Nhịp điệu cuộc sống
Lạc vào Cồn Hến
09:40 | 22/06/2015

Nếu thành phố Huế nhộn nhịp, tấp nập bao nhiêu thì ở Cồn Hến, ngay giữa dòng sông Hương lại bình lặng bấy nhiêu.

Lạc vào Cồn Hến
Bến đò Cồn.

Nếu thành phố Huế nhộn nhịp, tấp nập bao nhiêu thì ở Cồn Hến, ngay giữa dòng sông Hương lại bình lặng bấy nhiêu. Nếu như trên các tuyến phố hay cầu Trường Tiền luôn luôn rung lên bởi nhịp thở sôi động cùng những dòng người hối hả qua lại thì trên những con đường ngõ vắng Cồn Hến lại chỉ nghe thấy tiếng hoa xoan rơi nhẹ theo làn gió đưa hương. Ở đây người ta gọi đó là hoa sầu đông. Nghe thấy buồn man mác. Tôi lạc vào chốn sầu đông ấy vào một buổi sáng dịu dàng, nắng cũng phơn phớt tím hồng trên mặt nước...

Lạc vào Cồn Hến

Bến đò Cồn.

Chuyện bắt đầu từ một tình yêu

Tôi lạc vào Cồn Hến như một sự tình cờ bởi lẽ có người mách, hãy đi qua cây cầu nhỏ bé Phú Lưu, từ phố Nguyễn Sinh Cung, thuộc phường Vỹ Dạ rẽ vào hỏi thăm về một cố nhân mà đã từng làm say đắm tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940). Chính người đẹp này tạo nguồn cảm hứng cho một tình yêu và đó là sự ra đời của bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ. Người đẹp nổi tiếng một thời có cái tên rất đẹp - Hoàng Cúc. Lần tìm đến ngôi nhà của người đẹp Hoàng Cúc xưa mới hay bà đã đi xa, ngôi nhà đã qua tay nhiều đời chủ và được sửa sang thành một nhà vườn rất đẹp ở Cồn Hến. Cụ già bán nước ngay bên đường đi vào Cồn kể, cô giáo Hoàng Cúc dạy nữ công gia chánh ở trường Đồng Khánh và sau này còn là một tu sĩ nữa. Cô giáo Cúc đẹp và dịu dàng như những bông hoa sầu đông vậy. Cô giáo vẫn ở đây cho đến khi về cõi năm 1985. Tôi thật sự ngạc nhiên khi hỏi cụ có biết đến bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử viết tặng Hoàng Cúc, thì cụ nói ngay biết chứ, nhưng chỉ thuộc lỗ mỗ mấy câu. Rồi cụ chậm rãi đọc: Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay... Chúng tôi vỗ tay. Cụ thì cười. Đúng một nụ cười Huế hồn hậu và thân thiện.

Cồn Hến là thế đó. Là mối duyên và gợi mở nguồn thơ dồi dào cho mọi thi nhân. Nói đến nhà thơ Hàn Mặc Tử là nói đến Đây thôn Vỹ Dạ, là nói đến người đẹp của Cồn Hến. Đây đó vẳng lên câu hát liêu trai ngân nga trên bến Cồn rằng: Gió theo lối gió, mây đường mây. Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay. Bởi Cồn Hến bình lặng và dịu dàng đúng chất Huế tím làm dịu bớt những âu lo. Ngõ nhỏ, đường xinh với những em bé luôn cười chào những ai qua đây. Cho dù đứng từ đây tưởng như có thể với sang những con thuyền rồng đang đậu bến phía Đông, chạy dọc con đường Trịnh Công Sơn. Bên đó rộn ràng nhưng nơi đây vẫn mơ khách đường xa. Khách bộ hành ắt không thể quên được nét thanh bình với những chùm hoa sầu đông vương trên vai và ắt hẳn sẽ nhớ đến người đẹp Hoàng Cúc đang nhắn nhủ thi nhân rằng: Sao anh không về chơi thôn Vỹ. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc...

Lạc vào Cồn Hến

Người trên Cồn vào bờ bán hến.

Đường cồn có hai con ngõ dài chạy dọc bên Đông và bên Tây dài đến vài cây số. Có một con phố cắt ngang chia cồn làm hai mảng Bắc và Nam. Một con phố duy nhất tên là Ưng Bình. Đây là một xứ sở lạ lùng. Làng một phố và Cồn một tên. Cồn Hến có phố Ưng Bình. Những con đường rẽ vào các ngả đều là Kiệt (Ngõ) của phố Ưng Bình cho dù những con Kiệt ấy dài gấp chục lần phố chính. Và thêm một điều thú vị đó là tên phố gắn liền với một thi nhân nổi tiếng từ thời triều đại nhà Nguyễn. Đó là Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877-1961) được sinh ra ở thôn Vỹ Dạ, thành Huế. Ông là một thầy tuồng và là một nhà thơ lớn của triều Nguyễn. Tuy đỗ đạt hiển vinh ra làm quan, nhưng ông lại có tư tưởng chống giặc Pháp xâm lược, nên thường bênh vực dân nghèo. Ông đau xót trước cảnh mất nước, thương thân phận người lao động, nên thơ ông ẩn giấu u uất đau đáu nỗi niềm. Đã trăm năm qua, người dân Huế không ai không thuộc câu hò Huế mà ông viết: Chiều chiều trước bến Văn Lâu. Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm. Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông. Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non. Nhà thơ nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực văn hóa với biệt danh là Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Ông là cháu ba đời của vua Minh Mạng. Đồng thời nhà thơ Ưng Bình là người viết hàng trăm bài hát dân ca Huế và nhiều bài vẫn còn được các nghệ sĩ hát cho đến ngày nay như: Đêm thất tịch, Phong cảnh và nhân vật Vỹ Dạ, Đầu lạ sau quen, Hò mái nhì... Bất ngờ lúc này một cô gái đang tập lại đờn ca trên thuyền rồng. Giọng cô vồn vã ngọt ngào đặc sệt Huế, rằng: Tới đây đầu lạ sau quen. Quen người mở miệng cười quen tiếng. Đào mận quen hơi, chuông vàng khánh ngọc quen lời... Tôi nghe chừng lòng sao chợt rưng rưng, mơ màng trên Cồn như trôi theo con thuyền dọc sông. Nhưng thật bất ngờ có người gọi giật lại và thúc tôi vào ăn cơm hến. Một người vừa gánh hàng ra. Một mùi thơm ngan ngát, dịu hương như ngỏ lời mời.

Tôi và cơm hến

Ở ngã ba một ngõ cắt đường phố Ưng Bình có một quán hàng Bà Toàn bán đủ các loại bánh Huế và bún mắm. Nhiều bạn trẻ nô nức rủ nhau vào quán đó. Nhưng tôi và mấy người lại sà vào một gánh hàng cơm hến theo lời mời của bà chủ. Tay vừa làm bà vừa kể cho chúng tôi nghe lịch sử của cái tên Cồn Hến. Nào là hàng trăm năm trước ông cha bà đã đi cào hến kiếm ăn. Dân nghèo mà chỉ cơm với thịt hến luộc chấm mắm ruốc, rồi húp nước hến cho no cái bụng. Thế rồi cũng qua được mấy phận người ở cái thôn nghèo này. Ai cũng sống bằng nghề cào hến và chế biến hến. Dân trên cồn yêu thương đùm bọc nhau, qua nhiều đận đói kém bởi thiên tai, lụt lội hay chiến tranh qua các triều đại phong kiến. Đã hàng trăm năm nay dân làng Cồn vẫn tổ chức rước và lễ tế thần Hến hàng năm, từ ngày 24 - 26/6 âm lịch. Giờ dân trên cồn đông lắm, tới hơn 5.000 người nhưng đa phần vẫn phải đi cào hến kiếm ăn. Mỏ hến trên cồn đã dần cạn kiệt, hiện mọi người phải đi xa hơn chục cây số cào hến từ 3 giờ sáng đến chiều mới có hến về bán.

Tay bà chủ thoăn thoắt làm nhanh chóng cho 5 người ăn, bà còn nói xưa cơm hến là món ăn của người nghèo bây giờ đã trở thành đặc sản của Huế. Nhiều người tìm đến tận miệt đảo nhỏ này ăn đúng món do người Cồn Hến làm ra. Bà giải thích cơm hến ở Cồn khác với cơm hến ở nhà hàng chỗ nào. Rồi bà còn kể hai món nước hến, hến xào và mắm ruốc của dân cồn làm đều có chọn lọc và tươi nguyên chứ không phải loại ướp để tủ lạnh nhà hàng. Vậy nên, những người gánh rong bán cơm trên các đường phố, là dân Cồn đều phải giữ nguyên tắc hến mới, nước mới và mắm mới. Nhưng còn điều cần thiết nữa, nước hến phải luôn được giữ nhiệt ấm nóng có vị gừng thơm, qua bếp đun nhỏ lửa. Một cô gái bỗng xuýt xoa như phải bỏng vì ăn phải miếng ớt tươi cay xé môi. Bà chủ hàng đã bày ra tới 5 loại ớt để người ăn tự chọn. Bà chỉ cho tôi biết món tương ớt là có độ cay vừa phải. Và theo tôi biết, đó chính là bí quyết để làm xực vị hến cùng mắm ruốc lên thơm phức...

Nghe và ăn. Tôi tì tì đánh luôn hai bát cơm hến và luôn mồm xuýt xoa vì cay nóng. Mồ hôi vã ra trên trán, trên mũi vậy mà tôi ngấm cái vị hến, cái hương hến như bị tê đầu lưỡi với vị ngọt còn đọng lại. Một cô đếm mãi các loại rau và những thực phẩm được trộn đều như lạc, bóng lợn rang với mắm ruốc cùng với khế chua mà vẫn chưa biết có bao nhiêu món được đưa vào miệng. Cô ta kêu lên: Đúng là một món “Cao lâu Cồn” như món cao lâu ở xứ Hội An vậy, nhưng vị hến thì ngon tuyệt. Ấy vậy mà bà chủ hàng phải bổ sung vị thứ 14 được trộn thành món cơm hến độc đáo của xứ cồn này. Không thể thiếu một thứ, bởi sẽ kém vị. Chả thế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết về món cơm hến quê mình: Bây giờ tôi mới phát hiện ra vị thứ 15, trong gánh cơm hến là lửa. Vâng một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người.

Lạc vào Cồn Hến

Quán cơm hến

Bến Cồn

Từ Cồn có mấy bến thuyền chở người sang phía kinh thành cổ vì chưa có cầu sang bên đó. Từ thôn Vỹ Dạ thì có cầu Phú Lưu đi vào Cồn. Nên mấy bến thuyền được coi như mấy bến nước mà các chị các bà vẫn ra giặt giũ và chở đò cho người trên Cồn đi chợ Đông Ba. Hôm nay hoa sầu đông xoáy vòng theo con nước sóng sánh một màu tím như một bức tranh hòa sắc cho bến Cồn. Chúng tôi thuê một con đò đi sang bên phố Trịnh Công Sơn. Lênh đênh trên sông ai cũng đưa tay lùa trong con nước trong vắt. Nắng đã lên trưa đứng bóng. Chúng tôi như những dấu chấm tròn trên sông.

Một giọng hát đâu đó bên kia con thuyền rồng lại vút lên một câu dân ca Huế nghe man mác làm sao. Tiếng hát trong trẻo, ngọt lịm với những câu ca: Một thương tóc xõa ngang vai. Hai thương đi đứng vẻ người đoan trang. Ba thương ăn nói có duyên... Bốn thương mơ mộng mắt huyền thêm xinh... Chúng tôi nghiêng người chào hàng cây sầu đông trên cồn. Cô gái chở đò mỉm cười hẹn chúng tôi khi nào trở lại ăn cơm hến và nghe ca Huế trên Cồn. Lúc này tôi mới chợt nhận ra đôi mắt đẹp của cô lái đò. Đúng là như câu ca kia - Đó là đôi mắt của bến nước Cồn Hến hẹn một ngày về...

Theo suckhoedoisong.vn

Các bài mới
Các bài đã đăng