Nhịp điệu cuộc sống
Ðón xuân này, nhớ xuân xưa
09:05 | 11/02/2015

Giữa cảnh chiều cuối năm rét mướt, trở về thắp nhang trước bàn thờ gia tiên, ngồi bên người thân uống vài chén rượu nồng, hàn huyên chuyện vui buồn năm qua thì không gì đầm ấm hơn.

Ðón xuân này, nhớ xuân xưa
Ảnh: Cảnh Tăng

Mỗi lần về quê, dâng nén nhang trước bàn thờ gia tiên là tâm tư tôi lại thấy bồi hồi. Cảnh cũ gợi nhớ người xưa. Nơi đây đã có những chuỗi ngày gia đình tôi sống bên nhau thật êm đềm. Thế rồi, dòng đời như con đò ngang, lần lượt đưa ông bà tôi qua bên kia bến bờ cuộc đời. Thế hệ sau mỗi người một phương.

Nhìn đâu trong ngôi từ đường này tôi cũng thấy lưu dấu bóng dáng người thương. Bên song cửa sổ kia, bà tôi trước đây thường ngồi trên chiếc sập gụ, miệng nhai trầu, mắt dõi ra sân ngóng đợi con cháu về. Dưới nhà ngang những lúc nhà có giỗ, mẹ và cô tôi hắt bóng đèn dầu giã gạo chày đôi, thình thịch lan trong đêm tĩnh mịch…

Những chiều cuối năm đầm ấm

Nơi làm cho tôi bồi hồi nhất là cái khoảng không gian trước bàn thờ gia tiên, nơi đã diễn ra biết bao sự kiện trọng đại, vui buồn của gia đình mình. Nhớ nhất là hình ảnh bữa cơm chiều ba mươi tết năm nao. Trên bàn thờ đèn nến sáng trưng, trầm hương phảng phất. Di ảnh ông bà được cất tấm nhiễu điều ra để con cháu nhìn tỏ mặt. Thức ăn, thức uống dâng cúng là những thứ lúc sinh thời các cụ yêu thích. Dâng hương xong ông tôi cứ đứng khúm núm, thi thoảng châm trà, rót rượu trong bàn thờ làm cho con cháu có cảm giác như tổ tiên đang hiện hữu trong gia đình. Sau lễ cúng là cả gia đình tôi quây quần bên mâm cỗ trên bức ngựa gõ. Giữa cảnh chiều cuối năm rét mướt, ngồi bên người thân uống vài chén rượu nồng, hàn huyên chuyện vui buồn năm qua, với tôi không gì đầm ấm hơn. Sau này dù ở phương trời nào, khi ông bà, cha mẹ tôi còn đầy đủ là cứ đến ngày cuối năm, tôi phải về cho bằng được để được hưởng cái không khí thiêng liêng ấy.

Cứ mỗi độ tết đến xuân về là cả gia đình tôi lại quây quần trước bàn thờ gia tiên gói bánh. Mỗi người một việc. Mẹ lau lá, cha chuốt lạt. Bà tôi ngồi xếp bàn trên chiếu hoa, trước mặt là chiếc mâm đồng sáng lóa, tay thoăn thoắt đặt lá, đổ nếp, rải nhân… Cứ thế, từng chiếc bánh chưng vuông vắn, bánh tét tròn trịa ra đời. Anh em tôi chuyền tay nhau những chiếc bánh mới ra lò của bà để chăm chút lại từng nuột lạt. Rồi tối ấy, cả nhà ngồi thâu đêm trong chiếc nong đặt ở góc sân mà trông nồi bánh tét. Khuya, bên ly cà phê bốc khói, câu chuyện giữa người đi xa và người ở nhà càng trở nên thú vị. Cuối cùng là niềm vui vỡ òa khi tiếng chuông chùa rền vang báo hiệu thời khắc giao thừa đã đến.

Năm tháng trôi qua, tôi đã trở thành “truyền nhân” duy nhất gói bánh thay bà mình. Không ai biết rằng chỉ vì say mê nghe bà kể chuyện đời bà mà tôi mới được nên “tài” như vậy. Bà tôi kể ông tôi là lính thợ, có đôi tay tài hoa, chuyên chạm khắc những bức phù điêu trong cung đình Huế. Ông có tiếng đàn, tiếng sáo làm mê lịm lòng người và bà đã phải lòng ông lúc cả hai còn tay trắng.

Câu chuyện bên nồi bánh tét

“Sông có lúc, người có khúc” - bà hay dùng câu này để khuyên con cháu đừng bao giờ nản lúc gặp phải hoàn cảnh nghiệt ngã hoặc phải biết thông cảm, chia sẻ với người gặp cảnh ngộ cơ nhỡ. Một chữ cắn đôi không biết mà bà lại nói chuyện kinh dịch, lý số rất rành: “Vật chi cũng rứa, sáng quá ắt sẽ tối, tối lắm rồi sẽ sáng”. Mà thật! Năm hai mươi tuổi bà phải một mình nuôi hai người con dại trong cái chòi tranh trống huơ trống hoác cất nhờ trên đất người. Đang co ro với cảnh trời đông rét mướt không tấm chăn đắp thì khuya tụi Tây đi tuần, chúng đốt nhà bà để… sưởi ấm! May thay chiếc nồi đồng bà giấu trong đống rơm… biết nóng, lửa đang cháy ngùn ngụt thì lăn xuống ao chìm nghỉm! Kiếp làm thuê không còn nơi tránh mưa nắng, bà phải gánh hai người con với cái nồi đồng ấy lên kinh đô vất vưởng tìm chồng. Ở chung với vợ con lính thợ mới vài ngày là bà đã chán cái cảnh ăn không ngồi rồi của họ. Bán chiếc nồi được vài đồng vốn, bà chạy bộ về làng gần mười cây số mua lúa, tự xay, tự giã và giần sàng thành gạo rồi gánh ngược lên bán cho mấy người vợ lính. Thấy có lãi, thế là ngày lại ngày, đông cho tới hạ, bà gánh gạo oằn vai với đôi chân trần chai sạn, bóng đổ mòn con đường làng lên phố. Tích lũy được số vốn kha khá thì bị tụi Tây chặn đường lục soát, tịch thu sạch.

Tay trắng, bà buồn khóc hết nước mắt nhưng vẫn không nản chí, vay tiền của những người vợ lính, tiếp tục mưa nắng với gánh gạo oằn vai. Mất của nhiều lần khiến bà khôn ra, cuối cùng đã trở thành chủ đại bài gạo có giấy phép hẳn hoi, chuyên cung cấp gạo cho bà con trong Thành nội. Cộng với cái tính cần kiệm và quan niệm “mua vàng thì mất, mua đất thì còn”, bà đã gầy dựng nên cái cơ ngơi nhà ngang dãy dọc tọa lạc giữa khu vườn mênh mông quanh năm đầy hoa trái ở vùng ngoại ô xứ Huế.

Về quê đón giao thừa

“Đời người như bóng câu qua cửa sổ”. Mới ngày nào bà tôi mất và cũng là ngày tôi xa quê, lúc ấy tóc tôi xanh mượt mà nay đã lốm đốm bạc. Duy có một thứ còn tươi mãi trong ký ức là những năm tháng tuổi hoa niên sống ấm êm bên mái ấm mình; cùng bạn bè cắp sách đến trường với cái cảm giác êm êm mát lạnh dưới đôi chân trần là mỗi lần lụt ra, dân làng lại cùng nhau ra sông gánh cát về rải trước đường, trước ngõ nhà mình cho bớt lầy lội. Là tiếng cu gáy đâu đó vọng lại êm đềm trong các khu vườn chiều. Là tiếng chuông chùa làng ngân nga đều đặn vào lúc chạng vạng. Và hình ảnh cứ đến ngày giáp tết, người làng lại ra cái bàu sen cuối làng lặn lấy những tảng đất sét trắng phau đem về nhà nặn ông Táo. Bọn trẻ thì xin những mẩu đất sét thừa nặn thành những con tu huýt thổi vang vang khắp làng. Tín hiệu của một mùa xuân sắp về với người làng tôi đó!

Bao năm xa quê, vợ chồng tôi từ Sài Gòn về đón cái tết để tìm lại cái cảm giác ngày xưa cũ. Với bao dự định, tôi sẽ tự tay gói vài cái bánh tét chay nhân dừa kiểu Nam Bộ; làm đĩa mứt gừng thật cay; mua một gói trà ướp hương lài và một lạng thuốc lá Cẩm Lệ mà lúc sinh thời ông, bà tôi yêu thích để cúng giao thừa. Nhưng chưng hửng. Căn nhà gỗ mít toàn ròn vàng ươm, càng lên nước bóng vàng theo năm tháng, bà tôi phải thuê người lên tận vùng trung du Thừa Thiên-Huế săn lùng, chọn lọc cả năm trời mới mua đủ số gỗ vừa ý. Sau đó ông tôi thân quen lắm mới mời được toán thợ mộc từng làm nhà cung đình về ăn ở trong nhà cả năm trời mới hoàn thành. Mùa hè dù ngoài trời nắng đổ lửa nhưng trong nhà vẫn mát rười rượi. Mùa đông mặc cho mưa gió bão bùng, trong nhà vẫn luôn ấm áp và đem lại cái cảm giác bình yên cho người ở. Vậy mà người em họ tôi do trào lưu người làng mà đắc ý bán căn nhà gỗ bà tôi để lại, xây mới một căn nhà mái bằng trần trụi, sơn phết diêm dúa, vừa bước vào nhà là đã thấy ngộp thở.

Người xưa đã mất. Cảnh cũ không còn. Cảnh mới thì vô hồn. Sau tết tôi khăn gói rời quê nhà với nỗi buồn lan tận tâm can. Làm sao nói với em họ tôi, người chưa một ngày sống xa quê hiểu rằng giá trị cuộc sống đôi lúc không thuộc về vật chất mà là ký ức, là kỷ niệm. Hai thứ ấy mới là sợi dây neo con người với chốn cũ.

Theo phapluattp.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng