Nhịp điệu cuộc sống
Tọa đàm 100 năm "Những người bạn cố đô Huế"
15:24 | 27/12/2014

Sáng ngày 27.12.2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức Tọa đàm khoa học 100 năm B.A.V.H và vấn đề tiếp xúc văn minh Đông-Tây đầu thế kỷ XX.

Tọa đàm 100 năm "Những người bạn cố đô Huế"
Các nhà quản lý, chuyên gia, và nhà nghiên cứu văn hóa Huế tại buổi tọa đàm

Cách đây 100 năm, Hội “Những người bạn Cố đô Huế”  (Association des Amis du Vieux Hué), đã được thành lập từ đề xuất của linh mục Léopold Cadière và sự chung tay xây dựng của những bạn bè trong giới trí thức Pháp và Việt. 31 năm tồn tại, Hội đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy văn hóa Cố đô với những thành tựu lớn như làm nên tập san “Những người bạn Cố đô Huế” đồ sộ và công phu; xây dựng thư viện để tập hợp tư liệu nghiên cứu và bảo tàng lưu giữ cổ vật của triều Nguyễn và Huế xưa... Đó thật sự là những đóng góp quý báu mà ngày nay khi đề cập đến lịch sử nghiên cứu vấn đề về Cố đô Huế nói riêng, chúng ta không thể không nhắc đến với tấm lòng chân thành cho những đóng góp đó. Tập san BAVH được xem là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó, được xuất bản đều đặn trong 30 năm, cho đến năm 1944 thì đình bản do biến cố chính trị. Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút suốt thời kì tồn tại của Tập san và đóng góp trên dưới 160 bài viết được đánh giá có chất lượng cao. Ban Biên tập của Tập san lúc đầu gồm trên dưới 10 người gồm cả người Việt và người Pháp đảm nhiệm; về sau thì đông hơn. Số cộng tác viên tham gia viết bài ngày càng gia tăng. Tập san BAVH đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với tổng cộng khoảng 13.000 trang bài viết, 2800 phụ bản và 700 bảng khắc đen trắng hoặc màu rất công phu17. Mỗi năm Tập san ra mắt bạn đọc được 4 số riêng biệt, trung bình 3 tháng 1 số, gọi là tam cá nguyệt. Nhưng cũng có năm xuất bản ghép số. Hình thức trình bày đơn giản nhưng rất trang trọng và nghệ thuật. Bìa vẽ đẹp, mang tính hoài cổ. In ấn rõ ràng, cộng với sự chi tiết của các sơ đồ, bản đồ các tranh ảnh minh họa đã làm nổi bật thêm cho tập san. Phần lớn các tranh ảnh được trình bày trong BAVH hầu hết đều do các tác giả Việt Nam và Pháp thể hiện. Có thể nói, đây là một pho sách quí cho những ai muốn tìm hiểu về Huế. Với 31 năm liên tục hoạt động, Tập san BAVH đã góp phần không nhỏ vào công việc nghiên cứu về Huế xưa, triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam.

                              Trang bìa đầu tiên và cuối cùng của Tập san B.A.V.H

 

Buổi tọa đàm đã tập trung nhiều bài tham luận cũng như những ý kiến đống góp từ các nhà quản lý, chuyên gia, và nhà nghiên cứu văn hóa Huế với những chủ đề xoay quanh phân tích, đánh giá những giá trị của tập san B.A.V.H trong suốt 31 năm tồn tại, đồng thời phân tích các vấn đề tiếp xúc, giao thoa văn hóa giữa Đông và Tây trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.  Buổi tọa đàm là cơ hội để các học giả và những người quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa Huế trao đổi nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bền vững nhiều giá trị di sản văn hóa cố đô.

Hương Bình
 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng