Với mục đích đem đến cho người khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những phụ nữ, thanh niên của các dân tộc thiểu số có được cuộc sống tốt đẹp hơn với công việc ổn định, phát triển các năng khiếu, kỹ năng của mỗi người, từ đó giúp họ hòa nhập với cộng đồng, xã hội, từ năm 1999, Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm cho người khuyết tật – Trẻ khó khăn Hy Vọng (Trung tâm Dạy nghề Hy Vọng) đã được thành lập.
Trung tâm Dạy nghề Hy Vọng là một tổ chức phi lợi nhuận, vừa là nơi ăn ở, vừa là nơi đào tạo cho các thành viên tại đây với 06 ngành nghề chính, bao gồm: May mặc (may dân dụng, công nghiệp), May túi xách, Hàng thủ công mỹ nghệ, Dệt vải trên máy cải tiến, Dệt Zèng (nghề truyền thống của dân tộc thiểu số A Lưới) và Làm gốm Raku. Đối với mỗi ngành nghề, các cô tại Trung tâm luôn có sự tìm hiểu kỹ về năng khiếu, tính cách… cũng như khả năng làm việc của mỗi em để phân chia cho phù hợp.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, những người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi đến với Trung tâm Dạy nghề Hy Vọng còn được học và bồi dưỡng các kỹ năng mềm rất bổ ích như: Làm việc nhóm, Xây dựng sự tự tin, Quản lý thời gian – làm việc hiệu quả, Học về marketing… Đây chính là những nền tảng vững chắc giúp các em thêm bản lĩnh, độc lập và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Với những khó khăn ban đầu từ những ngày mới thành lập, nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm mà tiêu biểu nhất là nghệ sĩ gốm Raku người Pháp Oliver Oet đã dành thời gian để dạy cho các em học viên tại Trung tâm dạy nghề Hy Vọng về kỹ thuật làm đồ gốm Raku độc đáo, đến nay, Trung tâm dạy nghề Hy Vọng đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy với những thành tích nổi bật.
Cụ thể, qua 15 năm hoạt động Trung tâm dạy nghề Hy Vọng đã đào tạo 37 khóa học cho trên 1.000 học viên, sau khi ra nghề các em có công việc phù hợp và có khả năng tự lo liệu cho bản thân. Không chỉ đào tạo nghề, Hy Vọng luôn cố gắng tìm kiếm và tạo việc làm cho các em, giúp các em ổn định cuộc sống. Hiện có 100 em đang làm việc tại Hy Vọng và A Lưới. Trong tổng số này có trên 30% em dân tộc thiểu số ở các xã thuộc huyện A Lưới, 50% em là người khuyết tật , 20% các em có hoàn cảnh đặc biệt.
Mỗi bộ phận đặc thù công việc tại Trung tâm dạy trẻ Hy Vọng rất khác nhau nhưng đều chung một mục đích là tạo nên các sản phẩm hoàn hảo, những sản phẩm được làm nên từ những trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn biết vươn lên trong cuộc sống.
Các sản phẩm may tại Hy Vọng được may theo hợp đồng với các công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trường học gồm các chủng loại sản phẩm may mặc như: Bảo hộ lao động, đồng phục y bác sĩ, đồng phục học sinh, đồng phục của các nhân viên khách sạn… Trung bình mỗi tháng có thể cung cấp từ 3.000 – 4.000 sản phẩm.
Với các chất liệu thân thiện môi trường và góp phần làm sạch môi trường, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo từ mây, lụa, dây điện thoại, tre vấn giấy loại để tạo nên túi xách, trang sức, ly, dĩa… Các sản phẩm với nhiều màu sắc, kiểu mẫu đa dạng, có tính ứng dụng cao và hiện nay nhiều sản phẩm đã được đảm bảo xuất khẩu. Hiện nay, mỗi tháng Trung tâm Hy Vọng có thể cung cấp từ 500 – 1.000 sản phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm dệt trên khung cải tiến như đủi, phin, thổ cẩm cũng đã cung cấp cho bộ phận thủ công mỹ nghệ để làm sản phẩm và các shop vải chuyên may và bán hàng cho khách du lịch, thể hiện năng lực và chất lượng trong các mặt hàng luôn được đảm bảo và luôn được cập nhật theo thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.
Đối với bộ phận dệt Zèng, từ các loại vải truyền thống của các dân tộc Katu, Tà Ôi được chính tay các học viên dệt thủ công, sau đó chế lại thành các sản phẩm như túi xách, áo quần, thảm treo, dải trải bàn, áo gối sô-pha để bàn… dùng để trưng bày và bán cho du khách khi đến với Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ tính riêng về mặt hàng túi xách, mỗi tháng Trung tâm Hy Vọng có thể cung cấp từ 150 đến 200 sản phẩm túi xách trên cả chất liệu vải và thổ cẩm đặc trưng của A Lưới dệt thủ công.
Theo Khám phá Huế