Sáng ngày 2/1 (nhằm ngày 23 tháng chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức tái hiện nghi lễ dựng nêu (còn gọi là lễ Thướng tiêu) tại Hoàng cung, Đại Nội Huế.
Nghi thức dựng nêu sẽ tiến hành qua hai phần chính là rước nêu và dựng nêu. Phần lễ bắt đầu bằng một đám rước có đầy đủ nghi thức cờ lọng, trống kèn, đội nhạc, đội vác nêu, lính hầu… xuất phát từ trục cửa Hiển Nhơn băng qua điện Thái Hòa đến Thế Miếu và qua sân điện Long An (thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) .Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23/12 Âm lịch, trùng với ngày Tết ông Công, ông Táo, đó như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ mọi công việc trong năm và cũng đồng nghĩa với việc ngày Tết cổ truyền dân tộc sẽ được bắt đầu. Lúc này, triều đình không tiếp nhận văn thư, không đóng ấn, tức là ngày khóa ấn (cất ấn triện).
Bắt đầu dựng nêu sau khi làm lễ xong |
Cây nêu được chọn để dựng thường là tre đực, cao, to, nặng, được một đội lính gánh trên vai đến trước Thế Miếu. Đoàn rước phải đi theo hàng lối chỉnh tề, dưới sự chỉ đạo của người chịu trách nhiệm cầm ấn của vua. Trong nghi thức dựng nêu, cây nêu sẽ được buộc ấn triện, phướn dài, cái sọt đựng giấy tiền, cau trầu, bàu đạo… để cúng thần linh và xua đuổi ma quỷ.
Cây nêu đã được dựng lên để cúng thần linh và xua đuổi ma quỷ. |
Sau lễ cúng, những vật phẩm như chuông, phướn, ấn tín vua… được buộc ở đỉnh cây nêu trước khi nêu được dựng lên. Đến ngày 7 tháng Giêng âm lịch, cây nêu sẽ được hạ xuống và mọi công việc trong triều đình sẽ trở lại bình thường.
PV