Nhịp điệu cuộc sống
Làng Rồng hồi sinh trên vùng đất mới sau trận “đại hồng thủy”
08:59 | 15/04/2016

Một đêm kinh hoàng vào tháng 11/1999, trận “đại hồng thủy” bất ngờ đổ về “xóa “ trắng làng Hải Thành (thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cũng sau trận lũ lịch sử ấy, cái tên làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt cho những hộ dân may mắn sống sót về sinh sống trên vùng đất mới. 

Làng Rồng hồi sinh trên vùng đất mới sau trận “đại hồng thủy”

17 năm sau ngày khai tên làng Rồng, đến nay cuộc sống của bà con nơi đây đã mang một sắc diện mới.

“Những hồi ức về trận lũ”

Về thăm lại làng Rồng trong những ngày đầu tháng 4, hình ảnh những ngôi nhà hai tầng được xây dựng kiên cố mọc lên rất nhiều. Nhờ những năm gần đây, công việc làm ăn thuận lợi nên cuộc sống của người dân đang ngày càng khấm khá hơn.

Nhưng cho dù cuộc sống hiện tại có sung túc bao nhiêu đi chăng nữa thì ký ức về trận “đại hồng thủy” xảy ra cách đây 17 năm không thể nào quên trong tâm trí của mỗi người dân Huế nói chung và người dân làng Rồng nói riêng.

Nhớ lại ký ức kinh hoàng đó, anh Trần Văn Thu (50 tuổi, làng Rồng, thị trấn Thuận An, Phú Vang) kể: “Trận lũ đó đã cướp đi 12 sinh mạng trong gia đình tôi. Dù có nằm mơ tôi cũng không tin là điều khủng khiếp ấy lại xảy ra với gia đình tôi.

Đêm 24/11/1999, khi biết lũ sẽ ập đến nên tôi đã đưa các con và mấy đứa cháu sang nhà ông bà nội để tránh lũ, vì nhà ông bà được xây dựng kiên cố hơn nhà của hai vợ chồng tôi. Còn tôi và vợ thì ở lại nhà để cất dọn đồ đạc. Nhưng trong khoảng khắc ngắn ngủi, lũ ập đến cuốn đi cả nhà ba mẹ tôi lúc đó. Thế là… mọi người không còn ai sống sót”.

Anh Trần Văn Thu (làng Rồng, Phú Vang) kể lại những khoảnh khắc kinh hoàng về trận “đại hồng thủy” năm 1999 đã cướp đi 12 sinh mạng trong gia đình anh

Anh Hoàng Kha Ngọc (44 tuổi) bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó, cả làng ai cũng lo thu dọn để tránh lũ nhưng nước dâng lên quá nhanh nên một số người đã không kịp trở tay. Không còn một thứ gì sót lại trên mặt đất sau khi lũ đi qua. Gia đình chúng tôi may mắn thoát chết. Dù không còn nhà cửa nhưng so với nhiều hộ khác thì chúng tôi rất may mắn vẫn còn giữ được tính mạng”.

Đã 17 năm trôi qua, giờ sống trên vùng đất mới nhưng làm sao có thể quên đi những ngày “lịch sử” đó. Hơn 10 giờ tối, một cơn nước mạnh chẳng khác gì vòi rồng tràn về làm vỡ toang thân đập Hòa Duân và cuốn phăng đi tất cả. Thế là tất cả nhà cửa, trâu bò, lợn gà, thóc lúa, của nả đến vật thiêng liêng nhất là ban thờ, bát hương ông bà tổ tiên cũng bị dòng nước cuốn trôi, phá tan, vùi lấp hết… Gần 70 hộ dân làng Hải Thành trở thành bơ vơ tay trắng chỉ sau hơn một giờ đồng hồ…

Cũng nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự quan tâm, động viên tinh thần của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nên chúng tôi mới có ngày hôm nay. Và cái tên làng Rồng cũng do nguyên Tổng Bí thư đặt cho chúng tôi khi về sống trên vùng đất này” - anh Ngọc tâm sự.

Hồi sinh trên vùng đất mới với tên gọi làng Rồng

Đến nay làng Rồng có 64 hộ với 284 nhân khẩu. Người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển và buôn bán. Đặc biệt hơn cả làng hiện nay chỉ còn 1 hộ nghèo, còn lại các hộ khác đều thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ về sự thay đổi của làng Rồng hôm nay, ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: Cùng với sự nỗ lực vươn lên của từng người, từng hộ gia đình và nhờ sự quan tâm, giúp đỡ từ Trung ương và chính quyền địa phương nên đời sống của bà con làng Rồng không ngừng cải thiện và đi lên từng ngày. Một điều tự hào về làng Rồng đó là làng đạt chỉ tiêu nhiều “không” nhất của thị trấn Thuận An. Đó là “không tội phạm, không thất nghiệp, không thất học...”.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng với sự nỗ lực ấy, phía chính quyền rất mong trong những năm tới đây, làng Rồng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Lê Minh, Trưởng làng Rồng chia sẻ: “Nhắc tới hai từ “làng Rồng” là chúng tôi lại ghi nhớ tấm lòng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Kể từ sau ngày đặt tên làng cho chúng tôi thì cứ mỗi dịp Tết hay lễ bác ấy lại về thăm làng, gửi quà tặng cho bà con nơi đây. Hôm nay đời sống của bà con đã ổn định, khấm khá. Tấm lòng của nguyên Tổng Bí thư người dân làng Rồng chúng tôi sẽ luôn nhớ ơn và khắc sâu”.

Theo Thùy Nhung (baophapluat.vn)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng