Tiếng sông Hương
Hơn 13 tỷ đồng trùng tu cầu ngói hiếm có ở Huế: 'Làm khỏe thôi, đừng làm trẻ di tích'”
09:14 | 12/09/2016

Đó là chia sẻ của ông Phan Thuận An – một người nghiên cứu văn hóa Huế trước thông tin UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư trên 13 tỷ đồng để trùng tu cầu ngói Thanh Toàn – một trong những cây cầu ngói cổ và hiếm có ở Việt Nam.

Hơn 13 tỷ đồng trùng tu cầu ngói hiếm có ở Huế: 'Làm khỏe thôi, đừng làm trẻ di tích'”
Dư luận tỏ ra lo lắng sau cuộc "đại phẫu" thì cầu ngói Thanh Toàn sẽ không còn giữ được hồn cốt vốn có

Như VTC News đã đưa tin, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn (một cây cầu ngói hiếm có, có tuổi đời 240 tuổi được dựng ở làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Dự án do Ban Đầu tư và Xây dựng thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư với mức đầu tư trên 13 tỷ đồng.

Trước thông tin này có một số luồng tin tỏ ra quan ngại trước câu hỏi, khi trùng tu xong công trình quý hiếm này còn còn giữ được hồn cốt của một công trình cổ hay không?.

Bà Đặng Thị Láng (75 tuổi, trú xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế ) bày tỏ: “Việc nhà nước tui không biết được. Tui thấy họ xuống đây nói tu sửa lại cầu, rồi hứa với dân là sửa lại y như cũ nên tui biết rứa”.

Những lo lắng này là có cơ sở khi cách đây mấy năm hàng loạt các công trình di tích hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi như đình cổ Ngu Nhuế (Hưng Yên), chùa Trăm Gian và đền Và (Hà Nội),… bị “bức tử”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều công trình đã “bị ép” phải làm mới, gây ra một làn sóng hoang mang, bức xúc cho dư luận và những những nhà nghiên cứu, bảo tồn.

Trước luồng thông tin này PV VTC News đã có buổi trò chuyện với ông Phan Thuận An – nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

Theo ông An, ở Việt Nam, những công trình kiến trúc như cầu, chùa, đình hay lăng tẩm đều bằng gỗ, mà không có một loại gỗ nào có thể chịu đựng nổi sự tàn phá của thời gian.

Đặc biệt là ở Huế, thời tiết, mưa bão, nắng nóng thất thường nên sự tàn phá còn kinh khủng hơn. Chính vì thế, việc trùng tu cầu ngói Thanh Toàn là điều phải làm để giữ công trình không bị xuống cấp.

“Cần thiết tu sửa hay chưa tui không thể đánh giá, nhưng khi tiến hành trùng tu nhất định phải có bản vẽ thiết kế, ngày xưa thế nào, hiện nay ra sao và trong tương lai sẽ như thế nào để các chuyên gia và những người dân ở đó họ trực tiếp giám sát”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An nói.

04

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng, việc trung tu di tích là cần thiết, tuy nhiên, cốt lõi của việc trùng tu là làm "khỏe" chứ không phải làm "trẻ" lại di tích. 

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhấn mạnh: “Việc bảo tồn, giữ gìn một di tích có lịch sử lâu đời, đã trải qua và chứng kiến những thăng trầm, biến đổi của lịch sử và thời gian là việc làm hết sức cần thiết.Điều này không chỉ ở Việt Nam, mà hầu hết các nước trên thế giới đều rất quan tâm đến việc tôn tạo để giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình”.

Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, việc dư luận băn khoăn và quan tâm trước cái được và cái mất của mỗi lần trung tu di tích cũng là điều hết sức dễ hiểu.

Việc tu sửa sẽ cứu vãn được di tích đang bị xuống cấp theo thời gian. Nhưng người dân cũng lo vì nếu làm ẩu, không đúng phương pháp sẽ làm biến tướng và hạ thấp giá trị văn hóa của di tích.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho hay, vấn đề cốt lõi của trùng tu di tích là phải để chúng “khỏe” lên và giữ được diện mạo, các họa tiết phải nguyên bản thay vì làm “trẻ” lại di tích.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An lấy Phu Văn Lâu (một di tích ở Huế mới được trùng tu và hoàn thành – PV) làm ví dụ cho việc “trẻ” lại của di tích.

Theo ông An, trong quá trình trùng tu việc sơn son thếp vàng mới sẽ khiến cho người nhìn cảm giác kiến trúc cổ dường như bị trẻ lại so với tuổi thật của nó. Trong khị, mục đích chính của việc trùng tu là “khỏe” cho di tích.

4

Phu Văn Lâu (Huế) sau khi được trùng tu với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. 

“Khi trùng tu di tích, việc sơn son, thếp vàng mới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với việc phải mất ít nhất 5 năm màu sơn mới phai nên không nên sơn lòe loẹt mà phải sơn cho nó một màu tương đối dịu và phù hợp với sự cổ kính của di tích”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An chia sẻ. 

Theo vtc.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài đã đăng