Chột nưa là loại cây đuợc trồng nhiều ở Thừa Thiên Huế, nơi đất ruộng khô hoặc đất bãi bồi ven sôngthị xã Hương Trà… Nhưng chột nưa ngon có tiếng là chột nưa trồng ở làng Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền). Thân cây nưa được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như món dưa chua chột nưa muối với cây kiệu, ăn kèm thịt heo luộc... Nhưng đặc biệt là món canh chột nưa nấu cá lóc đồng đậm đà, tạo nên "hồn cốt" hương vị quê hương, ai đã một lần ăn sẽ nhớ mãi.
Nói đến chột nưa, nhiều người dân xứ Huế còn nhớ câu chuyện kể rằng vào thời chiến tranh chống Pháp, các chiến sĩ cách mạng bị bắt giam trong lao Thừa Phủ (một nhà tù lớn của Thực dân Pháp ở Huế) thường có phong trào tuyệt thực để đấu tranh. Họ nhịn ăn nhiều ngày để phản đối chế độ nhà tù tàn bạo. Để chống lại phong trào này, bọn cai ngục đã nghĩ ra một “chiêu” khá độc là nấu canh chột nưa với cá để “mang thèm’’, nhằm làm “lay động” các chiến sĩ cách mạng, phá hỏng cuộc đấu tranh của họ. Lúc bấy giờ, nhà thơ Tố Hữu đã viết “Đầu sàn canh bốc khói/ Chén cá nức mùi thơm/ Lên họa với mùi cơm/ Sao mà như cám dỗ” (trong bài Con cá chột nưa). Qua câu chuyện đó, cũng đủ thấy món canh chột nưa nấu cá mà đặc biệt là cá lóc đồng ở xứ Huế hấp dẫn đến thế nào.
Cách chế biến món canh chột nưa nấu cá lóc đồng khá đơn giản. Chột nưa gọt sach vỏ, dùng cán dao dần qua cho dập các “thớ thịt” (làm thế thì khi nấu chột nưa sẽ mau mềm và thấm ngon hơn). Sau đó cắt lát dày khoảng 2cm, rửa sạch, vớt ra cho ráo nước. Cá lóc làm sạch, rửa nước muối cho sạch nhớt và cũng cắt lát dày tuỳ ý. Ướp cá với hạt tiêu, hành tím cắt lát mỏng kèm theo chút nuớc mắm để khoảng 15 phút cho thấm. Chột nưa nấu mềm, vặn nhỏ lửa cho sôi riu riu. Cá lóc được um chín trên chảo dầu nóng, mùi hành tiêu bốc lên thơm lừng, đun sôi hỗn hợp thêm khoảng 3 phút, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.
Tô canh cá lóc- chột nưa thơm ngon hấp dẫn.
Món canh sẽ ngon hơn khi nấu canh chột nưa mà thêm chút ruốc Huế thì sẽ đậm đà, “thăng hoa” hơn. Múc canh ra tô thêm chút hành lá, ngò tây sẽ có một món canh thơm ngon hấp dẫn mà ai đã một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên! Chả thế mà nguời Huế xa quê, khi nhớ về quê huơng yêu dấu sẽ rất thèm được ăn món canh chột nưa nấu cá lóc đồng.
Chột nưa còn được gọi là cây khoai nưa, dễ trồng vào đầu mùa xuân, thu hoạch rộ vào mùa thu đông. Chột nưa có tên khoa học (Amorphophallusrivicri Dur) thuộc họ cây ráy (Araceae ). Cây nưa có thân thảo với củ to hình dẹt, đường kính 15cm đến 20cm. Lá có cuống dài 40cm đến 80cm, màu lục nâu xen những đốm trắng chia làm 3 nhánh, các nhánh lại phân đôi xẻ thuỳ hình lông chim. Theo Đông y, cây chột nưa còn là một dược liệu có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, hạ sốt, giải độc … vì thế trong quan niệm dân gian thì chột nưa là thức ăn rất lành (hiền). |
|