Tạp chí Sông Hương -
Những rào cản trong bảo tồn di sản
10:50 | 14/03/2012

Di sản là vốn quý. Không ai nghi ngờ điều đó. Và người ta tìm cách để kéo dài tuổi thọ của các di sản. Vấn đề đặt ra là, làm sao để những di sản tồn tại, sống động và đồng hành cùng sự phát triển của xã hội đương đại.

Những rào cản trong bảo tồn di sản

Di sản tồn tại và di sản sống

Đồng bằng Bắc bộ là xứ sở của ao, hồ. Hồ Gươm cũng nhỏ bé như muôn vàn cái ao làng nơi thôn quê dùng để thả cá, thả bèo. Những ao hồ không tên có thể sẽ chìm khuất dưới lớp bụi thời gian hoặc bởi bàn tay san lấp của con người. Nhưng, hồ Gươm thì lại khác với vô vàn những cái ao làng khác không chỉ là con mắt của Thủ đô mà còn mang trong lòng nó một huyền thoại đẹp đẽ về Vua Lê mượn kiếm của Kim Quy thần. Hồ Gươm là nơi cụ Rùa - một sinh thể mang nặng màu văn hóa tâm linh hiện hữu; bên bờ hồ là tượng đài vua Lý Thái Tổ, vua Lê Thái Tổ uy nghiêm, là Tháp Bút tả thanh thiên (viết lên trời xanh) cùng năm tháng, là Tháp Rùa trầm mặc, là đền Ngọc Sơn uy linh và cầu Thê Húc sơn son cổ kính… Tất cả như vẹn nguyên tự thuở xa xưa cho đến bây giờ. Hồ Gươm tồn tại cùng dòng chảy của thời gian và đồng hành cùng lịch sử, là điểm hội tụ của những dòng người trong những ngày lễ trọng và là biểu tượng trong nỗi nhớ của mỗi người Việt xa cách Thủ đô. Hồ Gươm là di sản sống động và linh thiêng giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Di sản luôn chứa giá trị khi nó tồn tại, nhưng sự tồn tại của di sản phụ thuộc vào cách ứng xử và cách nhìn của xã hội đương đại. Một người cha làm khảo cổ có thể nhảy lên sung sướng như một đứa trẻ khi ông tìm được 2 nửa viên gạch của thuở xa xăm; nhưng người con của ông ta có thể không hề có xúc cảm nào với 2 nửa viên gạch kể cả khi chúng được đặt ở vị trí trang trọng nhất, nếu như anh ta không biết 2 nửa viên gạch ấy nói lên điều gì. Người ta cũng sẽ sai lầm nếu chỉ giới thiệu với lớp trẻ rằng nhạc cung đình Huế là thứ âm nhạc bác học chỉ để dành cho vua quan thưởng thức, mà quên mất rằng thứ âm nhạc bác học ấy được tinh soạn từ âm nhạc dân gian, chứa trong nó những khát vọng thanh bình của người dân lao động ngàn đời.

Thêm một ví dụ nữa, khu phố cổ Hà Nội là một di sản đang tồn tại, nhưng nó thích thú đối với người đến xem hơn là người đang cư ngụ ở đó. Bởi vì với người xem thì gợi lên vẻ cổ kính u hoài của đất kinh kỳ ngàn năm tuổi, còn với người ở thì than phiền vì phải sống chen chúc trong những ngôi nhà cũ nát đang bị tàn phá bởi sự gặm nhấm của thời gian. Đó là những ví dụ gợi lên trong chúng ta những suy nghĩ.

Những rào cản không mong đợi

Di sản sẽ chỉ tồn tại và sống động khi con người biết giữ gìn, nâng niu nó đúng cách và bảo tồn nó theo đúng nghĩa. Vậy nhưng, nhiều ý kiến cho rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đang đối mặt với những rào cản lớn, nguy cơ di sản bị biến dạng, biến tướng đang hiện hữu. Tại các hội thảo thuộc Tuần lễ văn hóa và phát triển (diễn ra từ 5-9.3) một lần nữa vấn đề này lại được xới lên như là một thông điệp nhắc nhở mọi người hãy cứu lấy di sản trước sự xâm hạido thiếu hiểu biết và sự lạm dụng quá mức...

Trong báo cáo nghiên cứu trình bày tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Chí Bền nêu rõ: quan điểm bảo tồn chọn lọc và “sáng tạo truyền thống”, sân khấu hóa nhiều loại hình di sản văn hóa đã tạo ra những rào cản không mong đợi trong công tác bảo tồn. Việc thay đổi người chủ tế trong Ban khánh tiết bằng đại diện của chính quyền trong lễ dâng hương, bổ sung các hoạt động văn hóa văn nghệ trong các lễ hội đã làm thay đổi diện mạo, cấu trúc của lễ hội. Điều này dẫn đến thay đổi bản chất của di sản văn hóa địa phương, từ thực hành cho đến nội dung, ý nghĩa. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng: quá trình trùng tu tôn tạo, quy hoạch di sản trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần đáng kể trong việc bảo tồn, ngăn chặn sự xuống cấp, hư hại của nhiều di sản vật thể và phi vật thể. Nhưng quá trình này cũng gây ra nhiều hệ lụy, tác động trái chiều đặc biệt là thúc đẩy xu hướng làm cho di sản “hoành tráng” hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, xu hướng sáng tạo hay “chế tác”, hay sân khấu hóa di sản văn hóa truyền thống hiện nay đã tác động trực tiếp, góp phần hủy hoại, làm sai lệch bản chất di sản, nhất là với di sản phi vật thể…Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH, TT và DL cũng nhấn mạnh: xu hướng tạo dựng truyền thống, sân khấu hóa di sản là một vấn đề rất có “vấn đề” trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản và còn tồn tại lâu dài, cần nhiều cuộc bàn thảo để tìm ra cách thức giải quyết phù hợp.

Không chỉ công tác bảo tồn di sản đang có vấn đề, mà hơn thế việc bảo tồn di sản đang gặp phải rào cản và sự chi phối bởi lợi nhuận thu được từ du lịch. Thực tế là phát triển du lịch đã góp phần hồi sinh nhiều di sản văn hóa truyền thống, nhưng chỉ vì lợi nhuận những giá trị văn hóa, xã hội, tâm linh của các di sản đã và đang bị thay đổi và mai một dần... Nếu chỉ nghe cồng chiêng đơn thuần thì chỉ nghe ba bài chiêng du khách đã bỏ về rồi. Chúng tôi buộc phải làm cho hấp dẫn, rộn ràng hơn bằng các tiết mục nhạc mới có mang âm hưởng Tây nguyên”, đó là tâm sự của ông Păng Ti Mút - thành viên CLB cồng chiêng Liên Mút, Lạc Dương, Lâm Đồng về số phận của di sản cồng chiêng trong làn sóng du lịch ở Lâm Đồng.

Câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng trở nên bức bách và khẩn thiết hơn. Với cách bảo tồn và sự can thiệp hay lạm dụng di sản như hiện nay đang làm cho di sản bị biến dạng và biến tướng. Di sản là vốn quý. Bảo tồn và phát huy các giá trị từ di sản là việc cần làm, nhưng điều quan trọng nhất là phải làm sao để những di sản tồn tại, sống động và đồng hành cùng sự phát triển của xã hội đương đại.

Theo Trần Gia Phong - ĐBND













 

Các bài mới
Các bài đã đăng