Chuyện Cố đô
Phục nguyên ngôi điện đẹp nhất trong Tử Cấm Thành Huế
08:09 | 05/11/2013

Điện Cần Chánh, ngôi điện đẹp nhất trong Tử Cấm Thành Huế và có giá trị quan trọng về mặt lịch sử đang đi đến giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị phục hồi nguyên vẹn.

Phục nguyên ngôi điện đẹp nhất trong Tử Cấm Thành Huế
Điện Cần Chánh hiện tại chỉ còn sót lại nền móng như thế này. (Ảnh: DT)

Ngôi điện đẹp nhất dành cho vua Nguyễn làm việc

Cần Chánh là ngôi điện dùng làm nơi thường triều của nhà vua trong Tử Cấm Thành. Tại đây, nhà vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5,10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, Điện còn là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ.

Điện Cần Chánh xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành. Điện đặt trên nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh. Diện tích gần 1000m2. Chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn.

Toàn bộ khung gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao của kiến trúc truyền thống Việt Nam thế kỷ XIX. Trong Điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo hai bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp của Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước. Điện còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn.

Điện được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899, vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ XX. Điện Cần Chánh bị cháy năm 1947, đến nay kế hoạch phục hồi Điện Cần Chánh đang được thực hiện bởi Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới UNESCO - Đại học Waseda, Nhật Bản (gọi tắt là Viện Di sản Waseda).
18 năm ròng rã chuẩn bị tu sửa điện Cần Chánh.

Điện Cần Chánh theo kế hoạch sẽ được phục nguyên hoàn toàn vào năm 2020. Từ năm 1994, việc lên kế hoạch cho điện đã được bàn kỹ càng. Các nhóm chuyên gia và sinh viên của Đại học Waseda đã đến Huế vào tháng 3, tháng 8 hàng năm; cùng với cán bộ Trung tâm khảo sát đo vẽ và phân tích các dữ liệu di tích, đồng thời cùng tổ chức đào tạo kỹ năng nghiên cứu bảo tồn tại chỗ ở di tích Huế và ở Nhật Bản. Đồng thời, công bố hàng chục bài nghiên cứu, khảo luận về kiến trúc cung đình Huế và việc nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Bước đầu đúc kết các kết quả nghiên cứu và xây dựng mô hình hiện trạng khu vực Đại Cung Môn – Điện Cần Chánh tỉ lệ 1/50, mô hình đồ họa 3 chiều trên vi tính (3D Computer Graphic) phục nguyên Điện Cần Chánh làm cơ sở cho các bước nghiên cứu tiếp theo.

Tháng 8/1997, hội thảo quốc tế lần thứ nhất về nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh diễn ra tại Huế đã nhận được sự đóng góp đầy tâm huyết của các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Ba Lan… và tất cả các ý kiến trên đều khẳng định tính khả thi của dự án này. Ngoài ra, một hội thảo về thiết kế đô thị lịch sử phối hợp giữa hai bên nhằm tạo diễn đàn thảo luận về giá trị lịch sử, sinh thái đặc trưng của thành phố Huế và các đề xuất dự kiến nhằm bảo lưu và phát huy các giá trị đó trong hoàn cảnh mới.

Từ 2005 đến 2008, chương trình nghiên cứu phục nguyên Điện Cần Chánh được tiếp tục.

Nhóm chuyên gia đã giải mã những vấn đề then chốt như phương pháp thiết kế kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian truyền thống Huế, tìm ra hệ thống thước đo của triều Nguyễn, phương pháp và kỹ thuật xây dựng cung Điện, phương pháp sử dụng vật liệu truyền thống và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến công cuộc kiến thiết Kinh đô Huế. Từ đó, đã tập hợp các nguồn tư liệu về kiến trúc cung đình Huế và Điện Cần Chánh, bao gồm các tư liệu viết, vẽ, ảnh chụp, các tư liệu ảnh, bản vẽ cổ và tài liệu phân tích phương pháp thiết kế tái thiết Điện Cần Chánh; thám sát khảo cổ học nền móng ở điện. Kết quả đã nghiên cứu thực nghiệm qua việc xây dựng mô hình tái thiết Điện Cần Chánh tỷ lệ 1/10 (hiện đã hoàn thành và đang được trưng bày).

Từ 2009 đến 2012 diễn ra hội thảo về dự án tái thiết Điện Cần Chánh lần thứ 2 và các vấn đề liên quan đến bảo tồn cảnh quan di sản đã được tổ chức tại Huế. Tiếp đến là dự án nghiên cứu phục hồi Điện Chiêu Kính (Thái Miếu). Đây là bước thực nghiệm nghiên cứu phục hồi/tái thiết đối với những công trình di tích kiến trúc đã bị mất trong khu vực Hoàng Thành Huế. Dự án được thực hiện thành công tạo ra những kinh nghiệm quí giá cho việc ưng dụng cho dự án phục nguyên Điện Cần Chánh. Ngoài ra, một vài hoạt động khảo sát vẫn được tiếp tục như: Khảo sát toàn diện hệ khung gỗ Điện Thái Hòa và Thế Tổ Miếu, khảo sát kỹ thuật sơn mài truyền thống và trang trí mỹ thuật trên kiến trúc cung Điện Huế nhằm cung cấp tư liệu cho việc phục hồi trang trí nội thất Điện Cần Chánh.

Tại buổi hội thảo quốc tế lần III về Nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và phục nguyên điện Cần Chánh diễn ra tại Huế ngày 9/8/2012, nhiều ý kiến các chuyên gia và các cấp lãnh đạo đã đưa ra nhằm mục đích phục nguyên đúng thời gian đối với điện Cần Chánh.

“Điện Cần Chánh có giá trị quan trọng như thế nào? Đó là điều chúng tôi luôn luôn đặt ra để có thể làm hết sức những gì tốt nhất cho 1 ngôi điện có giá trị lịch sử quan trọng với nhà Nguyễn. Sử dụng nhiều phương pháp như đối xứng kích thước thật trên bề móng kèm với 3D để đúc kết kích thước thật; đồng dạng mặt đứng công trình với Điện Thái Hòa, Thế Tổ Miếu là 2 công trình có tính tương đồng cao trong Đại Nội; làm các kèo giống như xưa theo phương pháp cũ hay từ kèo cũ rồi phục hồi lại để giữ giá trị văn hóa; thiết kế điện với chuẩn xưa qua các tài liệu, tranh ảnh cha ông xưa để lại...” - GS.TS Nakagawa Takeshi, Giám đốc Viện Di sản Waseda.

TS.Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, nhấn mạnh: “Ngay sắp tới, dự án nghiên cứu phục nguyên Điện Cần Chánh cần được hiện thực hóa thành Báo cáo kinh tế kỹ thuật trong năm 2013 để trình các cấp có thẩm quyền trong nước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bảo tồn môi trường cảnh quan gắn liền với di tích, thiết lập Kế hoạch quản lý khu di sản Huế nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của di sản Huế, đồng thời khai thác một cách hợp lý và phát huy tối đa được giá trị của di sản...”.

Con đường để phục nguyên ngôi điện đẹp nhất trong Tử Cấm Thành Huế và là một biểu tượng quan trọng dưới thời vua Nguyễn đã đi được quãng đường 18 năm, hiện còn 8 năm nữa để hoàn thành. Đây có thể xem như là công trình trong di tích Huế được phục hồi lâu nhất, công phu nhất nhưng cũng ý nghĩa nhất sau khi hoàn thành bởi vì công sức, độ khó, sự cần mẫn và dành tất cả tình yêu cho di tích từ phía Huế và Nhật Bản. Và ngày đó, không còn xa.

 


Theo Đại Dương (Dân trí)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng