Tiếng sông Hương
Lay lắt làng thêu Thuận Lộc
13:54 | 14/06/2016

 Thời khắc thịnh vượng, nghề thêu đã tạo ra công ăn việc làm, mang đến cuộc sống no ấm cho bao người dân xứ Huế. Thế nhưng hiện nay, nhiều người đã không còn “mặn mà” với nghề thêu khi mức lương quá thấp, sản phẩm thêu ra khó tiêu thụ.

Lay lắt làng thêu Thuận Lộc
Bà Đặng Thị Thương, xã viên của HTX Thuận Lộc gắn bó với nghề từ thuở ban đầu.

So với các làng nghề thủ công truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên Huế thì làng thêu Thuận Lộc có lẽ thuộc  hàng “hậu duệ”, tuổi đời còn non trẻ.

Một thời hoàng kim

Được gọi là “làng” thêu nhưng Thuận Lộc là một  trong 4 phường nằm ngay trong Kinh thành Huế. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), cũng như tình cảnh chung của bao người dân xứ Huế, người dân Thuận Lộc rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống khó khăn


Để cứu vãn tình thế lúc đó, Thành uỷ Huế chủ trương phải tìm cách tổ chức dạy nghề, tạo công ăn việc làm, nhất là với lớp trẻ, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân và nghề thêu được nhiều cán bộ đưa vào “tầm ngắm”. Đến năm 1976, hợp tác xã (HTX) thêu Thuận Lộc ra đời với 120 xã viên và được tổ chức sản xuất trong căn nhà 3 gian thuê lại của một trường học.

Bà Đặng Thị Thương (62 tuổi), một người gắn bó với nghề thêu từ thuở ban đầu cho biết: Sau một thời gian thành lập, HTX đã đào tạo hơn 1.000 người, lúc đó HTX Thuận Lộc vừa dạy thêu, vừa dạy bổ túc văn hoá và hoàn thành được chương trình cấp II cho xã viên. “Hồi đó đi khắp hang cùng ngõ hẹp của Thuận Lộc đâu đâu cũng thấy nhà nhà thêu tranh và cái tên Làng thêu Thuận Lộc cũng từ đó mà ra.” – bà Thương cho biết thêm.

Với những sợi chỉ màu, cùng với chiếc khung được làm bằng gỗ, qua đôi bàn tay khéo léo và sự tỷ mẩn của người thợ thêu đã hoá nên những bức tranh thêu làm say lòng người. Hàng làm ra, được nhập cho Liên Xô và các nước Đông Âu XHCN. Sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ nên ai cũng miệt mài với công việc,  người dân trong làng ai cũng có việc làm, so với các ngành nghề khác thì nghề thêu tuy chỉ ăn phần trăm trên đầu sản phẩm với giá bao cấp, nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ cũng giúp cho người thợ thêu có một cuộc sống khấm khá.

HTX thêu Thuận Lộc từng vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà Nước, từng được Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé thăm. Các sản phẩm thêu Thuận Lộc đã tham gia các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế và được đánh giá cao về chất lượng. Nhưng đó là thời hoàng kim trong quá khứ…

“Bây giờ khó đủ đường”

Đến với Huế, nhiều người đã không còn xa lạ với những thương hiệu tranh thêu XQ, tranh thêu Khánh Hà hay tranh thêu Kinh Đô. Nhưng ít ai biết rằng, những bức tranh thêu đó chính là sản phẩm của “làng” thêu Thuận Lộc.

“Các nghệ nhân thêu của HTX rất tận tâm, yêu nghề và truyền đạt nghề thêu truyền thống cho lớp trẻ. Gắn bó với nghề từ những ngày đầu tiên, trải qua bao khó khăn vất vả rồi  đến ngày nghề “thịnh vượng”. Song bây giờ rất buồn vì làng nghề mai một và có nguy cơ giải nghệ”, bà Đặng Thị Thương chia sẻ.

Bà Bùi Thị Kim Chi - Chủ nhiệm HTX thêu Thuận Lộc cho biết: “Hiện HTX đang đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt khi sản phẩm thêu ra khó tiêu thụ nên nhiều người đã không còn gắn bó với nghề nữa. Lương trung bình cũng chỉ hơn 2 triệu/tháng. Điều này dẫn tới việc nhiều xã viên bỏ nghề. Hiện, toàn HTX chỉ còn 27 xã viên, giảm 13 người so với trước.

Ngoài ra cơ sở vật chất cũng xuống cấp, căn nhà tại số 16 Thế Lữ, phường Thuận Lộc (TP Huế) được sử dụng từ những ngày đầu mới thành lập đến nay đã quá cũ, không đảm bảo cho việc bảo quản vải cũng như tranh thêu. Lớp trẻ bây giờ cũng ít đam mê với nghề thêu…”.

Chị Ngọc Hoa ( 28 tuổi), một thợ thêu trẻ tuổi của HTX thêu Thuận Lộc chia sẻ: “So với các nghề khác thì nghề thêu cũng nhẹ nhàng nhưng lương thấp, trước đây khi tranh thêu được nhiều người ưa chuộng nên thu nhập của thợ thêu cũng khấm khá. Thế nhưng giờ thì khó khăn lắm, tranh thêu ra không ai mua nên thợ thêu như chúng tôi cũng nản với nghề. Nhiều người đã bỏ nghề thêu đi làm thợ may cho các công ty để kiếm thêm thu nhập.”

Trước đây HTX nhận gia công hàng cho Pháp thông qua một công ty ở TP HCM, nhưng do gặp khó khăn về tài chính, công ty này đã chấm dứt hợp đồng nên sản phẩm của HTX chủ yếu phân phối trong tỉnh, nhưng cũng rất hạn chế.

Bởi vậy, việc bảo tồn và phục dựng nghề thêu Thuận Lộc đang là bài toán nan giải làm đau đầu chính quyền địa phương cũng như những người nặng lòng với nghề truyền thống của quê hương.

 

Theo baophapluat.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng