Nhịp điệu cuộc sống
Tưởng niệm 100 năm ngày mất của chí sĩ yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân
08:31 | 16/05/2016

Sáng 15/5,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, UBND Quận Cẩm Lệ, UBND thị xã Điện Bàn, tổ chức buổi lễ dâng hương tưởng niệm tại di tích Ngôi mộ chung Thái Phiên và Trần Cao Vân thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tưởng niệm 100 năm ngày mất của chí sĩ yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của chí sĩ yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân (17/5/1916 -17/5/2016).

Sáng 15/5,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, UBND Quận Cẩm Lệ, UBND thị xã Điện Bàn, tổ chức buổi lễ dâng hương tưởng niệm tại di tích Ngôi mộ chung Thái Phiên và Trần Cao Vân thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thái Phiên sinh năm 1882, quê ở làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Năm 1904, ông đã tham gia phong trào Đông Du, Duy Tân cùng Phan Bội Châu. Năm 1908, ông trở thành yếu nhân của phong trào Duy Tân sau cuộc đấu tranh chống thuế ở Trung Kỳ.

Trần Cao Vân sinh năm 1866, quê ở làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn). Ông là người thông minh, hiếu học. Sau khi Kinh đô Huế thất thủ 1885, ông đi tu tại chùa Cổ Lâm (miền núi Quảng Nam). Năm 1892, ông vào Bình Định làm nghề dạy học và hoạt động cách mạng, ông tham gia khởi nghĩa chống Pháp, đề xướng thuyết "Trung thiên dịch", tham gia đấu tranh chống thuế ở Trung Kỳ 1908.

Đầu năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân đã gặp vua Duy Tân thống nhất kế hoạch khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân Pháp. Kế hoạch bị bại lộ, Thái Phiên và Duy Tân cùng một số đồng chí khác bị thực dân Pháp bắt trên đường lên căn cứ vào rạng sáng ngày 4/5/1916. Ngày 17/5/1916, hai ông đã bị thực dân Pháp xử chém tại cổng Chém (An Hòa, thành phố Huế) và bị chôn lấp cùng một chỗ. Tháng 6/1925, bà Trương Thị Dương là đồng chí của hai ông trong Đảng Việt Nam Quang phục hội đã bí mật đưa hài cốt hai ông từ An Hòa về chôn gần tháp Hòa thượng Kiết Mao. Sau đó 11 ngày, việc cải táng có nguy cơ bị lộ, bà lại bí mật dời hài cốt hai ông đem qua chôn chung một mộ phía bên này đường (tức vị trí ngày nay).

Ngôi mộ chung Thái Phiên và Trần Cao Vân đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử (lưu niệm) cấp Quốc gia tại Quyết định số 575- QĐ/VH ngày 14/7/1990.

Lan Trần

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng