Nhịp điệu cuộc sống
Tiếng hát xuống đường của học sinh, sinh viên Huế
08:12 | 24/03/2015

Sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, giờ đây trong tâm thức các thế hệ học sinh, sinh viên (HS-SV) Huế đã từng tham gia phong trào đấu tranh đô thị vẫn in đậm những dấu mốc lịch sử hào hùng của quê hương. 

Tiếng hát xuống đường của học sinh, sinh viên Huế
Học sinh, sinh viên Huế biểu tình chống chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm. Ảnh tư liệu

 

Trong bề dày lịch sử văn hóa Huế mãi mãi lấp lánh những chiến công của tuổi trẻ trong những tháng năm chống Mỹ, cứu nước.Sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, giờ đây trong tâm thức các thế hệ học sinh, sinh viên (HS-SV) Huế đã từng tham gia phong trào đấu tranh đô thị vẫn in đậm những dấu mốc lịch sử hào hùng của quê hương. Trong bề dày lịch sử văn hóa Huế mãi mãi lấp lánh những chiến công của tuổi trẻ trong những tháng năm chống Mỹ, cứu nước.

Những ký ức hào hùng

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1968, chính quyền Mỹ - Thiệu ra sức củng cố trật tự ở đô thị Huế, tiến hành khủng bố trả thù những người dân yêu nước. Tại các trường học, chúng tăng cường bắt lính, cho ra đời tổ chức "quân sự học đường" để o ép kiểm soát HS-SV. Cơ sở cách mạng nhiều nơi bị đánh phá ác liệt. Kề vai sát cánh với cuộc đấu tranh của HS-SV Sài Gòn, Ðà Lạt, Cần Thơ, Hội đồng đại diện SV Huế được thành lập, ra tuyên cáo nghiêm khắc lên án ngụy quyền bắt bớ, đánh đập HS-SV. Phong trào đô thị Huế giai đoạn này thu hút rất đông HS-SV tham gia, ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào HS-SV trên các đô thị miền nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Huế và Sài Gòn là hai đô thị ghi nhiều dấu ấn với phong trào HS-SV xuống đường tranh đấu đòi dân sinh, dân cahủ, dân quyền, đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất. Ông Trần Hoài, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp HS-SV Huế tranh đấu những năm 1970-1972 cho rằng, phong trào đấu tranh của HS-SV Huế có vai trò nòng cốt, ngòi pháo xung kích của phong trào đấu tranh đô thị diễn ra từ những năm 1954-1975. Tổng hội sinh viên Huế lúc đó tổ chức thành nhiều ban để tuyên truyền, xung kích và đấu tranh trên nhiều mặt trận. Ông Hoài tham gia Ðội sinh viên quyết tử gồm ba đoàn với khoảng 500 đoàn viên hoạt động ở Huế và chi viện cho nhiều địa phương khác tại miền trung.

Phong trào đô thị gắn với các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các nhà công thương, sinh viên, học sinh, chị em tiểu thương... đi liền với những cuộc bãi khóa, xuống đường, những đêm không ngủ... đến những buổi "hát cho đồng bào tôi nghe", "hát cho dân tôi nghe", phong trào đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hiệp định Pa-ri đến phong trào cứu đói, phong trào đòi dân sinh dân chủ...

Bà Hoàng Thị Thọ, cựu học sinh Trường Ðồng Khánh (Huế) kể: "Lúc đó, tôi là phát thanh viên của các chương trình phát thanh chống Mỹ, cứu nước mỗi buổi chiều. Trong giai đoạn 1963-1975, tại trụ sở của Tổng hội sinh viên Huế, chúng tôi vừa phát hành các tờ báo của sinh viên, học sinh, phụ nữ Huế, vừa ghi âm tiếng nói của lực lượng HS-SV Huế đấu tranh, tuyên truyền, động viên, hướng dẫn nhân dân TP Huế tích cực tham gia phong trào chống Mỹ - ngụy".

Theo PGS, TS Bửu Nam, hiện công tác tại Trường đại học Sư phạm Huế, tại Ðại hội HS-SV Huế kỳ 1, sinh viên thông qua tối hậu thư gửi Tổng trưởng Giáo dục và Thanh niên chính quyền Sài Gòn, yêu cầu can thiệp để mở cửa ngay các trường học công, tư thục Sài Gòn. 50 học sinh được cử đến gặp Tỉnh trưởng Thừa Thiên yêu cầu chuyển tối hậu thư vào Sài Gòn, nhưng bị cảnh sát chặn ngay từ lúc khởi hành ở Trường đại học Sư phạm. Lập tức, toàn thể HS-SV tham dự đại hội kéo ra ngồi giữa đường phản đối. Cảnh sát buộc phải nhượng bộ, chuyển tối hậu thư lên cấp trên. Một ngày sau, HS-SV Huế chiếm đóng cầu Bạch Hổ qua sông Hương. Biểu ngữ "Chúng tôi đi dự Ðại hội HS-SV" tràn ra các ngả đường.

Học sinh, sinh viên giữ vai trò quan trọng trong đấu tranh cách mạng

Ông Lê Văn Lân, cựu sinh viên của Ðại học Huế cho biết: Khi nói phong trào đấu tranh của HS-SV Huế, người ta thường nghĩ đến phong trào yêu nước trong các đô thị miền nam, là tầng lớp nhân sĩ trí thức, tôn giáo mà ngòi pháo xung kích là thanh niên, HS-SV... Ðỉnh cao của phong trào là những năm 1970, 1971 đến năm 1975, khi sinh viên toàn miền nam họp đại hội (1971) ra tuyên bố ủng hộ lập trường bảy điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại hội nghị Pa-ri, khi những chiếc xe của lính Mỹ liên tiếp bị đốt công khai trên đường phố, khi phong trào "bỏ ngũ - phản chiến - binh biến - khởi nghĩa" đã trở thành phong trào hành động trong quân đội Sài Gòn.

Ông Trần Hoài cho biết: "Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Huế, phong trào đấu tranh của thanh niên, HS-SV Huế là một bộ phận khăng khít của phong trào đô thị Huế. Các lực lượng này đã giữ vị trí vai trò rất quan trọng, là ngòi pháo xung kích, nòng cốt của phong trào, là hạt nhân quy tụ các giai cấp, các tầng lớp xã hội như: công nhân, nhân dân lao động, trí thức, binh lính ngụy... vào các cuộc đấu tranh. Cùng với các tầng lớp nhân dân Huế, thanh niên, HS-SV Huế đã thể hiện rõ tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng, đặc biệt là tinh thần xung kích đi đầu trong đấu tranh; mở rộng, phát huy khối đoàn kết toàn dân và có những đóng góp tích cực nhất định vào sự phát triển của phong trào đấu tranh đô thị và phong trào cách mạng của nhân dân".

Trong quá trình lãnh đạo, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đánh giá cao vai trò, ý nghĩa tác dụng của phong trào đấu tranh do tuổi trẻ khởi xướng, tham gia, tổ chức trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nổi bật là đại thắng mùa Xuân năm 1975, góp phần cùng quân và dân cả nước tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Phương pháp đấu tranh cách mạng của thanh niên, HS-SV Huế trong các cuộc đấu tranh luôn mang tính sáng tạo, nhạy bén với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú. Những cuộc đấu tranh đã bám sát chủ trương của Ðảng, khẩu hiệu đấu tranh vận dụng phù hợp theo từng chủ trương, nhiệm vụ và hoàn cảnh đấu tranh cụ thể, đánh trúng các âm mưu, thủ đoạn của địch. Cuộc đấu tranh đã kết hợp hiệu quả giữa chính trị - vũ trang - binh vận, kết hợp nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội dân sinh, kết hợp ba mũi giáp công thế trận toàn diện, liên hoàn tạo nên một sức mạnh tổng hợp đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của địch.

Sau ngày Thừa Thiên - Huế giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, các thế hệ HS-SV Huế tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng càng tự hào và tin tưởng để phát huy trong giai đoạn mới. Tiếp bước truyền thống của lực lượng thanh niên, HS-SV đi trước, các thế hệ trẻ của Thừa Thiên - Huế hôm nay càng tự hào, phát huy vai trò của mình trong các phong trào hành động cách mạng, đóng góp công sức vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Theo NDO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng