“Nhiều người lặn lội qua tận Myanmar để ngắm cảnh đẹp hồ Inle mà ít ai biết cảnh sắc đầm Chuồn ở Huế cũng tuyệt mỹ chẳng thua gì non nước xứ người”.
Con đò nhỏ nổ máy rời bến, ra giữa mặt đầm trong ánh chiều lung linh, nhiều du khách xuýt xoa như thế.
Từ TP Huế, chúng tôi mua thêm một ít bánh lọc ở chợ Đông Ba, một ít trái cây và không quên mang theo cây đàn ghita rồi lên xe đi về đầm Chuồn khi trời đã xế chiều.
Hoàng hôn trên đầm
Những cánh đồng lúa vàng hai bên con đường nhựa hướng về xã Phú An những ngày đầu tháng 5 đang vào mùa gặt thơm mùi rơm rạ. Bên ngoài khung cửa kính ôtô là cảnh quê thanh bình với hình ảnh những đàn trâu gặm cỏ bên đồng lúa vàng.
Xe chạy chừng 15 phút, men dọc con đường bêtông đến cuối làng An Truyền, thêm vài bước chân nữa du khách đã đến con đê kiên cố bên bến đò đầm Chuồn. Ở đây, đò của các quán trên đầm đã đợi sẵn, du khách có thể tùy chọn bất kỳ quán nào để bắt đầu trải nghiệm một đêm trên đầm Chuồn.
Chúng tôi chọn đò của Dũng, một ngư dân làng Chuồn, chủ nhân của Đầm Chuồn hội quán nằm giữa đầm nước, có sức chứa lên đến 400 người với toàn bộ kết cấu hoàn toàn làm từ tre lồ ô.
Sau ít phút lênh đênh trên đầm, đò cập quán, du khách bước nhanh lên chiếc cầu thang lót vạt tre rồi dồn đến một góc quán ngắm... hoàng hôn. Mặt trời như một quả bóng bay đỏ rực bị một đứa trẻ con nhẹ tay kéo xuống.
Ánh vàng hoàng hôn nhuốm ánh vàng lên mặt hồ ngày càng yếu ớt rồi khuất bóng sau mái nhà chồ. Những dải lưới bao quanh cũng trở nên huyền hoặc như lớp lớp dải lụa vàng trên bóng nước rồi cũng lịm dần trong bóng tối.
Những du khách lần đầu đến đầm Chuồn đã kịp ghi cho mình những bức ảnh hoàng hôn tuyệt đẹp giữa mênh mông đầm phá. Trong khi đó, nhóm nữ khách lùi vào sau bếp để “đi chợ” với tất cả hải sản đầm phá vẫn còn bơi lội trong các oi cá thả trên mặt đầm.
Tùy theo khẩu vị, du khách có thể cầm vợt chọn các loại hải sản, các món cá vảy trắng (cá móm, cá hanh, cá vượt...), cá da trơn (cá nâu, cá mú, cá dìa, cá kình...) hay tôm sú, cua nước lợ. Vợ Dũng tư vấn từng loại cá, giá cá rồi mang vào chế biến trong sự háo hức của du khách.
Trong chốc lát, những món hải sản tươi ngon dưới bàn tay chế biến dân dã của các chị làng Chuồn đã được bày biện bắt mắt trước mắt thực khách. Lót dạ với hải sản đầm phá, chiêu thêm ngụm rượu gạo làng Chuồn nồng cháy nức danh khiến du khách cứ xuýt xoa...
Đêm trăng thanh bình
“Anh chị về mấy ngày ni là hên rồi, đúng ngày rằm nên trăng sáng vằng vặc. Từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 đầm đẹp nhất. Đây cũng là mùa người dân đi xiếc (hai người kéo lưới hai bên), thả lừ, đánh lưới và vụ chính nò sáo” - Dũng nói, rồi mời du khách lên hai chiếc đò máy đã đợi sẵn để cùng ra đầm xem ngư dân kéo lưới bắt cá dìa.
Con đò lướt nhẹ chở du khách đến điểm thả lưới cách quán chưa đến 50m. Trăng sáng soi bóng hai vợ chồng ngư dân đang kéo lưới dài cả trăm mét tròng trành trên mặt đầm.
Du khách cứ trầm trồ vỗ tay cổ vũ theo từng sải lưới được kéo lên. Cứ vài sải lại có cá dìa to bằng bàn tay mắc lưới vùng vẫy. Dũng cho biết tháng 7 là ngư dân đầm Chuồn bắt đầm om cá dìa giống, đến tháng 10 thả cá dìa xuống đầm và thu hoạch từ tháng 3 cho đến tháng 7 năm sau.
Trên đầm có các loại cá dìa, cá hồng, cá mú, cá nau, cá ong bầu, tôm sụ và cua được nuôi bằng chắn sáo (hay còn gọi là vây ví), chưa kể những loại cá như cá cồi, cá ong hương, cá thệ... có thể đánh bắt tự nhiên.
Kéo lưới trở về, du khách cầm ghita hát ca chờ nồi cháo cá dìa nấu hành mới mắc lưới tức thì. Dưới sương đêm, nhạc tấu khúc tình trăng mơ màng trong làn gió tinh khiết của đêm trăng thanh bình...
Chúng tôi tiếp tục xuống bến, tự mình chống đò len lỏi vào trộ sáo rồi nằm ngửa trên đò ngắm trăng rằm. 1g sáng, du khách bắt đầu thấm mệt, ngưng tiếng đàn ca rồi ngả lưng trên chiếu chăn đã được chuẩn bị sẵn.
“Ngư dân đầm Chuồn tui sướng nhất thế giới, đêm ngủ khách sạn ngàn sao, có gió ru ngủ, có sương sa không cần điều hòa mà vẫn mát rượi” - Dũng tự hào nói.
5g30 sáng, mặt trời ló dạng, ươm màu rực rỡ lên đường chân trời phía đông. Du khách tiếp tục xuống đò xuôi dòng nước về phía cửa biển Thuận An xem ngư dân quăng lưới đánh bắt sớm.
Rồi đò ngược về phía làng Chuồn xem thương lái mua tôm cá ngay trên mặt đầm trước khi cập bến tiễn khách.
Trên đường về, chúng tôi ghé vào chợ Chuồn ăn sáng với món bánh khoái cá kình dân dã nổi tiếng.
Du khách còn có thể thoải mái chọn những rổ cá tươi ngon ở hàng cá, mang ra hàng bánh để các mệ đổ bánh khoái. No nê một bữa bánh khoái cá kình, du khách về thành phố mà chợt nghĩ còn biết bao “bến quê” nữa mà mình chưa trở về…
Đầm Chuồn thuộc làng An Truyền (còn có tên là làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), cách trung tâm TP Huế chưa đến 10km về hướng đông nam. Đầm Chuồn thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lớn nhất Đông Nam Á. |
Theo TTO