Nhịp điệu cuộc sống
Nhân rộng phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ở Thừa Thiên-Huế
09:57 | 24/07/2015

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 100 nghìn đối tượng chính sách. Những năm qua, xã hội hóa công tác chăm sóc những đối tượng chính sách đã và đang phát triển sâu rộng, trở thành nghĩa cử cao đẹp trong đời sống văn hóa của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thông qua nhiều việc làm thiết thực, các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội và cá nhân đã thể hiện tấm lòng tri ân đối với các gia đình chính sách, người có công.

Nhân rộng phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ở Thừa Thiên-Huế
Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ở Thừa Thiên - Huế phát triển sâu rộng, với nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ xây nhà cho các đối tượng chính sách.

Giúp người có công ổn định nhà ở

Những năm qua, chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng ở Thừa Thiên - Huế đã từng bước nâng cao mức sống, bảo đảm chỗ ở ổn định cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ nguồn lực xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa". Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa hơn 2.500 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí gần 55 tỷ đồng. Trong ngôi nhà kiên cố, rộng 60 m2 , ông Phan Dân (67 tuổi), trú xã Phú Xuân (huyện Phú Vang) không giấu nổi niềm vui, tâm sự: "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là chính quyền địa phương, mong ước được sống trong một căn nhà mới của gia đình tôi giờ đã thành hiện thực". Căn nhà của ông Dân được xây dựng với kinh phí 120 triệu đồng, trong đó Bộ Quốc phòng tặng 60 triệu đồng, số còn lại do gia đình góp thêm.

Ông Dân kể, trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, ông trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế. Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, ông bị thương nặng trong một trận chiến ác liệt chống địch càn quét. Sau đó, ông bị địch bắt và tù đày tại Lao Thừa Phủ. Khi được trả tự do, ông được anh trai đưa về quê chăm sóc nhưng cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn do mất sức lao động.

Đến thăm ngôi nhà của gia đình ông Lê Văn Duyệt, người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở thôn Bạch Sơn, xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc), vừa được Nhà nước hỗ trợ xây mới theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, ông Duyệt cho biết: "Tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình và người thân góp thêm 50 triệu đồng để xây nhà mới. Sau khi xây xong, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể đến tặng quà, hỗ trợ mua thêm các vật dụng sinh hoạt. Chúng tôi thấy ấm lòng khi những năm tháng hòa bình được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, chăm sóc".

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế Lê Quang Dũng, đồng thời là Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của tỉnh cho biết: Sau hai năm triển khai, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ 2.318 hộ gia đình người có công xây mới và sửa chữa nâng cấp nhà ở với kinh phí hơn 61,3 tỷ đồng; trong đó, xây mới 748 nhà và cải tạo, sửa chữa 1.570 nhà. Ngoài nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh cấp tạm ứng (40 triệu đồng đối với nhà xây mới và 20 triệu đồng đối với nhà sửa chữa), các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn còn ủng hộ tiền, công lao động giúp đỡ các gia đình trong quá trình xây dựng, sửa chữa.

Theo ông Lê Quang Dũng, để chương trình hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công đạt hiệu quả cao, cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức, đoàn thể, địa phương cần tích cực tuyên truyền, huy động các nguồn lực từ cộng đồng, hỗ trợ vật chất, kinh phí và ngày công giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Trần Thị Cháu ở thôn Nam Phò Hạ (xã Lộc An, Phú Lộc) thuộc đối tượng người có công với cách mạng, được hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà mới.

Xã hội hóa chăm sóc người có công

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 100 nghìn đối tượng chính sách, trong đó có hơn 19 nghìn liệt sĩ, gần 13 nghìn thương binh, bệnh binh, hơn 1.400 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần năm nghìn cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày và hơn 20 nghìn người có công với cách mạng... Nhiều năm qua, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, nhất là công tác vận động gây quỹ và tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, được xã hội tham gia, hưởng ứng tích cực.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phan Minh Nguyệt cho biết: Ban quản lý Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" các cấp trong tỉnh đã vận động hàng chục tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, cũng như hỗ trợ họ khi đau ốm; nâng cấp các nghĩa trang và phần mộ liệt sĩ... Riêng các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng các doanh nghiệp đã thi đua, vận động cán bộ, công nhân viên chức và người lao động đóng góp công sức, ngày công lao động và trích quỹ phúc lợi, một đến hai ngày lương/người để xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" cấp tỉnh hơn 15 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ xây mới và sửa chữa nâng cấp hơn 2.000 ngôi nhà tình nghĩa; nhận phụng dưỡng 128 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng hơn 10 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền gần 5,5 tỷ đồng cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thân nhân liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh.

Bên cạnh đó, tỉnh có các chính sách ưu tiên miễn giảm hỗ trợ đối với người có công, như được nhận khoán ruộng đất sản xuất, được miễn giảm thuế đất nông nghiệp, giải quyết cho vay vốn ưu đãi, tạo việc làm... Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm ở hầu hết các địa phương đều tạo điều kiện cho con của người có công tham gia. Ông Hồ Bòn, trú xã A Đớt (huyện A Lưới), một trong những thương binh làm kinh tế giỏi, tâm sự: "Từ khi chính quyền tạo điều kiện vay vốn để chăn nuôi, buôn bán nhỏ, đời sống của gia đình dần dần ổn định. Con tôi được học nghề trồng caosu miễn phí, nên giờ gia đình tôi có một vườn cao-su cho năng suất kinh tế hiệu quả". Không riêng gia đình ông Bòn, các hộ gia đình chính sách ở huyện miền núi A Lưới đều được chăm lo chu đáo, nhất là đối với các gia đình khó khăn, neo đơn, nhiễm chất độc da cam. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện A Lưới Hồ Nam Đông cho biết: "Toàn huyện có hơn 5.000 gia đình chính sách. Những năm qua, huyện luôn làm tốt công tác chi trả các chế độ chính sách với số tiền hơn năm tỷ đồng/tháng. Hằng tháng, cán bộ huyện, xã không chỉ trực tiếp đến chi trả, mà còn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đối tượng chính sách để hỗ trợ kịp thời".

Những hoạt động thiết thực ấy được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu đối với các cấp, các ngành ở Thừa Thiên - Huế, với mong muốn đền ơn các thế hệ đi trước và giữ gìn đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn" truyền cho các thế hệ sau. Các xã, phường, thị trấn đã có nhiều giải pháp, việc làm tình nghĩa phù hợp điều kiện của địa phương, tạo điều kiện để gia đình chính sách phát huy khả năng của mình. Tại xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) các hộ gia đình chính sách được cấp hơn 5,5 ha ruộng; phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà) vận động các đơn vị hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 60 nhà tình nghĩa với số tiền hơn 800 triệu đồng; chính quyền xã Hồng Thái (huyện A Lưới) huy động nhân lực đào hồ nuôi cá và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhiều người có công...

Từ những thành công trên, cho thấy để xã hội hóa công tác chăm sóc người có công tại Thừa Thiên - Huế được đẩy mạnh, trước hết các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch hành động, từng bước đưa công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" vào nền nếp. Qua đó, không chỉ phát huy sức mạnh của Nhà nước, cộng đồng, mà còn khơi dậy ý chí tự lực, chủ động của chính người có công, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống. Từ sự quan tâm ấy, đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế có 98% số gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Theo NDO

Các bài mới
Các bài đã đăng