Nhịp điệu cuộc sống
Họp báo Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu - 2017 và Lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng
17:26 | 10/01/2017

Sở Văn hóa và Thể thao vừa tổ chức buổi họp báo thông tin đến các cơ quan báo chí và truyền thông nội dung của Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu - 2017 và Lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng. 

Họp báo Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu - 2017 và Lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng
Ảnh minh hoạ (internet)

Theo đó, Lễ hội Đền Huyền Trân sẽ được tổ chức trong hai ngày chính thức: Mùng 08 và mùng 09 tháng Giêng năm Đinh Dậu (ngày 04/02 và 05/02/2017) tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - Núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân dân và du khách có điều kiện dâng hương tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Ban Tổ chức sẽ kéo dài thời gian đến hết ngày 12/02/2017 (16 tháng Giêng âm lịch).      Lễ hội bao gồm các hoạt động chính: Chương trình Khai hội diễn ra vào lúc 8 giờ 00, ngày mùng 08 tháng Giêng (04/02/2017); Lễ Tiên Thường (Cáo giỗ) diễn ra vào lúc 15h00 ngày mùng 08 tháng Giêng (04/02/2017) do Hội đồng Tộc trưởng làng An Cựu, thực hiện theo nghi lễ truyền thống và đặc biệt là Lễ Kỵ Công chúa Huyền Trân diễn ra vào sáng ngày mùng 09 tháng Giêng năm Đinh Dậu (05/02/2017) tại Chánh điện thờ Huyền Trân Công chúa với điểm nhấn là chương trình biểu diễn nghệ thuật sử thi tài hiện hoạt cảnh rước Công chúa Huyền Trân và ghi thức hành lễ, dâng hương. Bên cạnh phần lễ, để tạo không khí vui tươi phấn khởi trong những ngày đầu xuân, làm phong phú thêm Lễ hội, Ban Tổ chức sẽ phối hợp với các huyện, thành phố Huế, đơn vị trong tỉnh triển khai các hoạt động văn hóa và thể thao trong thời gian diễn ra Lễ hội gồm: Thi đấu Cờ người; biểu diễn võ cổ truyền; biểu diễn lân sư rồng; biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số; bài chòi; trò chơi vật, đẩy gậy; thi đấu cờ tướng; trình diễn thư pháp và trưng bày các sản phẩm truyền thống như Hoa giấy Thanh Tiên; Nhang trầm; Nón lá, hàng lưu niệm; dệt Dèng…

Cũng tại buổi họp báo, đồng chí Phan Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao và bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới đã thông tin đến các cơ quan báo chí về những giá trị nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, một trong những nghề truyền thống ra đời sớm và hiện đang được duy trì và phát huy của các dân tộc miền núi ở A Lưới. Với những giá trị độc đáo của dệt Dèng, ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số: 4036/QĐ-BVHTTDL công nhận dệt Dèng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Buổi Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt Dèng sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 16/01/2017 tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới.

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng