Tiếng sông Hương
Biến hầm cứu nạn Hải Vân thành hầm chính: Nhiều lo ngại
08:38 | 03/04/2015

Công ty Cổ phần Đèo Cả (Phú Yên) vừa làm việc với hai địa phương là Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế về việc mở rộng, đưa vào sử dụng hầm cứu nạn Hải Vân thành hầm chính. Nhiều lo ngại đặt ra từ dự án này.

Biến hầm cứu nạn Hải Vân thành hầm chính: Nhiều lo ngại

Đòi thu phí ngay khi mới… khởi công!

Theo Cty Cổ phần Đèo Cả (đơn vị chủ đầu tư dự án mở rộng hầm cứu nạn Hải Vân), tổng mức đầu tư của dự án là 6.234 tỷ đồng, sau khi hoàn tất sẽ nâng tổng làn xe qua 2 hầm Hải Vân lên con số 4. Mỗi hầm chạy một chiều.

“Sau này, khi tai nạn xảy ra, nếu là tai nạn khủng khiếp hoặc cả hai hầm bị nạn cùng lúc thì sẽ lánh vào đâu? Cứu nạn như thế nào?”

 

Một kỹ sư giao thông (xin giấu tên)

Với tổng mức đầu tư như trên, theo Tổng GĐ Cty Cổ phần Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng, dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư BOT đối với phần hầm mở rộng và khu vực đường dẫn đến cửa hầm. Ngoài ra, để thu hồi vốn, nhà đầu tư này kiến nghị sử dụng trạm thu phí phía nam cửa hầm Hải Vân và sẽ tiến hành thu phí ngay khi triển khai dự án mở rộng hầm!

“Tuy nhiên, trong trường hợp có cơ chế hỗ trợ từ phía Bộ GTVT, nhà đầu tư cũng nghiên cứu phương án đầu tư BT đối với phần đường dẫn và BOT đối với hầm mở rộng. Theo phương án vừa được trình UBND hai tỉnh thành là Đà Nẵng và Thừa Thiên- Huế, từ đây đến tháng 12/2015 là quãng thời gian khảo sát, lập đề xuất dự án và khảo sát thiết kế kỹ thuật.

Trong quý 1/2016 sẽ bắt đầu khởi công dự án và đến quý 1/2019 sẽ hoàn thành. Như vậy, trong quãng thời gian 3 năm thi công, mặc dù các loại xe cơ giới vẫn chưa sử dụng hầm mới Hải Vân song vẫn phải đóng phí theo đề xuất của nhà đầu tư !

Được biết, trạm thu phí phía nam hầm Hải Vân đã có kế hoạch xóa bỏ của Bộ GTVT vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, Cty Cổ phần Đèo Cả trong báo cáo triển khai lập đề xuất mở rộng hầm cứu nạn đã xin được giữ lại trạm thu phí này. Một lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III cho rằng nếu tiếp tục giữ trạm thu phí này thì cùng với trạm thu phí Phú Gia sắp đưa vào hoạt động, trong vòng 50km có 3 trạm thu phí sẽ gây bức xúc trong xã hội.

Theo đề xuất của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế gửi Bộ GTVT, để giúp nhà đầu tư nhanh hoàn vốn, có thể đặt cả hai trạm thu phí ở nam và bắc hầm Hải Vân. Tuy nhiên, cần phối hợp với dự án BOT Phước Tượng – Phú Gia để không ảnh hưởng đến quyền lợi của dân cũng như lợi ích các nhà đầu tư.

Nghiên cứu giải pháp khác

Một vụ tai nạn cháy xe khách trong hầm Hải Vân

 

Tại buổi làm việc giữa Cty Cổ phần Đèo Cả với các sở, ban ngành và UBND thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung lo ngại an toàn trong khi thi công cũng như an toàn sau khi đưa vào sử dụng vì hai hầm quá sát nhau và khi mở rộng, độ dày vách ngăn giữa hai hầm sẽ mỏng lại. Ông Trung cho rằng, ngoài việc mở rộng, nâng cấp hầm cứu nạn để đưa vào khai thác, nhà đầu tư cần tập trung nghiên cứu những phương án khác như làm hầm mới.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Minh Hoàng - Tổng GĐ Cty Cổ phần Đèo Cả cho rằng, nếu làm hầm mới thì chi phí sẽ vô cùng tốn kém. “Đó sẽ là con số rất lớn. Ngoài ra, nhiều nhà tư vấn nước ngoài khi vào khảo sát cũng cho rằng, nâng cấp hầm cứu nạn là hợp lý vì làm hầm mới, ngoài chi phí cao thì việc phá vỡ cảnh quan cũng là yếu tố cần xem xét” - ông Hoàng  nói. Ông này cũng cho hay, trên thế giới đa số hầm đều chạy một chiều và cả hai hầm song song đều có chức năng giao thông, cứu nạn bổ trợ lẫn nhau. Vì thế, nâng cấp hầm cứu nạn là hợp lý.

Tuy nhiên, một kỹ sư giao thông (xin giấu tên) cho rằng cần nghiên cứu kỹ độ an toàn. “Sau này, khi tai nạn xảy ra, nếu là tai nạn khủng khiếp hoặc cả hai hầm bị nạn cùng lúc thì sẽ lánh vào đâu? Cứu nạn như thế nào? Tất cả cái này cần phải lên phương án và báo cáo kỹ. Nếu khả thi mới cho mở rộng hầm cứu nạn. Nói tóm lại, nhà đầu tư phải giải đáp nhiều quan ngại của giới chuyên gia, có phương án thuyết phục” - kỹ sư này nói.

Theo lãnh đạo Cty Cổ phần Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco), việc mở rộng hầm cứu nạn Hải Vân thời gian trước đây đã được nhiều đơn vị trong và ngoài nước đặt vấn đề. Về cơ bản, Hamadeco đồng ý với chủ trương mở rộng, nâng cấp hầm cứu nạn vì thời gian tới, chắc chắn hầm Hải Vân sẽ quá tải khi lưu lượng xe tăng lên.

Ông Cao Bá Giang-  Phó Tổng GĐ Hamadeco cho biết, khi bắt đầu khởi động dự án, nhất thiết là phải xin ý kiến của phía Nhật Bản vì đây là dự án sử dụng vốn ODA của Nhật. “Khi phía Nhật hoàn thành, bàn giao dự án cho phía Việt Nam thì đã có phương án sử dụng, khai thác hầm cứu nạn như thế nào cho hợp lý rồi” - ông Giang nói.

Tổng chiều dài dự án là 12,6km, gồm: tuyến hầm lánh nạn được nghiên cứu mở rộng dài 6,2km, đường dẫn phía bắc dài 2,1km và đường dẫn phía nam dài 4,3km. Ống hầm mở rộng được thiết kế với hai làn xe, quy mô mỗi làn rộng 3,5m, đường dẫn tiếp cận hai cửa hầm cũng được mở rộng hai làn xe với vận tốc thiết kế 80(km/h). Hầm sẽ được thực hiện theo phương pháp xây dựng hầm mới của Áo (NATM), với kết cấu chống đỡ chủ yếu bằng bê tông phun, neo và bê tông vỏ hầm.

Theo TPO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng