Sinh viên Huế
Văn chương trong dòng chảy cuộc sống
08:49 | 08/01/2014

Khi cuộc sống trở nên bận rộn, người trẻ có nhiều việc phải làm, nhiều thứ để quan tâm hơn. Và dường như đối với họ, viết văn, làm thơ cũng là cách khiến cho cuộc sống của mình thú vị hơn. Văn chương vẫn đồng hành với nhiều bạn trẻ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Và đó là điều đáng mừng. 

Văn chương trong dòng chảy cuộc sống

Vào khoảng từ năm 1995 trở đi, độc giả của những tờ báo như Hoa Học Trò, Áo Trắng , Mực Tím, Văn Nghệ Trẻ, Tuổi Trẻ, Thanh Niên …đã quá quen thuộc với những cái  tên như Phạm Nguyên Tường, Đông Hà, Hoàng Dạ Thi, Lê Tấn Quỳnh… Đây là những cây bút trẻ của Huế được nhiều người biết đến bởi chất văn, giọng thơ đầy cá tính. Những người trẻ tuổi thời ấy đến với văn chương trước hết xuất phát từ tình yêu và nỗi đam mê sáng tác. Thơ văn chính là nơi họ có thể bộc bạch cái tôi rõ nét nhất và cũng là nơi lưu giữ những cảm xúc đẹp. Lấp lánh trong những sáng tác của những cây bút trẻ là những ký ức đẹp về thời áo trắng học đường, là những cảm xúc của mối tình  đầu tiên hay những trăn trở về những đổi thay của cuộc sống hôm nay. Giờ đây những cây bút ấy vẫn viết nhưng không còn ăm ắp nỗi đam mê trọn vẹn bởi mỗi người đã có những công việc riêng và bao điều phải lo toan trong cuộc sống. Thời điểm hiện tại, Huế có không nhiều những cây bút được chú ý, nhưng đa số họ đều rất cá tính, có phong cách viết trẻ trung và được đánh giá tốt như Phan Tuấn Anh, Meggie Phạm,  …  Điều đó cho thấy văn chương vẫn còn những ý nghĩa riêng, những giá trị khó đổi thay với nhiều người trong cuộc sống bộn bề hôm nay.

Nhiều tác phẩm văn học, thơ ca vẫn được bày bán trong các cửa hàng sách lớn nhỏ trong thành phố của chúng ta. Trong thời buổi văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt thì việc nhiều độc giả trẻ tuổi đến các nàh sách lựa chọn và đọc sách văn học là một điều đáng chú ý. Sách văn học ngày nay đa sô được in ấn rất bắt mắt và giá cả cũng phải chăng. Những thế hệ độc giả hôm nay có thể tìm hiểu và khám phá nhiều điều thú vị về văn học Việt Nam thông qua những tác phẩm như “Tự lực văn đoàn”, “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê”, “Sự thật thơ và đời Hồ Xuân Hương”, “Xuân Diệu thơ và đời”…

Những năm trở lại đây, sách văn học đang thật sự được quan tâm. Sách văn học không chỉ dành riêng cho giới nghiên cứu hay các sinh viên chuyên ngành để phục vụ việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy mà thực tế cho thấy sách văn học đang có một đối tượng riêng. Những tác giả nổi tiếng thế giới, những cuốn sách best-seller viết về các lĩnh vực luôn là sự lựa chọn của nhiều người. Giới trẻ ngày nay vẫn dành thời gian đọc sách. Nếu những tác phẩm văn học kinh điển giúp người trẻ hiểu và đam mê hơn những phong cách viết của người đi trước thì những tác phẩm của các cây bút trẻ nổi tiếng trên mạng của khắp thế giới đang đánh thức tình yêu đọc văn thơ của nhiều người trẻ.

Câu lạc bộ văn học trẻ tập hợp gần 100 người trẻ đam mê viết lách của Huế thành lập cách đây vài năm cũng cho thấy tình yêu dành cho văn học vẫn chưa bị mai một. Đa số các thành viên là các bạn sinh viên đến từ các khoa ngữ văn của các trường ĐHSP, ĐHKH, ĐH Phú Xuân...Tham gia câu lạc bộ này, các bạn trẻ đọc thơ, công bố những sáng tác mới của mình, và quan trọng hơn là được học hỏi , trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Nhiều bạn trẻ đã thật sự cảm thấy tự tin hơn và có thêm nhiều hứng thú cho những sáng tác của mình.

Nhiều người cho rằng, bây giờ vẫn còn khá nhiều sinh viên chọn học ngành văn bởi họ vẫn cảm nhận được những điều thú vị, bởi họ vẫn có những cảm xúc tuyệt vời khi đến với văn chương. Đó không chỉ đơn giản là cái nghề cho tương lai mà đó còn là một sự lựa chọn vì lòng đam mê.

Văn chương là một thế giới giúp tâm hồn, tình cảm thêm phong phú, nhạy cảm, biết rung động trước cái đẹp, cái thiện, cái thực của cuộc đời. Và đó cũng là lý do khiến văn chương vẫn tồn tại và được nhiều bạn trẻ của cuộc sống hôm nay đón nhận.

Theo Khánh Hà (TRT)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng