Trường Đại học Khoa học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản (NIES) vừa tổ chức "Hội thảo phát triển năng lực quản lý chất thải khi ngập lụt cho các đô thị quy mô vừa ở Đông Nam Á".
Đây là hội thảo tập huấn dành cho một số đô thị ở miền Trung Việt Nam trong khuôn khổ dự án "Thích ứng công tác quản lý chất thải rắn với điều kiện hay bị ngập lụt ở các thành phố quy mô vừa dễ tổn thương ở Châu Á". Dự án do NIES chủ trì, thực hiện ở Thái Lan và Việt Nam, trong đó Huế là thành phố được chọn làm thí điểm cho Việt Nam và Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Huế là thành viên địa phương của dự án.
Xuất phát từ thực tế ở các đô thị vửa và nhỏ, hệ thống quản lý chất thải rắn hầu như chỉ được thiết kế, lập kế hoạch và vận hành cho điều kiện bình thường mà không được thích ứng cho điều kiện ngập lụt.
Mục tiêu của hội thảo là nhằm hỗ trợ cho các cán bộ quản lý, chuyên viên ở các địa phương kiến thức và công cụ để nhận diện được những vấn đề dễ tổn thương của hệ thống và đề xuất được những hành động chuẩn bị ứng phó phù hợp.
Tại hội thảo, những người tham dự đã được tiếp cận với phương pháp đánh giá tính dễ tổn thương của hệ thống quản lý chất thải rắn và áp dụng cho địa phương mình bằng công cụ đánh giá định lượng do NIES xây dựng. Các thành viên tham dự cũng đã làm việc theo nhóm để đề xuất các hành động chuẩn bị ứng phó đối với các vấn đề đã được phát hiện qua đánh giá tinh dễ tổn thương.
Theo đánh giá của đại diện các địa phương, hội thảo đã đem lại cho những người tham dự một hướng tiếp cận với những hiểu biết mới, một công cụ nhận diện vấn đề khá đơn giản nhưng hiệu quả và có tính ứng dụng cao. Đây là những nội dung mà các thành phố, thị xã ở miền Trung có thể vận dụng vào thực tiễn của địa phương mình, nhằm cải thiện công tác thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong và sau ngập lụt hạn chế các tác động đến môi trường và sức khỏe người dân.
PV