Nhịp điệu cuộc sống
Sự trở về của giấy Trúc chỉ
09:51 | 23/12/2014

Một trong những hiện tượng mới nổi trong mỹ thuật nói chung, mỹ thuật ứng dụng nói riêng trong 3 năm trở lại đây là sự xuất hiện của nghệ thuật giấy Trúc chỉ và những sản phẩm ứng dụng của nó. Điều đặc biệt là giải pháp ấy xuất phát từ ý niệm trở về với văn hóa dân tộc.

Sự trở về của giấy Trúc chỉ

Sự trở về ấy của Trúc chỉ bằng hai phương tiện chính, đó là tái sáng sáng tạo kỹ thuật làm giấy và khai thác, phát huy những biểu tượng trang trí trên các di tích, những hình tượng tiêu biểu của mỹ thuật truyền thống để nhân rộng, phổ biến, giáo dục và khơi dậy niềm tự hào, ý thức về ký ức dân tộc.

Trúc chỉ là một loại giấy tự tạo. Cũng như các loại giấy tự chế mà nhiều dân tộc, vùng miền đã và đang sản xuất, tên giấy thường gắn liền với tên loại thảo mộc dùng làm nguyên liệu thô để làm nên tờ giấy như: giấy mật hương làm từ cây mật hương, giấy dó làm từ vỏ cây dó, giấy giang làm từ cây giang, giấy sa của Thái Lan làm từ cây sa, xuyến chỉ là giấy xuyến… Theo đó, nôm na mà nói thì cái tên TRÚC CHỈ cũng tương tự như vậy, Trúc là tre, mà Chỉ là giấy, nghĩa là giấy tre.

Tuy nhiên ở đây, không đơn thuần như vậy, kỹ thuật làm giấy này đã được họa sỹ Phan Hải Bằng ở Huế nghiên cứu, tìm hiểu trên thực tế và thử nghiệm sau nhiều năm rồi đi đến làm chủ nó. Đây cũng chính là sự trở về với truyền thống của một họa sỹ đương đại để từ đó có những bước đi mở rộng các hình thức mỹ thuật ngày nay. Tuy nhiên, Trúc chỉ không chỉ được làm ra bằng kỹ thuật cổ truyền đơn thuần. Kỹ thuật làm Trúc chỉ là kết hợp hài hòa giữa nghề truyền thống và kiến thức trong chế bản in tranh.

Đối với lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, giấy Trúc chỉ có thể được sử dụng vào khá nhiều các sản phẩm sau khi được xeo và tạo các lớp hình nông sâu hay in ấn hình ảnh lên bề mặt. Với kết cấu sợi tự nhiên, Trúc chỉ có đầy đủ khả năng về tính chất lý hóa trong thiết kế các sản phẩm khác nhau như hộp, đèn các loại, quạt, nón, bìa sách, vỏ đĩa CD, ví đựng tiền, bình phong… Ở đây cần khẳng định rằng, những đối tượng này hoàn toàn là những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, không phải là sản phẩm thủ công làng nghề. Chúng được thiết kế với ý tưởng của các họa sỹ, có sự kết hợp thẩm mỹ được tính toán tốt giữa hình thức, công năng và nội dung thông điệp.

Điều đặc biệt đáng nói là, với định hướng trở về để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, một số bộ sản phẩm Trúc chỉ hiện nay chủ yếu sử dụng những hình ảnh biểu tượng được chọn lọc từ vốn cổ mỹ thuật, trước mắt là của khu vực Kinh thành Huế, để làm trang trí và truyền thông điệp. Đó là các bộ quạt, đèn nến, đèn bát giác với các hình ảnh lấy từ phù điêu trang trí trên bộ cửu đỉnh ở Đại nội Kinh thành Huế, hình ảnh từ bộ Bát âm của dòng tranh dân gian làng Sình, các hoa văn họa tiết thảo mộc, chim thú, linh vật từ di sản mỹ thuật Huế. Ngoài ra các sản phẩm Trúc chỉ còn chuyên chở những hình ảnh kiến trúc cổ, danh lam thắng cảnh của Huế, của Việt Nam để giới thiệu và lan tỏa trong giới trẻ người Việt và du khách nước ngoài.

Tuy mới xuất hiện và đang có những bước phát triển đầu tiên, song Trúc chỉ đã khơi gợi được hướng đi đáng quan tâm trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Sự trở về của Trúc chỉ là về với cây tre Việt Nam, trở về để tiếp nhận năng lượng từ đó - trên cơ sở quy trình làm giấy thủ công truyền thống Việt Nam, Trúc chỉ mong muốn có thể chuyên chở được những giá trị tinh thần, văn hóa cũng như những tình cảm, khát vọng của người Việt.


Theo Báo Đại Đoàn Kết

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng