Nhịp điệu cuộc sống
Lão nghệ nhân “cứu sống” nhà rường cổ xứ Huế
14:38 | 10/01/2014

Bằng niềm đam mê phục dựng nhà rường cổ xứ Huế, suốt hơn 60 năm theo nghề, lão nghệ nhân Nguyễn Màn (81 tuổi), ở thôn Dương Nỗ Tây, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, không thể nhớ hết mình đã “cứu sống” biết bao nhiêu ngôi nhà cổ. Nhờ ông mà đến nay, các phủ đệ và nhà vườn du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn lưu giữ được nhiều nhà rường cổ kiểu 3 gian hai chái hấp dẫn du khách...

Lão nghệ nhân “cứu sống” nhà rường cổ xứ Huế
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Màn vẫn cần mẫn với nghề phục dựng nhà rường cổ.

Về đến thôn Dương Nỗ, nhưng phải mất gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm gặp được lão nghệ nhân Nguyễn Màn bởi dịp cận Tết Giáp Ngọ này, rất nhiều công trình phục dựng nhà rường trên địa bàn xã mời ông đến... “bảo dưỡng”. Đang loay hoay trên chạn cao để lắp mấy tấm gỗ vào phần mái của chiếc cổng nhà rường, nghe có người giới thiệu nhà báo muốn gặp, ông Màn tỏ ra ái ngại; bởi ông sợ được... lên báo.

Phải mất nửa tuần trà, ông lão mới chịu thổ lộ về cuộc đời làm mộc đầy thú vị nhưng cũng đánh đổi không ít mồ hôi lẫn nước mắt...

Lão nghệ nhân kể rằng, ngày trước, do gia đình quá đông anh em, cả nhà chỉ có được đôi ba sào ruộng nên không ai được học hành đầy đủ. Vì thế mà chỉ mới 15 tuổi, ông phải lên Kim Long để “tầm sư học nghề”. Mấy năm sau, ông lại lặn lội vào phố cổ Hội An, tìm tới “bái sư” những nghệ nhân tài hoa của làng mộc Kim Bồng, Quảng Nam... Ông Màn cho hay, nghề mộc không phải ai cũng học được và không phải ai học cũng... thành nghề. “Học nghề chi, làm nghề chi cũng cần cái tâm. Và nghề mộc cũng cần có cái tâm mới vững tay nghề được”, nhờ câu nói này của những người thầy năm xưa mà ông Màn quyết sống chết đến cùng với nghề mộc... 

Trong những ngày tháng rong ruổi từ Nam ra Bắc, ông Màn chợt nhận ra rằng, trên đất nước mình, vẫn còn rất nhiều ngôi nhà rường kiểu 3 gian 2 chái đang bị xuống cấp, hư hại mà vì nhiều lý do nên gia chủ không thể tu sửa. Thậm chí, có nhiều hộ, khi căn nhà cổ chuẩn bị sập, đã tháo hết các cột kèo, xuyên, trến (những bộ phận của nhà rường cổ - NV) để đem... đun lửa. Xót xa cho “số phận” ngắn ngủi của những ngôi nhà rường cổ, ông Màn lần nữa quyết tâm học cách phục dựng nhà rường. “Nghĩ thì dễ lắm, nhưng khi bắt tay vào học mới hiểu và biết được cách làm kiểu nhà xưa của cha ông ta là khó đến mức nào. Phục dựng để hoàn thiện chúng càng khó gấp bội lần”, chỉ tay về phía 4 trụ kèo của một ngôi nhà rường cổ vừa được phục dựng lại, lão nghệ nhân cho hay.

Với mong muốn bảo tồn những di sản của cha ông đời trước cũng như “cứu sống” những ngôi nhà rường cổ đang thoi thóp chờ “chết”, ông Màn đã lặn lội khắp nơi để tìm hiểu, học nghề. Dù đi bất cứ đâu, ngoài những vật dùng làm nghề mộc, trong túi ông còn có cuốn sổ tay và cây bút để ghi chép lại những kinh nghiệm học được. Vì thế mà sau nhiều năm “lang thang” học nghề, hiện ông còn lưu giữ một cuốn “bí kiếp” nói về cách phục chế, dựng các kiểu nhà rường mà ít người có được.

Trong 4 người con của ông Màn, hiện có đến 3 người con trai đã theo ông học thành công nghề phục chế nhà rường cổ. Anh Nguyễn Hữu Lân, con trai thứ của ông Màn, người được giới làm nhà rường xứ Huế bái phục bởi đôi tay tài hoa trong cách chế tác hoa văn nhà rường, tiết lộ: “Để phục chế thành công một ngôi nhà rường cổ theo ý muốn của chủ nhân, nhiều lúc anh em phải làm việc cật lực từ 6 đến 7 tháng, có khi phải mất cả năm trời vẫn chưa xong. Bởi nhà rường đòi hỏi người thợ phải có chuyên môn kỹ thuật cao mới có thể “thổi hồn” làm đẹp cho nhà rường được. Như vậy mới có thể gọi là thành công chú ạ”.

Những lúc rãnh rỗi, ông Màn cùng con trai lại rong ruổi khắp nơi. Ở đâu nghe người ta bán nhà rường thì ông đều tìm đến hỏi mua. Không mua được nguyên căn nhà thì mua từng phần hay các khúc gỗ quý. Nhờ thế mà hiện ở xưởng mộc của gia đình, ông Màn có rất nhiều loại gỗ quý dành để phục chế nhà rường như gõ, mít và gỗ chua...

Hơn 60 năm theo nghề, đến nay, ông Màn không thể nhớ hết mình đã phục dựng và “cứu sống” bao nhiêu ngôi nhà rường cổ. Ông chỉ nhớ, từ những gian nhà rường ở Điện Thái Hòa, Ngọ Môn (Đại nội Huế) đến đình làng Dương Nỗ; một vài căn nhà cổ ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) và hàng trăm căn nhà rường cổ khác... đều có bàn tay của ông cùng đội thợ tham gia phục dựng, chế tác. Hiện một ngôi nhà rường do xưởng mộc của ông Màn làm ra được bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng nhưng trừ tiền gỗ, tiền công thợ thầy thì tính ra, lời lãi chẳng là bao. Với ông Màn, có chăng, đó cũng chỉ là niềm đam mê với những ngôi nhà rường cổ.

Trước lúc chia tay tôi, ông Màn không giấu được nỗi lòng: “Hiện nghề phục dựng nhà rường ngày càng bị mai một bởi không ai mặn mà theo đuổi để học cái nghề lắm công phu này. Bên cạnh đó, do nhu cầu xã hội nên những căn nhà rường cổ dần được thay thế bằng những căn nhà xây khang trang, kiên cố... vì thế mà giá trị văn hóa, lịch sử của những căn nhà rường cổ do cha ông để lại cũng dần bị đánh mất. Đó là điều thật sự đáng tiếc!”

 

Theo Lê Anh (CAND)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng