"Nhà chiến lược bẩm sinh"- Đó là lời Bác Hồ nói về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cuộc đời ông đã minh chứng cho lời của Bác.
I. "Nhà chiến lược bẩm sinh" Đó là lời Bác Hồ nói về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cuộc đời ông đã minh chứng cho lời của Bác. Sinh ngày 1/1/1914 (nếu còn, năm nay ông tròn 100 tuổi), từ một thanh niên bần cố nông trong nhóm thanh niên làng Niêm Phò, Quảng Điền, Thừa Thiên, tụ tập chống cường hào, ác bá, ông đã đến với cách mạng. Ngay ngày ấy, đã có một câu chuyện bộc lộ tính cách ông: Đầu năm 1937, có cuộc đón tiếp Gôđa, đại diện của Mặt trận Bình dân Pháp, ở Huế. Ông Hoàng Anh (sau này là Phó thủ tướng Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng), một người trong ban tổ chức cuộc đón tiếp, vừa về đến ga Sông Bồ ở Huế thì thấy nhiều người đang chờ mình ở sân ga, trong đó có Nguyễn Chí Thanh (khi đó còn mang tên là Nguyễn Vịnh). Trước các câu hỏi dồn dập, ông Hoàng Anh đành trả lời tóm tắt: “Cuộc đón tiếp Gôđa ở Huế được coi là một thắng lợi lớn” thì Nguyễn Vịnh tiến đến sát sau lưng, xẵng giọng hỏi: “Gôđa là người nào vậy?”. Ông Hoàng Anh bảo: “Gôđa là phái viên thanh tra của Chính phủ Bình dân Pháp”. Nguyễn Vịnh liền nói: “Đi đón một thằng Tây mà cũng thắng lợi!”. Chỉ sau khi “ở lại một hôm” với ông Hoành Anh, chàng trai Nguyễn Vịnh mới nhất trí, đi “đón Tây” chỉ là một “động tác” ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp trong sách lược của giai đoạn cách mạng ấy mà thôi. Về học vấn “trong trường”, vì mồ côi cha từ năm 13 tuổi, ông chỉ được học hết tiểu học (16 tuổi). Nhưng ông không ngừng tự học qua sách, học ngoại khóa, như “Sách hồng”, hoặc “Sách dành cho tuổi trẻ học đường”, do một người bạn học cũ còn học ở Huế, gửi cho. Rồi ông đọc Báo Nam phong của Phạm Quỳnh để tập diễn thuyết... Từ cuối 1938 đến 1943, ông bị địch bắt ba lần (1938, 1939, 1943) và từng nằm lao ở Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột... Ở Thừa Phủ, gặp Tố Hữu, lúc ấy là Thành ủy viên Huế, Tố Hữu còn không biết ông Vịnh đã là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tố Hữu bật cười nhớ lại, năm 1937, mình đã từng định “tuyên truyền”, “vận động” ông Vịnh đi với Đảng! Trong tù, cũng ở Thừa Phủ, ông bảo một bạn tù: “Lần này vào lao, chúng ta tha hồ mà học tập. Tôi thấy anh có nhiều khả năng, nhất là môn toán, sau này làm sao cố gắng thành một giáo sư toán học. Còn tôi, ưa thích nhất là trở thành một nhà đại đạo đức, đại cách mạng”. Thế là ông cùng anh em lập chi bộ nhà tù, ông làm bí thư, Tố Hữu làm phó bí thư, tổ chức các lớp học chính trị, học tiếng Pháp, học chữ Hán, học võ... Cái ước vọng trở thành người “Đại đạo đức, đại cách mạng” ngày ấy của ông, đâu phải là một lời bốc đồng hay khẩu khí Lương Sơn! Ông đã dành cả đời để nó hóa thực! Ông là thế, nên tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim thả tù chính trị. Ông Vịnh ra tù thì tháng 8/1945, tại Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng cử ông vào Ban Chấp hành Trung ương và chỉ định ông làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (Tố Hữu là Phó bí thư), với cái tên mới: Nguyễn Chí Thanh do Bác Hồ đặt. Rồi kháng chiến 9 năm bùng nổ, năm 1947, ông “tái nhậm” Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Ngày 6/2/1947, mặt trận Huế vỡ. Hơn 3 tháng sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cả 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trở thành vùng... sau lưng địch! Tình thế Bình - Trị - Thiên vô cùng ngặt nghèo: Bắc thì vướng Đèo Ngang. Nam thì Hải Vân chặn lối. Dân số thì chỉ hơn 1 triệu. Nghèo thì cỡ nhất nước! Lúc này, ông Thanh là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, phụ trách Phân khu Bình - Trị - Thiên. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, ông đã cùng Đảng bộ Phân khu, Đảng bộ Thừa Thiên, xốc phong trào dậy. “Mất đất chưa phải là mất nước. Mất dân mới là mất hết. Chúng ta quyết bám dân, chết cũng không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng” là câu nói ngày ấy của ông. Cuối năm 1947, ông chuyển hẳn làm Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, giữa năm 1948 làm Bí thư Liên khu ủy Khu 4 và năm 1950, ra Trung ương, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân ủy (sau này là Quân ủy Trung ương), ông Võ Nguyên Giáp là Bí thư. Đoạn đầu nói dài thế, vì đây chính là giai đoạn hình thành - lớn lên của tính cách, nhân cách, tài năng và bản lĩnh nhà lãnh đạo Nguyễn Chí Thanh. Nếu không thế, khó có thể hiểu hết ông sau này. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời chống Mỹ 1. Khi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Thời chống Pháp, ông đã cùng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng “chạy vạy khắp miền Bắc và khu 4, khẩn trương đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ... Cả thực tiễn chiến đấu và xây dựng trong 3 năm 1951, 1952, 1953 đã chứng minh thành công của công tác Đảng - công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang và tạo tiền đề cho quân dân ta giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954” (Đại tướng Văn Tiến Dũng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Đại tướng Chu Huy Mân, người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, viết: “Khi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh có nguyện vọng cháy bỏng, cùng với anh Võ Nguyên Giáp, với Quân ủy Trung ương (Tổng Quân ủy), đề xuất và thực hiện thành công công việc cải tiến công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức trong quân đội, nhằm củng cố chế độ chính ủy, tăng cường cơ quan chính trị, tăng cường vị thế, vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với quân đội; trọng tâm là đẩy mạnh chỉnh huấn, chỉnh quân, rèn cán để bồi dưỡng, nâng cao lập trường, ý chí chiến đấu, trình độ tổ chức, chỉ huy, trình độ chiến thuật, kỹ thuật của cán bộ, nay gọi là “nhân tố con người”. Thành công đó là của tập thể Quân ủy Trung ương (Tổng Quân ủy), nhưng riêng về cải tiến công tác chính trị, tư tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội, chế độ chính ủy, thì anh Thanh đã góp công sức lớn lao... góp phần tạo nhân tố có ý nghĩa chiến lược để chiến thắng trong các chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, về sau, tạo cơ sở để xây dựng quân đội anh hùng đánh thắng Mỹ - Ngụy, giải phóng miền Nam”. 2. Trên mặt trận nông nghiệp (1960-1963): “Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rời thủ đô Hà Nội vào chiến trường miền Nam, hơn 10 triệu nông dân (miền Bắc) trong hợp tác xã nông nghiệp đã phấn đấu đưa sản lượng nông nghiệp, đến năm 1963, cao hơn hai lần so với năm 1939, là năm phát triển nhất thời thuộc Pháp và trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ có nó, chúng ta phát triển và củng cố được nông thôn - một địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của căn cứ địa miền Bắc - tạo nên sự nhất trí cao về chính trị và tinh thần của cả miền Bắc, động viên và tổ chức được hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến, đảm bảo hậu phương quân đội, hậu phương chiến tranh ngày càng vững mạnh. Đến khi Mỹ phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nó là cơ sở vững mạnh bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không” (Nguyễn Minh Triết - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam). 3. Ở chiến trường miền Nam Lúc ông Thanh vào Nam (cuối 1963 đầu 1964), “Cuộc chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở đây đã sang giai đoạn cuối. Công thức “Quân Ngụy + Vũ khí Mỹ + Cố vấn Mỹ” đã tỏ ra lỗi thời, quân thường trực Mỹ đã “lấp ló” trong những ý kiến của giới quân sự Mỹ và được các chính khách “diều hâu” ủng hộ. Để làm phá sản hoàn toàn “Chiến tranh đặc biệt”, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Miền mà ông Thanh là Bí thư, LLVT miền Nam mà ông Thanh là chính ủy, đã nhận rõ: “Nếu chỉ phát triển chiến tranh du kích, chỉ đánh địch ở quy mô nhỏ thì không thể giành thắng lợi quyết định được. Bởi vậy, cùng với việc xây dựng và phát triển LLVT ba thứ quân, xây dựng lực lượng cách mạng của quần chúng, chúng ta phải coi trọng xây dựng các quả đấm chủ lực. Và anh Thanh đã cùng Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo mở các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài và hàng loạt trận tiến công đánh bại từng chiến đoàn ngụy, cùng với việc phá rã hàng ngàn “Ấp chiến lược”, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy” (Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam). Tháng 3/1965, Mỹ đổ (ban đầu) 20 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta (lúc cao trào nhất, lên đến nửa triệu). Những câu hỏi: “Đó là kiểu chiến tranh gì?”, “Cách đánh thế nào?...”, xuất hiện không chỉ ở ta, mà còn ở cả phe XHCN. Ông Thanh là người đầu tiên gọi đó là “Chiến tranh cục bộ” và Bộ Chính trị đồng ý. Ông Thanh phân tích, vì Mỹ thua trong “Chiến tranh đặc biệt” nên mới phải nhảy thẳng vào chiến trường, tức là Mỹ bị động to về chiến lược. Ta nhất định thắng Mỹ. Về cách đánh, ông nói: “Cứ đánh rồi sẽ tìm ra cách đánh”, “Cách đánh nằm ở chiến trường. Ra đấy mà nhặt lấy!”, nhưng nguyên tắc là: “Ta buộc địch đánh theo kiểu của ta”, không để “Ta phải đánh theo kiểu của địch”. Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng... đã chứng tỏ quân ta thắng quân Mỹ. Khi quân dân Tây Nguyên đánh thắng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ ở Plâyme - Iađrăng, ông nói, ta “đã” làm được việc đó. Rồi từ trận thắng Mỹ đầu tiên ấy, những khẩu hiệu “Nắm thắt lưng địch mà đánh” (để hạn chế sức mạnh phi pháo Mỹ). “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”..., những phong trào “Lập vành đai diệt Mỹ”, phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Dũng sĩ hạ máy bay địch”... nở như hoa. Những “châm ngôn” chiến đấu ấy mang đậm dấu ấn ông Thanh... II. Một nhà lãnh đạo nghiêm trang nhưng gần gũi Đồng chí Lê Quang Đạo (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội), kể: “Năm 1953, ở căn cứ Việt Bắc, một lần cả tôi và nhà tôi đi công tác xa, hai con trai của chúng tôi còn rất bé, gửi ở cơ quan, chẳng may bị ốm nặng, gần kề cái chết! Anh Thanh đã trực tiếp chỉ thị phải cứu bằng được hai cháu và thường xuyên đôn đốc kiểm tra... Hai cháu đã thoát chết... Khi lãnh đạo nông nghiệp, một lần đến một hợp tác xã vùng công giáo, thấy một đội kèn đồng của nhà thờ thổi kèn đón Đại tướng. Bị bất ngờ, anh bảo đồng chí Chủ tịch tỉnh ra nhận lễ đón, còn anh thì lặng lẽ đi vào phía sau”. Nhạc sĩ Trần Hoàn, sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, kể: “Đầu năm 1948, tôi được gặp anh Thanh. Anh bảo: Hoàn hát cho mình nghe bài “Thiên Thai” của Văn Cao đi! Vâng lời anh, tôi hát. Anh ngồi trên chiếc chiếu, tựa lưng vào vách tre, lim dim nghe... khen bài hát hay. Rồi anh hỏi: Thế tại răng những bài hát kháng chiến lại không làm hay được như vậy?... Mà kháng chiến cũng đau khổ lắm, day dứt lắm chứ! Bao nhiêu mối tình, bao nhiêu chia ly, bao nhiêu sự hy sinh cao cả, mà sao chưa có nhiều bài hát hay?”. Bắt đầu từ đó, Trần Hoàn mới có những bài ca kháng chiến. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) về thăm HTX Nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình) năm 1960 Năm 1958, trong dịp phong tướng mà ông được phong quân hàm Đại tướng, sau lễ thụ phong, thấy bản tin đưa cho báo đài dài gần 2 trang, ông bảo: “Được phong quân hàm là một vinh dự và cũng là một trách nhiệm lớn. Nhưng có cần phải tuyên truyền ầm ĩ, bản tin có cần dài thế không?” và ông bắt viết lại vì “Cái quan trọng là nói được ý nghĩa của sự kiện chứ không phải là liệt kê ai được phong cấp này cấp khác”. Khi thấy trong danh sách phong hàm đại úy có cả tên vợ mình (bà Cúc), ông vừa cười vừa nói: “Đồng ý, trừ một người là cô Cúc. Cứ để lại, không vội gì. Không sao đâu! Tôi sẽ làm công tác tư tưởng cho cô ấy”. (Theo lời Đại tá Phạm Chí Nhân - nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử tư tưởng quân sự - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam). Thời chống Mỹ, ở Bộ Chỉ huy Miền, bộ pijama ông mặc bị thủng một lỗ ở nách. Mọi người xin phép may cho ông bộ khác. Ông không đồng ý: “Làm tướng thì không biết mặc đồ rách hay sao? Chỉ có dân mặc được à? Vá lại có sao đâu?”. Thấy chiếc màn tuyn ông dùng đã cũ, đã lốm đốm, anh em đưa ông màn mới. Ông bảo: “Thôi, các cậu đem trả cơ quan để dùng cho khách chứ mình dùng thế mắc cỡ lắm!”. Lúc ấy, mọi thủ trưởng trong Bộ Chỉ huy Miền đều được trang bị như nhau (Mười Xúp - nguyên cán bộ quản trị hành chính Bộ Chỉ huy Miền). Ở Hà Nội, thấy con gái ông mặc áo vá, có người đùa: “Con Đại tướng mà mặc áo vá à?”. Ông cười thân mật: “Dân mặc áo vá, vì sao con Đại tướng không mặc được? Đừng đùa thế, các cháu sinh hư” (Trung tá Nguyễn Nổng - người bảo vệ Đại tướng). Biết mẹ mình hay nói “ngang”, ông để mẹ sinh hoạt trong chi bộ thư ký - bảo vệ. Thấy mẹ nói gì “sai quan điểm”, ông rỉ tai cho chi bộ kiểm điểm. Có lần tức quá, mẹ ông ra giữa sân chửi: “Tổ cha bọn bây! Thằng Thanh biểu bọn bây phê bình tau. Tau còn đẻ ra thằng đại tướng nữa cơ!”. Nghe thì bật cười mà ứa nước mắt! Năm 1947, Mặt trận Huế vỡ, mọi người mạnh ai nấy chạy, thương vong rất nhiều. Ông thì nghe vợ mình qua sông bị pháo bắn chết trôi xác; bà Cúc thì nghe, chồng mình bị Pháp bắt chết rồi vứt xác xuống sông! Ở Thừa Thiên có tập tục, ai chết đuối không tìm được xác thì người nhà phải chạy dọc bờ sông gọi tên người đó, xác mới nổi lên được. Thế là ông bà, mỗi người một bên bờ sông Hương, vừa chạy vừa gọi tên nhau: “Vịnh ơi!”, “Cúc ơi!”. Vấp ngã thì đứng lên chạy tiếp, gọi tiếp. Thế rồi hai vợ chồng nghe được tiếng nhau, lội ào ra, ôm nhau giữa dòng mừng tủi! Sau này ra Hà Nội, ông từng bắt con gái “quỳ giữa sân vì nói hỗn với chú bảo vệ. Vịnh (Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bây giờ) còn bé tí, nhưng có lần bị ba xách tai đau điếng vì tranh nhau mấy cái kẹo với con chú Chắt bảo vệ”. Ông “hay xuê xoa để mẹ không mắng mấy chị em” nhưng ông “không bao giờ bỏ qua những lỗi (của con cái) như là hỗn láo, giả dối, lười biếng, ích kỷ” (Nguyễn Thanh Hà - con gái cả Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Cục phó Cục Hàng không Dân dụng kể). Và đây là những lời chị Hà nói về mẹ mình: “Mẹ rất nghiêm khắc và ít khi bộc lộ tình cảm, nên chúng tôi không hiểu được tình yêu của mẹ dành cho ba như thế nào. Chỉ sau khi ba mất và đến cuối đời mẹ, hơn 10 năm sau chúng tôi mới hiểu, mười mấy năm đó mẹ sống trong địa ngục vì nỗi nhớ thương ba không gì bù đắp nổi, không quên được dù một phút, một giây. Cuộc sống của mẹ những năm sau ngày ba mất chỉ là để nuôi dạy các con - khi thằng Vịnh còn bé quá và chúng tôi cũng chưa nên người - còn về tâm hồn, Mẹ đã chết cùng ba từ ngày 6/7/1967!”. 100 năm sinh của ông, 70 năm sinh quân đội; thương tiếc, kính nhớ một danh tướng; những dòng trên chẳng giúp người ta “người hơn”, “cán bộ hơn”, “đảng viên hơn”, “sĩ quan hơn”, lắm sao? |
Theo petrotimes.vn |