Huế luôn luôn mới
Du Tử Lê về lại trong thinh không Huế
08:41 | 15/08/2016

Ông trở lại và ngồi đó trong thinh không Huế, như đang nghe tiếng ngày xưa của nửa thế kỷ trước quay về, trong gió hoài niệm miên man…

Du Tử Lê về lại trong thinh không Huế
Chân dung Du Tử Lê (tranh Đinh Cường)

Hôm 13-8, Du Tử Lê từ Mỹ trở về Huế, xứ sở mà nhà thơ đã có dịp nhiều lần ghé đến trong hàng chục năm trước.

Nặng lòng với cố đô

“Tôi hồi hộp lắm, bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về” - nhà thơ nói. Năm 1972, ông về Huế tìm người đẹp Hạnh Tuyền đã thư từ qua lại trước đó, bấy giờ đang là sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm Huế. “Huế lúc đó là một cố đô quyến rũ, cảnh quan và sinh hoạt của dân chúng khác hẳn với những nơi trước đó tôi đến. Lần đầu gặp Hạnh Tuyền, nghe cô nói chuyện với bạn gái mà cứ như tiếng một đàn chim đang ríu rít” - ông nhớ lại và nở nụ cười cỏ hoa lịch lãm.

Hồi đó, ông theo Hạnh Tuyền về biển Thuận An và xúc cảm sáng tác bài thơ “Khi ở cửa Thuận An”:

“Về thôi trăng ngủ dưới triền

Sóng lao xao dội tự miền tịnh yên”…

Yêu nhau 3 năm, sau đó ông định cư ở Mỹ, xa cách người yêu. Phải đến năm 1992, Du Tử Lê mới có thông tin về Hạnh Tuyền, ông lập tức về Việt Nam. Ông theo Hạnh Tuyền ra Huế và từ đó chính thức làm chàng rể xứ này. Sống với Hạnh Tuyền, ông có những bài thơ làm bằng giọng/tiếng Huế “đặc sệt”, như “Yêu dấu nợ, T. ơi ngày nước lớn”:

“Yêu dấu nợ! trời nép mình lá sắn

Chiều chi mô buồn thấu suốt bên tê

Mưa do dỏ, ướt chùm hoa do dỏ

Chân chưa đi; hồn tợ cửa sông, về



Lênh láng chảy một đời sông An Cựu

Biết bên mô trong, đục nữa, bây chừ?

Yêu dấu nợ! Hồn ta lăng tẩm đó

Phá, rời đi, tình vẫn dớ quay về”

Nhiều bài thơ viết về Huế, không có nơi chốn địa chỉ nhưng phảng phất một Huế âm trầm, da diết. Những bài thơ như “Dòng suối trăm năm”, “Đừng nữa nhé chia lìa” là cảm giác gắn kết Huế thường trực trong tâm khảm nhà thơ. Trong thời gian ông và Hạnh Tuyền xa nhau, Du Tử Lê hướng về tình yêu của mình với người đẹp Huế qua bài thơ “Quê hương là người đó” đã được Phạm Đình Chương phổ nhạc.

Chuyện của Du Tử Lê với Huế làm người ta thấy có gì đó rất giống với trường hợp của họa sĩ Đinh Cường: “Ra đi mới biết lòng vô hạn/ Sương có mờ thêm trên sông Hương”. Theo Bửu Ý, sự mềm mại trong tranh, sự nhẹ nhàng chân tình trong ứng xử của Đinh Cường có khởi thủy từ người mẹ và người vợ rất mực Huế của ông.

Tài danh, khác biệt

Du Tử Lê là một nhà thơ mà tài thơ của ông được nhiều người ghi nhận. Ông sinh năm 1942, làm thơ từ năm 1953 và đã có thơ in trên các báo thời đó ở Hà Nội. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai. Ông đã xuất bản trên 70 tác phẩm, trong đó các năm 2014, 2015, tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” và tập “Tùy bút chọn lọc” của Du Tử Lê đã xuất bản ở Việt Nam. Từ năm 1981 đến nay, ông có nhiều buổi thuyết trình tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc… Những năm 1990 về sau, thơ ông được một số trường đại học nước ngoài dùng để giảng dạy cho sinh viên. Du Tử Lê là 1 trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ XX có tác phẩm được chọn in trong tuyển tập “Thi ca thế giới từ thượng cổ tới hôm nay” (World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time” do W.W Norton New York ấn hành năm 1998).

Theo nhiều người, thơ tình Du Tử Lê vẫn trội hơn cả như thể đó chính máu huyết nhà thơ, với nỗi say đắm tận cùng, những tha thiết đằm sâu… Nhiều khi, tình yêu đã vượt qua câu chuyện riêng tư để trở thành câu chuyện của quê hương, xứ sở.

Thơ ông có nhiều cách tân, rõ nhất là cách chấm, phết, gạch chéo cắt lìa nghĩa chữ, xô dạt thành những lớp nghĩa khác nhau, khiến nhiều khi câu thơ, đọc mỗi lần một khác.

Một điều thú vị là thơ Du Tử Lê được phổ nhạc rất nhiều, đến hàng trăm ca khúc. Các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Từ Công Phụng, Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Khang Thụy… đều có những nhạc phẩm hay phổ từ thơ Du Tử Lê. Một trong những nhạc phẩm nổi tiếng do nhạc sĩ Anh Bằng phổ thơ ông, “Khúc Thụy Du”, được xem là một trong những bản tình ca hay nhất.

Ngoài ra, nhà thơ tài danh này còn vẽ tranh, chỉ riêng năm 2012, ông đã có 4 cuộc triển lãm cá nhân tại Houston, Seattle, Virginia, Atlanta (Mỹ).

Chiều 13-8, Du Tử Lê đã đến Huế và ngồi bên sông Hương ngắm cỏ. Chợt nhớ một câu thơ rất lạ của ông: “Chỗ sâu: lũng cỏ. Khe tì vết, quen”. Cỏ sông Hương chiều vàng xanh ngát đang trực diện với ông, không ngút ngàn như trong Kiều (Nguyễn Du): “Cỏ non xanh rợn chân trời”, hay tiếng thở dài của cỏ trong Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Tôi từ cỏ sinh ra”: “Có nhiều khi tôi quá buồn/ Tôi ước mong quanh chỗ tôi ngồi/ Mọc lên thật nhiều cây cỏ”… Cỏ của Du Tử Lê thường trực xô dạt và lay động một tâm thức khác, như thức nhận, như lục lọi miền ký ức thương yêu…

Chiều 14-8, nhà thơ có cuộc giao lưu “Du Tử Lê và bằng hữu” dành cho công chúng Huế. Từ nhiều hôm trước, khi nghe Tạp chí Sông Hương, Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế, Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức sự kiện rất vui này, nhiều người đã truyền tin nhau đến để thấy ông bằng xương bằng thịt, nghe ông nói chuyện thi ca...


Hồ Đăng Thanh Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng