Huế luôn luôn mới
Chợ nón trong sương đêm
08:41 | 22/11/2013

Trong lúc các ngành tiểu thủ công nghiệp ở Thừa Thiên – Huế  đang gặp nhiều khó khăn thì ngôi chợ nón Huế truyền thống độc nhất vô nhị tại  làng Dạ Lê  vẫn thu hút rất đông bà con ở các làng nón nổi tiếng của Huế đến giao thương.

Chợ nón trong sương đêm

Từ lúc ánh sáng của buổi bình minh chưa hé lộ những tia nắng đầu tiên thì ngôi chợ nón này đã nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Tôi tìm về chợ nón Dạ Lê xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế giữa lúc trời đang còn tờ mờ sáng, không khí chợ nón đã khá sôi động. Bên chiếc cầu bê tông nhỏ bắt qua dòng sông Như Ý, các chị, các mẹ đã đến đây từ sáng sớm. Vòng trong vòng ngoài chợ toàn nón, tiếng nói cười lao xao.

Bà Nguyễn Thị Thí đã có mặt tại phiên chợ nón này từ hơn 40 năm nay. Từ khi mới 14 tuổi, bà đã theo chân mẹ đến đây bán nón. Dù công việc này cũng vất vả không kém nghề làm ruộng, nhưng đối với bà mỗi lần đến chợ là một niềm vui.

Chằm nón ngay tại chợ

Chằm nón ngay tại chợ

Bà nói: “Tui chằm nón bài thơ  ni từ lúc 15 tuổi cho đến chừ 70 tuổi rồi vẫn còn chằm. Nghề chằm nón không thu nhập mấy sản hết, Nhưng mệ ốm yếu như ri, lại không có vốn liếng  nên chỉ đến chằm nón thuê ở chợ, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đế mua mắm, mua muối”.

Ngày trước chợ nón nằm ở bên tả ngạn sông Như Ý thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Dần dần do đường sá trải nhựa thuận tiện cho năm sáu xã lân cận thành phố chuyên nghề chằm nón, chợ đã dời hẳn sang bờ bên kia thuộc xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy. Ngày ngày, những người buôn nón từ thành phố Huế về bằng xe máy, nếu thu nón nhiều, họ thuê xe đò chở lên Huế.

Lái nón nam nữ ăn mặc sang trọng, túi xách căng phồng với hàng chục triệu đồng, bán mua trả tiền mặt sòng phẳng. Thậm chí nếu gặp những khách hàng  quen biết, họ còn tạm ứng tiền cho người làm nón đong gạo, mua vật dụng, kỳ sau trả bằng nón.

Chợ nón Dạ Lê lúc gần sáng

Chợ nón Dạ Lê lúc gần sáng

Bà Nguyễn Thị Cườm ở làng nón Tây Hồ kể nghề này đòi hỏi tính cần cù, nhẫn nại, rất phù hợp với tính cách và người phụ nữ Huế. Ở quê vào thời gian nông nhàn, bà con tận dụng vào nguồn tre trong vườn để làm vành nón, tuy công việc khá vất vả nhưng được cái có đồng ra đồng vào hàng ngày. “Với lại mỗi lần chằm nón được nghe bà con ngân nga câu hò nón “Ai ra xứ Huế mộng mơ. Nhớ mua chiếc nón bài thơ làm quà”, dù vất vả nhưng tôi rất vinh hạnh. Chính bà con ở ngôi chợ này đã gìn giữ được nét đẹp truyền thống của chiếc nón bài thơ xứ Huế”, bà nói.

Một người buôn vành nón

Một người buôn vành nón

Thời gian trước, người dân làm nón muốn mua vật dụng hay bán nón đều phải cuốc bộ lên chợ Đông Ba, nhà nào gần nhất cũng mất hai giờ cả đi lẫn về. Bây giờ tại chợ nón Dạ Lê, vây quanh những quầy hàng là đủ loại kim chỉ, lá nón, soài, dầu nón, quai nón. Bán xong nón, người thợ lại mua vật liệu về chằm. Từ nơi đây, chiếc nón bài thơ xứ Huế đi khắp mọi miền đất nước, đi ra cả nước ngoài.

Mua vành để làm nón

Mua vành để làm nón

 

Anh Lê Đình Y, một trong những người buôn bán nón lâu năm ở chợ Dạ Lê tâm sự: “Nghề làm nón bài thơ  đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhưng thu nhập ít ỏi, vì vậy mà rất nhiều bạn trẻ ở thôn quê không mấy mặn mà để giữ nghề. Nguyện vọng của bà con làm nón chúng tôi là sớm được Hiệp hội nón Huế cho vay thêm vốn để mở rộng gian hàng”.

Theo motthegioi.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng