó còn là tấm gương của lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì con người; đặc biệt, tấm gương đạo đức của Bác thể hiện ở cần, kiệm, giản dị, coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức sang trọng.

Mức độ lồng ghép: tuỳ theo nội dung, đặc điểm và khả năng thực hiện việc tích hợp giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh của môn học để lựa chọn mức độ lồng ghép phù hợp.Các mức độ lồng ghép gồm:

Liên hệ: chỉ khai thác nội dung bài học và liên hệ với kiến thức đạo đức Hồ Chí Minh (mức độ hạn chế nhất).

Lồng ghép bộ phận: chỉ một phần của bài học, hoạt động thực hiện nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh (mức độ trung bình).

Lồng ghép toàn phần: cả một bài có nội dung trùng khớp với nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh (mức độ cao nhất).

Các phương pháp vận dụng lồng ghép

Lồng ghép vào trong bộ môn Giáo dục công dân. Môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành ý thức chính trị, hành vi đạo đức, pháp luật và lối sống cho học sinh. Môn học này có đặc điểm nổi bật là gần gũi với con người và xã hội, gắn bó mật thiết với đời sống thực tiễn sinh động của gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc điểm này tạo cho môn giáo dục công dân có lợi thế để có thể vận dụng, tích hợp những nội dung giáo dục cần thiết cho học sinh như học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong những nội dung tích hợp này, lồng ghép giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh trong giáo dục đạo đức cho học sinh giữ vị trí quan trọng.
Vấn đề đặt ra là, tích hợp nội dung gì và tích hợp như thế nào để đáp ứng yêu cầu cho học sinh về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để vẫn bảo đảm nguyên tắc: không gượng ép, không làm nặng nội dung và không làm biến dạng môn học.

Có nhiều phương pháp dạy học vận dụng tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong dạy học môn Giáo dục công dân, từ phương pháp truyền thống như: thuyết trình, đàm thoại, nêu gương, sử dụng đồ dùng trực quan... đến các phương pháp hiện đại như: thảo luận nhóm, động não, nghiên cứu trường hợp điển hình, xử lý tình huống... Các phương pháp này được thực hiện qua các hình thức học tập theo lớp, theo nhóm, cá nhân, có thể tổ chức học tập trong lớp hoặc các địa điểm tham quan, dã ngoại.

Không chỉ bộ môn Giáo dục công dân, thầy cô giáo cũng có thể tích hợp, lồng ghép vào trong các môn học khác như Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý... hoặc thông qua các tổ chức hoạt động ngoài giờ để tuyên truyền, giáo dúc đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngoài lồng ghép vào trong các môn học, nhà trường cũng có thể tổ chúc những cuộc thi tìm hiểu về đạo đức của Người qua các hình thức viết, kể chuyện, thuyết trình, hùng biện. Hoặc nói chuyện trước cờ về tấm gương của Bác; lựa chọn những câu chuyện kể về Người và tổ chức cho các em kể lại trong những buổi chào cờ đầu tuần...
Có thể nói những nét đẹp trong đạo đức của Bác mà nổi bật là lòng nhân ái, tình yêu thương con người vô hạn đã lay động hàng triệu, hàng triệu con tim. Học Bác là học phong cách giản dị, thanh cao; học Bác là học tư tưởng vì dân...Tấm gương sáng ngời của Bác là bài học cho mỗi người con đất Việt.

Tuổi trẻ là người chủ tương lai của đất nước. Cần chú trọng giáo dục thế hệ trẻ một cách toàn diện để tương lai không xa các em là những người vừa hồng vừa chuyên. Muốn vậy mỗi trường học phổ thông cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục đạo đức cho học sinh qua nhiều nội dung, hình thức, trong đó phải kể đến việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phải xem đây là nội dung và nhiệm vụ trọng tâm. Việc học tập và làm theo tấm gương của Người phải thật sự đi vào chiều sâu. Muốn vậy phải chú ý cách thức, phương pháp tổ chức với nhiều hình thức khác nhau hấp dẫn, sinh động, linh hoạt. Giáo dục qua lồng ghép trong tiết học của cácmôn học; qua hoạt động ngoại khóa... Làm được như thế, chắc chắn công tác giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh ở trường phổ thông đạt hiệu quả như mong muốn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp trồng người của ngành giáo dục.

L.C.Q.M












 

Các bài mới
Các bài đã đăng