Huế luôn luôn mới
Hàng vạn du khách vào Đại Nội chơi các trò cung đình Huế
09:27 | 20/02/2015

Các trò chơi này vốn được bày ra để làm trò tiêu khiển trong nội cung triều Nguyễn, sau đó được các quan lại và những người trong Nguyễn Phước tộc mang ra ngoài cung và trở nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn Huế và Thừa Thiên.

Hàng vạn du khách vào Đại Nội chơi các trò cung đình Huế

Ngày 19/2 (tức mồng một Tết Ất Mùi) khu vực sân sau điện Thái Hòa, Đại Nội Huế đông đảo du khách đã có mặt từ sớm để tham gia vào các trò chơi cung đình như đầu hồ, đổ xăm hường, bài vụ, thả thơ, tặng chữ thư pháp...

 

Đặc biệt, trò chơi đầu hồ, tức là ném cái phi tiêu cho lọt vào trong miệng bình ("đầu" nghĩa là ném và "hồ" là cái bình). Trò này thú vị ở chỗ không phải ném phi tiêu trực tiếp, mà ném gián tiếp qua một dụng cụ khác nữa. Người chơi cầm những mũi tên và ném sao cho những mũi tên vào một mảnh ván gọi là con cóc, mũi tên bật lên cao và bay lọt vào miệng chiếc bình gỗ cổ cao đặt cách mảnh ván không xa.

Đây là trò chơi khó, chỉ dành cho những xảo thủ khéo léo mà thôi. Trong khi đó, chơi đầu hồ kiểu Trung Hoa thì giản đơn hơn: người chơi chỉ việc ném những mũi tên lọt vào miệng chiếc bình làm bằng sứ hay bằng pháp lam.

 

 

Trò chơi đầu hồ vốn rất được vua quan nhà Nguyễn ưa chuộng

Đầu hồ được vua quan và giới thượng lưu ưu chuộng. Người chơi phải hết sức khéo léo và tinh tế trong việc tính toán chính xác cự ly và độ nhún của phi tiêu. Trò chơi diễn ra tại cung đình, sân đình trống, các vua quan tập trung lại và trò chơi không có tính sát phạt, người thắng sẽ được thưởng vài món quà lưu niệm và người thua sẽ bị phạt bằng vài ly rượu.

Đây là trò chơi xuất xứ từ Trung Hoa được cách tân dưới triều Nguyễn. Trong số các vua quan triều Nguyễn, vua Tự Đức là người thích chơi và chơi giỏi nhất môn thể thao cung đình này. Người thứ hai là vua Bảo Đại.

 

Chơi bài vụ phía sau điện Thái Hòa.

Xem ông đồ Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho chữ sau điện Thái Hòa.

Ngoài ra, để phục vụ khách du lịch trong những ngày nghỉ Tết, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, hoạt động đặc sắc phục vụ du khách và nhân dân. Trong đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở cửa phục vụ miễn phí toàn bộ di tích cố đô Huế trong 3 ngày (mồng 1, 2, 3 Tết) kết hợp với nhiều chương trình hấp dẫn như: lễ đổi gác, các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp, múa lân - sư - rồng, trình diễn võ thuật cổ truyền... tại khu vực Đại Nội.

Thep PNO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng