Cộng đồng người Cơ Tu sinh sống ở miền Tây các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam vẫn lưu truyền về chất độc Bhơyl bí hiểm mà tương truyền người và súc vật chỉ cần chạm nhẹ vào là chết ngay tại chỗ.
Thậm chí, đến một giọt máu cũng không hề chảy. Chất độc này đã trở thành báu vật bí truyền giúp người dân trên bước đường mưu sinh, chinh phục sức mạnh tự nhiên của loài dã thú. Và, khi bản làng có giặc, chất độc bí truyền đó lại trở thành vũ khí lợi hại giết giặc, giữ đất, giữ làng.
Huyền thoại Bhơyh chống giặc, giữ làng
Tương truyền, tại huyện A Lưới, các ngôi làng như A Sầu, Tà Rá, làng Đụt được người Cơ Tu lập ra những đội du kích chống giặc Pháp và sau này là giặc Mỹ. Họ tập hợp những cung thủ thiện xạ nhất làng cùng bộ cung và nhiều mũi tên tẩm chất độc Bhơyh. Đội cung thủ thường leo lên cây, đứng trên ngọn đồi hay nấp trong bụi rậm chờ giặc Pháp đi qua. “Cứ thấy đoàn người hành quân mà không mang ba lô, trên vai có hình vuông thì bắn”, người Cơ Tu truyền khẩu cách nhận dạng quân thù. Những tên chỉ huy trúng tên, chết sau đó ít phút mà ở chỗ mũi tên cắm vào không có một giọt máu, lính tráng sợ như ma ám mà bỏ chạy không dám quay lại làng.
Những hầm chông, những bẫy tên treo lơ lửng trên cây, đều tẩm độc Bhơyh đã giết chết nhiều quân Pháp khi hành quân lên các vùng A Lưới, Nam Đông và Tây Giang... Có lần quân Pháp mang cả đại bác lên bắn tan nát làng Tà Rá tàn sát nhiều người để mong tìm ra lời giải về chất độc Bhơyh nhưng rồi chúng phải khuất phục trước sự can đảm của dân làng.
Ông Quỳnh Hương, ở thôn Tà Rá, xã Hưng Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cẩn thận đặt những mũi tên mới được vót nhọn ngâm trong một thứ nước đặc sệt màu đen vào ống. Theo ông Hương, bảo vật này chỉ những người già trong gia tộc có uy tín mới được truyền lại. Vì thế, những người mang chất Bhơyh đi săn bắn phải vào rừng từ lúc cả làng còn ngủ và lúc mặt trời xuống núi mới trở về.
Sau tiếng rít tẩu dài, ông Hương đăm chiêu nói về tương truyền của chất độc Bhơyh. Hồi đó, xưa lắm rồi, bản Ngược (Nam Đông) vì tranh chấp con thú với một bản bên cạnh đã xảy ra đổ máu. Đến đêm, một số người bản bên lấy thân cây Bhơyh chất thành đống để đốt rồi bỏ xác chuột, xác rắn độc vào. Đến sáng hôm sau, xác người chết chất đầy bản Ngược. Số người còn sống bỏ làng ra đi. Sau đêm tàn khốc đó, cây độc dược Bhơyh trở nên khó tìm và bí hiểm hơn. Cách pha chế cũng được cố tình cho vào quên lãng. Ông Hương tiết lộ chung chung, cây Bhơyh có hình dáng như cây mít.
Cho đến lúc này, Bhơyh là gì vẫn chưa rõ nhưng những giai thoại về thần hộ mệnh Bhơyh chắc chắn sẽ còn sống mãi trong những câu chuyện bên ché rượu của người Cơ Tu. Và những chiến công của đồng bào Cơ Tu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử dân tộc.
Huyền bí Bhlih
Ngoài chất độc Bhơyh còn có chất độc Bhlih và Melangy. Chất độc Bhilh, với độc tố rất mạnh, được người Cơ Tu dùng để săn các loài thú lớn như hổ, báo. Chất Bhilh được chế từ nhựa có màu trắng của vỏ cây Bhilh. Tương truyền, đây là chất độc của những bộ tộc người Lào sống sát biên giới người Việt, qua quá trình giao thương, đồng bào Cơ Tu ở các xã sát biên giới như: Nhâm, A Đớt, A Ngo, người Cơ Tu đã học được để dùng săn thú.
Trước khi đi săn, người Cơ Tu lên rừng kiếm vỏ cây Bhilh mang giã nhuyễn nấu cô lại thành cao rồi bỏ trong ống lồ ô (loại tre thân mỏng, rỗng ruột). Sáng dậy, người thợ săn nhổ thêm nước bọt vào ống tre làm độc tính của chất độc Bhilh càng thêm mạnh, giết các loài thú rừng chỉ trong chốc lát. Mỗi lần đi săn, các thợ săn hơ ống tre vào lửa, chất độc Bhilh với màu nước đen sền sệt sẽ chảy ra đầu ống tre, quết tròn, đều lên mũi tên dùng để bắn thú dữ
Theo nhiều già làng người Cơ Tu ở Hưng Nguyên, cách săn thú thể hiện sức mạnh chinh phục tự nhiên, trở thành luật rừng không thành văn của người thợ săn. Chất độc Bhilh gắn với nhiều truyền thuyết trong chiến tranh giữa người Cơ Tu với cộng đồng các dân tộc khác. Bên ánh lửa bập bùng giữa sàn nhà, ông Quỳnh Thu kể về những truyền thuyết gắn liền với chất độc Bhilh. Ông bảo: “Do thời trước người Cơ Tu chưa biết đến chữ viết nên nhiều mẩu chuyện về truyền thuyết gắn với chất độc Bhilh chỉ truyền miệng qua đời này đến đời khác, vì thế đến nay chỉ những người già sắp về với tiên tổ mới biết thôi".
Theo đó trong cuộc chiến tranh giành lãnh thổ hay nguồn nước uống, để giải quyết những mâu thuẫn, cộng đồng người Cơ Tu thường dùng thứ chất cực độc để hạ sát đối thủ; chất độc Bhilh có 2 loại, loại cực độc dành cho thú dữ, loại độc tính thấp hơn thường được tinh chế với hàm lượng ít loại vỏ cây Bhilh và pha loãng với nước suối dùng để săn các loại thú nhỏ.
Chpơơr: Độc dược kỳ bí
Chpơơr - thứ vũ khí nhỏ bé nhưng rất lợi hại giúp người Cơ Tu tồn tại giữa núi rừng, không chỉ chế ngự những loài thú dữ, mà còn giúp người Cơ Tu đánh thắng giặc qua các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Những huyền thoại ly kỳ gắn liền với kịch độc Chpơơr như hút hồn chúng tôi bên ánh lửa bập bùng.
Theo tương truyền, loại kịch độc Chpơơr là kết tinh của cả quá trình sáng tạo của tổ tiên người Cơ Tu. Và chỉ có những người có uy tín, hoặc có tài săn bắn giỏi, được cả buôn làng tin tưởng mới được truyền lại công thức chế tạo. Không phải ai cũng có thể chế biến được kịch độc, thông thường ngoài người Cơ Tu thì tuyệt đối không ai có thể biết được bí quyết chế tác món kịch dược này.
Khi chúng tôi xem một mũi tên được cất giấu trong chiếc ống lồ ô nhìn vào đầu mũi tên đã được tẩm một ít mủ đen. Trông thì đơn giản, bởi Chpơơr mà chúng tôi được xem chỉ là một vết nhựa màu xỉn, nhưng công thức để chế tác loại kịch độc này là cả một sự sáng tạo kì diệu của người Cơ Tu.
Sống ở những vùng non cao, hiểm trở giữa thời thiết khắc nghiệt, từ xa xưa đồng bào Cơ Tu luôn phải đối mặt với những nguy hiểm do thú dữ tấn công. Chính vì sống giữa mối hiểm họa đang đe dọa rình rập mà người Cơ Tu đã chế tác ra những thứ vũ khí lợi hại nhằm tự vệ để duy trì cuộc sống cho buôn làng mình.
Theo Pháp luật xã hội