Nhịp điệu cuộc sống
Cặp đôi thứ hai mươi hai
08:38 | 10/07/2017

Với người Huế, đám cưới mà tổ chức… tập thể là một chuyện gì đó kinh thiên động địa bởi nó động chạm đến rất nhiều vấn đề từ lễ nghi, phong tục, định kiến… Vậy mà tới đây, ở Huế lần đầu tiên có một đám cưới tập thể do LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng ra tổ chức.

Cặp đôi thứ hai mươi hai
Nụ cười hạnh phúc của cặp đôi Lê Văn Trường và Hoàng Thị Hà đến từ Thanh Hóa. Ảnh: H.V.M

Và “động trời” hơn khi có một cặp đôi - cặp đôi thứ 22 đã viết đơn xin được cùng đám cưới tập thể sau khi đọc một bản tin trên báo địa phương.

“Cuối cùng mẹ cũng được làm cô dâu…”

Có chút bất ngờ khi Mai Nguyễn Đoan Trang, 33 tuổi, đón chúng tôi ở nhà riêng. Bởi đó là một căn nhà xây bề thế, nhìn chẳng ăn nhập gì với câu chuyện mà chị Ngô Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế - kể đầy xúc động về cặp đôi thứ 22 đã viết đơn “cầu cứu” LĐLĐ tỉnh cho được tham gia trong đám cưới tập thể sắp tới vì ở với nhau đã có một mặt con 8 tháng tuổi nhưng không có tiền để làm đám cưới. Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, chị Trang đứng lên ngồi xuống, gãi gãi đầu bảo “đây là phủ thờ bên họ mẹ, thờ từ ông tổ là con thứ 9 của Vua Gia Long, tụi em chỉ tá túc qua ngày vì chưa biết đi đâu...”.

Trang hiện là văn thư của Trường Mầm non Xuân Phú (thành phố Huế). “Thật ra thì tụi em đã rất gần với đám cưới - Trang kể - mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, nhưng không biết trời xui đất khiến thế nào mà chỉ còn đúng một tháng nữa là ngày cưới thì ba em đột ngột qua đời sau một cơn trụy tim. Không còn cách nào khác tụi em phải hoãn cưới. Tang ba, dù là con gái, theo phong tục của Huế mình thì phải sau 2 năm mới được cưới, trong lúc chồng em thời điểm đó đã hơi lớn tuổi (36 tuổi). Hai nhà nội ngoại bàn tới tính lui, một hồi lại khuyên tụi em thôi hai đứa cứ về sống với nhau, sinh đại đứa con rồi sau này cưới hỏi tính sau. Lời khuyên cũng có lý, nên tụi em đồng ý về sống chung với nhau cho đến giờ”.

Về sống chung với nhau 3 năm, đã có một mặt con 8 tháng tuổi, nhưng vợ chồng chị Trang vẫn không thể nào làm được đám cưới vì lương văn thư cho một trường mầm non trong thành phố của Trang cộng với lương công nhân nhà máy gạch của anh Vũ - chồng chị - cộng lại chưa quá 5,5 triệu/tháng. Chị Trang bảo “tháng nào con đừng ốm đau thì đủ, nhưng chỉ cần trái gió trở trời chút thôi là thiếu trước hụt sau”. Vậy nên chị Trang luôn nghĩ mình sẽ không còn cơ hội mặc áo cưới cho đến một hôm “vớ” được tờ báo Thừa Thiên - Huế có đăng bài phỏng vấn chị Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - về một đám cưới tập thể lần đầu tiên cho công nhân trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 7 tới đây. “Đọc xong bài báo, em nghĩ ôi trời, cơ hội cưới ngàn năm có một đây rồi và lập tức viết đơn rồi tìm đến LĐLĐ xin cưới”.

Nhưng tìm đến LĐLĐ tỉnh thì gặp tin như sét đánh ngang tai rằng “đã chốt xong danh sách và mọi thứ cho 21 cặp đôi rồi, chừ không thay đổi được”. Chạy tới chạy lui, gặp hết người có trách nhiệm này đến người có trách nhiệm khác, năn nỉ cộng với nước mắt, cuối cùng chị Trang cũng được nhận đơn và đồng ý là cặp đôi thứ 22 “sau 4 ngày về đợi tưởng chừng như dài đến 4 thế kỷ”. Kể đến đây bỗng nhiên chị Trang ứa nước mắt. Chị ghì chặt đứa con trai 8 tháng vào lòng rồi thì thầm: “Cuối cùng mẹ cũng được làm cô dâu…”.

Vượt qua định kiến

Cùng cảnh ngộ không cưới mà sinh con như vợ chồng chị Trang là cặp đôi Lê Văn Trường (35 tuổi) và chị Hoàng Thị Hà (32 tuổi) đến từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Đây là cặp đôi ngoại tỉnh duy nhất có mặt trong đám cưới tập thể lần này ở Thừa Thiên - Huế và cùng là công nhân của Cty Giã Trân chuyên gia công hàng Kimono cho Nhật Bản. Đặc biệt hơn khi anh chị này đã sống với nhau từ năm 2008 và hiện đã có với nhau một đứa con trai 8 tuổi.

Chị Hà kể hai vợ chồng gặp, quen, yêu nhau ở Sài Gòn được 4 năm khi cả hai cùng làm công nhân cho một công ty thì quyết định dọn về ở với nhau sau một mâm cơm qua quýt với bạn bè, người thân “vì lúc đó tụi em nghèo quá không có tiền để làm đám cưới”. Được mấy năm thì công ty mở chi nhánh Huế. Vợ chồng chị Hà xin chuyển về Huế “phần được gần nhà hơn một chút, phần nghe bảo cuộc sống ở Huế ít đắt đỏ hơn trong Sài Gòn nên sẽ có cơ hội để dành chút ít để làm đám cưới cho bằng chị bằng em”.

Tuy nhiên “về Huế đã mấy năm nay, giấc mơ mặc áo cưới của em ngày một xa vì tình hình cũng chẳng sáng sủa gì hơn hồi ở Sài Gòn khi thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng tròn 6 triệu đồng, ăn uống, học hành của con còn thiếu trước hụt sau, nói chi đến chuyện cưới xin. Bởi vậy khi nghe tin Công đoàn tổ chức đám cưới tập thể cho công nhân, tụi em là cặp đôi đầu tiên trong công ty đăng ký tham dự”.

Theo chị Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế - trong số 22 cặp đôi tham gia cưới tập thể lần này có 50% là công nhân, còn lại là… một nửa công nhân nhưng rất giống nhau ở chỗ cùng hoàn cảnh rất khó khăn và đã đăng ký kết hôn. Đáng nói là có nhiều cặp đôi đã đăng ký kết hôn từ 7-9 năm, có cặp đã 16 năm nhưng vẫn chưa có điều kiện để tổ chức đám cưới. Khó khăn là thế, tuy nhiên việc đăng ký ngày từ lần đầu nghe tin như cặp đôi chị Hà hay viết đơn, năn nỉ xin được tham gia như chị Trang là hai trường hợp hy hữu.

Việc tổ chức đám cưới tập thể ở một số địa phương, tỉnh thành khác thì không có gì mới, nhưng với Thừa Thiên - Huế thì là chuyện quá lạ đối với suy nghĩ của số đông vốn nặng về gia giáo, lễ nghi nên những người tổ chức đã gặp vô vàn khó khăn, lực cản. “Ngay như Cty Giã Trân của em Hà, chốt lại có đến 5 cặp tham gia đám cưới tập thể, nhưng lần đầu tiên nghe chúng tôi phổ biến, chỉ có duy nhất em Hà đăng ký tham gia, còn lại ai cũng không muốn tham gia dù hoàn cảnh rất khó khăn, đến mức không thể tự tổ chức đám cưới cho riêng mình”.

Chị Hương kể, có trường hợp cán bộ LĐLĐ tỉnh đã vận động được cặp đôi tham gia, nhưng bố cô gái lại không đồng ý dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đến khi thuyết phục được ông bố thì đến lượt tổ chức Công đoàn cơ sở, nơi cô gái làm việc lại làm mình làm mẩy nói răng không nghe ai nói gì, rằng họ có thể tự giúp công nhân của mình làm đám cưới được và không cần trên lo.

“Không biết ở các địa phương khác người ta tổ chức đám cưới tập thể thế nào chứ ở Huế tôi thấy khổ quá. Ai đời đi vận động công nhân làm đám cưới mà tình cảnh cứ như con gái mình lỡ mang bầu rồi đi năn nỉ nhà trai. 22 cặp đôi là 22 câu chuyện gian nan. Kể thì nhiều người không tin chứ mỗi khi có được một cặp đôi đồng ý là anh chị em chúng tôi mừng đến rơi nước mắt…”.
 

Tặng nhẫn cưới và cả phòng tân hôn

Đám cưới tập thể của 22 cặp đôi đầu tiên do LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng ra tổ chức sẽ diễn ra vào 5 giờ chiều 28.7 tới đây. Các cô dâu, chú rể với trang phục áo dài, khăn đóng sẽ lên xích lô đi qua một số tuyến đường trung tâm và điểm cuối cùng là về Nhà văn hóa Lao Động ở 100 Phạm Văn Đồng, phường Vĩ Dạ để tổ chức lễ. Mỗi cặp đôi sẽ có 3 bàn tiệc để mời họ hàng, bạn bè.

Ngoài việc hỗ trợ bàn tiệc, LĐLĐ tỉnh sẽ tặng mỗi cặp vợ chồng 1 nhẫn cưới với giá trị 1 chỉ vàng, cùng với đó là bánh kem, rượu, áo cưới, trang điểm, phương tiện đưa đón... Đặc biệt, KS Sông Hương sẽ tài trợ cho 22 cặp đôi 22 phòng tân hôn.

“Chúng tôi ước tính chi phí cho mỗi cặp đôi như vậy là 20 triệu đồng, không nhiều nếu so với một đám cưới ở Huế thời điểm này nhưng chắc chắn sẽ không thua về tiện nghi, lễ nghĩa, đặc biệt là những tình cảm ấm cúng mà tổ chức Công đoàn dành cho người lao động của mình”- chị Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế - khẳng định.

Nhà có điều kiện cũng xin… cưới tập thể

Theo chị Ngô Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế - trong số 22 cặp đôi, duy nhất có một cặp vợ làm công nhân, chồng làm công an phường Trường An (thành phố Huế) hoàn cảnh không khó khăn như số còn lại nhưng vẫn được LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý tham gia cưới tập thể.

“Ban đầu cũng có nhiều ý kiến không đồng ý. Nhưng tôi và nhiều anh chị em đã ủng hộ họ tham gia với lý do: Đúng là họ không khó khăn như nhiều anh chị em khác, nhưng họ lại có điểm cộng là ý thức về một nếp sống mới, văn minh… nên chúng ta ủng hộ để làm gương”.

Theo Hoàng Văn Minh - Đắc Thành - LĐ

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng