Dưới chân đồi A Bia (xã Hồng Bắc, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), nơi hố bom chằng chịt giờ đã phủ xanh những đồng lúa nước.
Đồi A Bia hay còn gọi là đồi Thịt Băm, nơi diễn ra trận đánh chấn động vào năm 1969, nhiều dấu tích chiến tranh vẫn còn lưu lại. Dưới chân A Bia, ngày xưa là vùng đất chết bởi bom đạn và chất độc màu da cam. Nhưng giờ đây, vùng đất ấy đã xanh màu trở lại, những hố bom lại là những đồng lúa xanh ngắt một màu. Trong ký ức người dân Pa Kô nơi đây, câu chuyện về việc đưa cây lúa nước về bản làng vẫn còn nguyên vẹn. Một trong những người đi đầu phong trào ấy là ông Lê Minh Rói (60 tuổi), trú tại thôn Lê Ninh.
Dẫn chúng tôi ra đồng lúa, ông Rói kể cây lúa nước lần đầu tiên được đưa lên vùng cao A Lưới vào năm 1977 tại xã Hồng Quảng. Cụ Quỳnh Nót là người tiên phong về miền xuôi học kỹ thuật. Ông Rói hồi đó còn thanh niên trai tráng. Ông được dân bản tin tưởng cử đi học trồng lúa tại xã Hồng Quảng. Sau đó, ông cùng bà con Pa Kô ươm trồng những cây lúa đầu tiên trên mảnh đất còn hoang sơ, nhiều dấu tích bom đạn. Những mảnh ruộng đầu tiên được trồng xung quanh ba con suối A Rê, A Túc, A Ta, nơi ngày xưa chằng chịt hố bom. Ông Rói là người cày những đường cày đầu tiên trước sự vui mừng của dân làng về một tương lai ấm no. Tinh thần lao động đang hăng say, dân làng đua nhau khai khẩn, học cách cấy cày, ngâm giống, ủ phân… “Mùa vụ đầu tiên không được nhiều lúa nhưng toàn dân bản vui như hội. Bao đời làm lúa khô trên rẫy nhưng không đủ ăn. Nên khi cầm trên tay những hạt lúa nước đầu tiên, ai nấy ưng cái bụng lắm”.
Những đường nước bằng tre dần được thay thế bằng đường dẫn bê tông. Đồng lúa cứ thế mở rộng dần đến tận các chân núi, làng bản. Hiện nay, toàn xã gieo trồng 92ha mỗi năm, năng suất đạt 54 tạ/ha. Theo ông Nguyễn Văn Chở, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Bắc, toàn xã có 5 thôn với 448 hộ, hơn 2.100 khẩu, chủ yếu là đồng bào Pa Kô. Người dân nơi đây sống nhờ vào nông nghiệp là chính. Ngoài trồng khoai sắn, lúa rẫy, thì việc khai khẩn mở rộng trồng lúa nước đã giúp bà con nơi đây no ấm hơn. Bà Hồ Thị Sưa, trú tại thôn Ra Lộc 2 cho biết: “Năng suất lúa nước gấp 5 lần so với lúa rẫy. Cái ăn cũng đủ hơn. Cũng có khi mùa màng thu hoạch không như mình muốn vì hạn, sâu bệnh nhưng già Rói lại cùng bà con thăm đồng tìm bệnh để chữa. Già Rói trồng lúa giỏi lắm, bày mọi người nhiều cách để lúa được mùa. Không chỉ giỏi trồng trọt như cán bộ nông nghiệp, già Rói rất được dân làng tin tưởng, nên bao năm nay đều bầu già làm Bí thư xã”.
Nhiều người trở lại vùng đất chết dưới chân núi A Bia không khỏi bất ngờ bởi những đồng lúa tươi tốt. Dân bản Pa Kô vui tươi cấy cày, thu hoạch. Từ những hố bom, những cây lúa nước vươn lên đầy sức sống. Nhìn đồng lúa kéo dài đến chân núi, ông Rói nói: “Việc trồng lúa nước ở vùng này không đơn giản. Đây là vùng bom đạn, cách một mét có một hố bom. Chất độc da cam cũng nhuốm màu đất đá. Nhiều đồi núi chục năm cải tạo mới trồng lại được cây xanh. Việc khai khẩn, cải tạo đất làm ruộng không dễ, có cả mồ hôi và máu của bà con. Một số người đã chết bởi bom đạn còn sót lại trong đất…”.
Theo Tuyết Khoa (Thanh Niên)