Nhịp điệu cuộc sống
Xem nghệ nhân câm điếc "làm xiếc" với những mô hình tuyệt mỹ
09:09 | 26/08/2014

Về với Huế, mỗi du khách thường được chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ đôi tay tài hoa của người thợ trẻ. Anh đã đem đến cho nhiều người biết về vẻ đẹp của những mô hình điêu khắc.

Xem nghệ nhân câm điếc "làm xiếc" với những mô hình tuyệt mỹ
Mô hình Đại nội Huế qua bàn tay điêu khắc của Bửu.

Không may mắn như bao người bình thường, nhưng anh được trời phú cho đôi “bàn tay vàng”, thay cho những lời anh không thể nghe và nói.

Nghệ nhân câm điếc

Anh chính là nghệ nhân Ngô Tam Bửu (SN 1985, trú tại xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Đến với Huế, chúng tôi thường nghe những người dân xung quanh giới thiệu về Bửu. Một bà chủ quán nói: “Con muốn đem Đại nội Kinh thành Huế về nhà không, còn có cả Cầu Ngói Thanh Toàn nữa...”. Biết chúng tôi chưa hiểu ý, bà lão tiếp lời: “Đến Huế,  nếu muốn đem đồ về làm kỷ niệm thì các cháu cứ về Thủy Thanh, ở đó có một nghệ nhân bị câm điếc nhưng có tài. Cậu ta làm đẹp lắm, hầu như du khách nào đến đó cũng đều mua về”.

Thì ra, những người dân nơi đây, từ già đến trẻ đều biết về người nghệ nhân tài hoa này. Chạy gần 30 phút, chúng tôi dừng chân bên địa danh lịch sử Cầu Ngói. Chếch sang bên, có một cửa hàng bán những sản phẩm điêu khắc cực đẹp. Phía trong có một nghệ nhân trẻ, đang loay hoay đục những sản phẩm khách đặt. Thấy chúng tôi, một bà cụ bán cơm bên cạnh chạy sang bảo: “Cậu ấy không nói được, cháu ghi giấy rồi đưa. Khổ cho nó vừa bị điếc vừa bị câm”.
Mỗi lần có khách tới, người dân xung quanh chạy tới bán hàng giúp anh. Để hiểu hơn về nghệ nhân đặc biệt này, chúng tôi tìm về nhà anh Bửu. Ngôi nhà nằm bên một con kênh. Trò chuyện với ông Ngô Tam Nhân (56 tuổi, bố của Bửu), chúng tôi được biết: Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em, Bửu không may mắn như các anh chị trong gia đình.

Ông Nhân bộc bạch: “Vợ chồng tôi có 5 đứa con. Bửu là con thứ hai trong gia đình. Khi Bửu ra đời, cả gia đình sống trong hạnh phúc. Rồi một năm, hai năm sau không thấy Bửu nói. Vợ chồng tôi lo lắng, đem con đi khám và được bác sỹ cho biết Bửu bị câm điếc bẩm sinh”.

Lớn lên Bửu cũng được đến trường, nhưng ngặt nỗi bị bạn bè chê cười. Ngày nào cậu bé cũng bỏ học chạy về. Lo lắng con không biết chữ, nên một lần người hàng xóm giới thiệu trường khuyết tật Vĩnh Ninh tại Huế, bố mẹ Bửu cho cậu đến học ngay. Được ở trong một môi trường có thầy cô quan tâm giúp đỡ, Bửu dần học được mặt chữ, rồi học lên nữa. Điều đặc biệt là lúc nào Bửu cũng học giỏi và nhiều năm được bầu làm lớp trưởng.

Sau 13 năm học xong ở trường khuyết tật Vĩnh Ninh, cậu được giới thiệu đến một trung tâm dạy nghề trong thành phố Huế để học điêu khắc. Trước đây, bố Bửu phải thường xuyên chở con lên xuống trường học. Đến khi học nghề, Bửu được bố mua cho một chiếc xe đạp. Một ngày cậu phải đạp xe đi và về hơn 20 cây số. Nhờ sự động viên của thầy cô cùng gia đình, chẳng mấy năm sau tay nghề của Bửu đã đứng nhất nhì trong lớp.
Đôi mắt sáng, người nhỏ nhắn, ngồi cạnh bố, Bửu cười thân thiện. Trên sàn nhà là những đồ gỗ mà cậu đang làm dở. Nhìn bề ngoài, Bửu trẻ hơn so với tuổi. Không nói được nhưng nhìn những sản phẩm cũng đủ thấy ở cậu có niềm đam mê lạ thường. Sản phẩm của Bửu không chỉ đẹp mà còn rất sắc sảo, có hồn.

Quan sát một lần sẽ làm lại mô hình y hệt

Ngồi bên nhìn Bửu đang loay hoay với những sản phẩm của mình, ông Nhân tâm sự: “Bửu sinh ra thiệt thòi như vậy nhưng trời phú cho nó cái tài. Chỉ cần một lần được nhìn hình ảnh nào đó, Bửu sẽ về điêu khắc mô hình y như vậy. Người ta cứ bảo trời lấy cái này sẽ bù cho cái khác, có lẽ Bửu cũng như vậy. Mọi người trong vùng ai cũng động viên, khen nó khiến vợ chồng tôi vui”.

Những đống gỗ đang được bàn tay của Bửu biến thành những khu đại nội, xe đạp hay cây Cầu Ngói di tích... tất cả đều được cậu làm y như thật. Từng nét gỗ đẹp đến kỳ lạ. Xem một mô hình đại nội Huế đã được hoàn thiện, chúng tôi phải công nhận đường nét điêu khắc rất đẹp và rất giống. Ngoài những cái làm cho mô hình điêu khắc giống với thực tế, Bửu còn biết cách trang trí làm nổi bật của một mô hình thu nhỏ.

Chỉ tay về bức tượng Phật nằm bên, ông Nhân cho biết: “Đó là bức tượng được một ngôi chùa đặt Bửu làm. Chỉ cần cố gắng thêm thời gian nữa, nó sẽ hoàn thành. Lúc đó Bửu có thể có tiền để đi một chuyến thăm Đà Nẵng. Tui chỉ mong sao được một lần đưa Bửu đi thăm Đà Nẵng và những vùng đất khác. Khi Bửu đã đến đó một lần, chắc chắn nó sẽ làm được những cây cầu và những mô hình đẹp hơn”.

Chỉ với một vài năm trở lại, từ khi Bửu học xong khóa học nghề đến giờ, sản phẩm của cậu đã có tiếng ở mảnh đất cố đô. Năm 2012, khi tay nghề vững vàng, Bửu đã gửi sản phẩm của mình để tổ chức thi huyện. Điều bất ngờ là sản phẩm của Bửu đứng thứ nhất. Cho đến một lần, Bửu tham gia một chương trình được tổ chức của tỉnh Thừa Thiên Huế về tài năng trẻ. Bửu nhận được huy chương Vàng của thành phố. Nhiều người từ đó cũng biết đến cậu bé khiếm thính có tài điêu khắc.

Ngồi nói chuyện một lúc, ông Nhân mở cửa tủ lấy ra một đống giấy khen của con mình để cho chúng tôi xem. Trong đó có rất nhiều giải thưởng và bằng khen mà Bửu đã nhận được trong địa phương và giải thưởng của cuộc thi sản phẩm trên địa bàn miền Trung. Thấy bố ra hiệu, Bửu liền cầm lấy một giải thưởng của khu vực lên khoe. Đó là giải thưởng cao nhất cho tới hiện tại cậu có. Khuôn mặt Bửu, dù không nói được nhưng vẫn toát lên sự rạng rỡ. Có lẽ đó là những thành tích mà cậu rất tự hào về mình.

Những sản phẩm của Bửu giờ đây không chỉ những người dân trong mảnh đất Huế biết đến mà sản phẩm của cậu còn được rất nhiều bạn bè quốc tế ủng hộ. Nhiều người khách nước ngoài đến với Huế đều được mọi người giới thiệu tới cửa hàng của Bửu bên Cầu Ngói di tích. Nó trở thành một thương hiệu có tiếng trong những năm gần đây.

Trao đổi với chúng tôi, chị Loan (hàng xóm của gia đình) cho biết: “Bửu sinh ra không được may mắn như mọi người nhưng nó có tài. Suốt ngày nó chăm chỉ làm những sản phẩm của mình. ở cái tiệm điêu khắc, nhiều người tìm đến mua, nó không nghe nói được nên chúng tôi buôn bán gần đây thường xuyên giới thiệu sản phẩm giúp. Thường thì ông Nhân thay Bửu bán sản phẩm”.

ở khu vực chợ Thủy Thanh, mọi người dân thường xuyên trở thành những người hướng dẫn viên, giới thiệu những sản phẩm cho Bửu. Bà Lưu (70 tuổi) cũng tâm sự: “Hỏi về Bửu thì tui biết rõ lắm. Cửa hàng của cậu, tui cũng một vài lần bán giúp rồi. Nhiều lúc có khách tới mà tui thấy nó cứ loanh quanh không biết làm gì cho khách hiểu, tui phải bỏ hàng mình chạy sang giúp nó nói với người ta chứ không thì không ai biết mà mua. Sản phẩm của Bửu được nhiều người tới mua lắm”.

Khi chúng tôi chào tạm biệt, Bửu đưa cho chúng tôi một tấm thiếp có thông tin của cậu, với mong muốn mọi người sẽ biết nhiều đến cậu hơn nữa. Chúng tôi cảm phục tài năng của chàng trai biết vượt lên số phận và trở thành người có ích cho xã hội. Người thanh niên này từng có tên trong cuốn sổ Thanh niên giỏi lập nghiệp của Việt Nam năm 2013.

 

Nguồn doisongphapluat.com

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng