Nhịp điệu cuộc sống
Truyền nhân cuối cùng của nghề “đậu” kim hoàn ở Huế
14:24 | 29/10/2014

Ở tuổi 82, nghệ nhân dân gian Trần Hữu Nhơn, ở đường Đào Duy Anh, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn cần mẫn với những tác phẩm kim hoàn. Cụ là người duy nhất nắm giữ ngón nghề tuyệt chiêu ở Huế, làm được những tác phẩm “đậu” kim hoàn đạt tới trình độ tinh xảo…

Truyền nhân cuối cùng của nghề “đậu” kim hoàn ở Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, nghệ nhân Trần Hữu Nhơn sớm bén duyên với nghề kim hoàn. Mồ côi cha từ khi lên 4, được mẹ gửi cho người cậu ruột, chủ một xưởng bạc ở làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế dạy nghề.

Theo nghệ nhân Trần Hữu Nhơn: Đỉnh cao của người làm nghề kim hoàn là “đậu”, tức là dùng vàng bạc kéo thành từng sợi chỉ để tạo hình. Kĩ thuật này rất khó, công phu nên ít người làm được và thông qua những sản phẩm làm ra mới đánh giá được trình độ người thợ. Nghề “đậu” vàng, bạc là biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề thủ công mĩ nghệ truyền thống. Trước tiên người thợ phải nấu vàng, bạc thành thỏi, sau đó kéo và rút thành sợi chỉ, hoặc mảnh như sợi tóc tùy theo yêu cầu của sản phẩm. Tiếp đến là xe 2 hoặc 3 sợi giống như sợi dây thừng, rồi dùng sợi này uốn thành những họa tiết nhỏ, to tùy theo từng sản phẩm. Những đồ trang sức thông thường là cành hoa, con bướm, hoa phù dung… còn đối với các tác phẩm nghệ thuật, người thợ sáng tạo những chi tiết, tạo nên những đường nét, mảng miếng theo ý đồ sáng tác của tác giả. Lão nghệ nhân cho biết: Để có một tác phẩm vàng, bạc “đậu”, người thợ phải mất nhiều ngày công với những thao tác tỉ mỉ, công phu, làm sao khi tất cả các hoa văn đính trên sản phẩm phải đều nhau, không lộ ra những mối hàn.

Nghệ nhân Trần Hữu Nhơn dành trọn cuộc đời cho nghề đậu, với hàng trăm tác phẩm được nhiều người đón nhận và đánh giá cao. Nhưng với cụ “Chùa Một Cột”, “Phật Bà Quan Âm” là những tác phẩm tâm đắc nhất. “Chùa Một Cột” hoàn thành là cả tâm niệm của cụ bao năm ấp ủ, hướng cả tấm lòng về Thủ đô mến yêu, tự hào về dân tộc Việt Nam, với hàng nghìn năm lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước. Tác phẩm này đoạt giải Nhất trong Hội thi sản phẩm thủ công mĩ nghệ Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2007.

Tác phẩm “Phật Bà Quan Âm” được cụ dày công thực hiện nhiều tháng trời, với những đường nét như đồ họa, có thể nhìn được hai mặt. Đặc biệt, khuôn mặt của Quan Âm nhìn rất có hồn. Cụ tâm sự: “Làm tác phẩm này một phần vì say nghề, một phần muốn nhắc nhở mọi người rằng, trong nghề kim hoàn còn có ngón nghề “đậu” rất độc đáo, mà bây giờ ít người theo đuổi”. Tác phẩm đoạt giải Nhì Hội thi sản phẩm thủ công mĩ nghệ Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2008.

Để hoàn thành những tác phẩm trên, nghệ nhân phải làm hàng nghìn chi tiết nhỏ, được phối hợp hai loại sợi bạc trơn và xe khiến sản phẩm có hiệu ứng thẩm mĩ cao. Nhiều người nói rằng: Đây là nghề thêu với chất liệu bằng bạc… Hiện cụ Nhơn trăn trở: Nghề “đậu” đang đứng trước nguy cơ thất truyền, không chỉ riêng ở Huế mà cả toàn quốc, bởi ở Huế ngoài cụ ra giờ chẳng còn ai làm được. Cụ có 10 người con, thì 2 con trai đang nối nghiệp cha làm nghề kim hoàn nhưng ngón “đậu” tuyệt kĩ của cha, các con vẫn chưa nắm bắt hết được. Cụ nói: “Đời người vô thường, lỡ tôi nhắm mắt, kĩ thuật này thất truyền thì tiếc vô cùng”.

Với gần 70 năm tuổi nghề, cụ Trần Hữu Nhơn được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Theo cụ để trở thành thợ giỏi rất cần hai chữ: Tâm và nhẫn. Tâm sáng, lòng trong mới nắm được cái hồn để chế tác. Sự cần mẫn của đôi tay, sáng tạo của trí óc sẽ tạo nên những sản phẩm kim hoàn hoàn mĩ nhất. Cũng vì lẽ đó, tất cả các tác phẩm của cụ luôn có những nét khác lạ.

Nghệ nhân Trần Hữu Nhơn được các nghệ nhân kim hoàn bầu làm Tộc trưởng Tộc kim hoàn Huế, mong muốn nhất của cụ là được truyền nghề, đào luyện một lớp thợ kim hoàn đúng với tinh thần của ông tổ nghề truyền lại, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống quý giá của nghề kim hoàn trên đất cố đô Huế.

Theo Người cao tuổi

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng